spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngBáo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc...

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ

Ngày 17/3, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban QLDA Đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ. Dự án do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đề xuất.

Theo đơn vị tư vấn (Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam), dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (thuộc phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) với chiều dài khoảng 173 km.

Tuyến đi qua, kết nối 6 địa phương: tỉnh Bình dương, TP. HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với khoảng 13 ga và 2 trạm khách.

Tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km đi qua TP Cần Thơ. Dự kiến, hướng tuyến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này, đường sắt đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với QL91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Dự án đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ có tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD.

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, hướng tuyến trên địa phận TP Cần Thơ cơ bản theo hướng trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như trong Quy hoạch chi tiết đường sắt TP. HCM – Cần Thơ nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, tư vấn đã xem xét cập nhật, lồng ghép và điều chỉnh hướng tuyến đường sắt phù hợp với Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau”,

Riêng vị trí ga Cái Răng, đơn vị tư vấn cho biết khu vực dự kiến bố trí nhà ga có quy hoạch nút giao IC2 giữa tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và tuyến nối QL91-Nam sông Hậu ra cảng Cái Cui (quận Cái Răng). Do đó, để đảm thuận lợi khi thực hiện dự án, đơn vị tư vấn đề xuất vị trí ga sẽ song song với đường bộ QL91-Nam sông Hậu, nằm về phía Tây nút giao IC2 khoảng 1,5 km.

Tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Theo đó, tuyến đường có khổ đường đôi 1.435 mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa. Tốc độ tối đa của tàu khách là 200 km/h và tàu hàng là 150 km/h.

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho rằng dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ không chỉ riêng TP Cần Thơ mà còn là sự mong mỏi của người dân ĐBSCL. Với vận tốc hơn 200 km/h, từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh đi bằng đường sắt tốc độ cao chỉ cần 45 phút thay vì phải mất từ 3 – 4 giờ như hiện nay.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ kết nối hai trung tâm kinh tế phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL là TP. HCM và Cần Thơ với các tỉnh, thành khác trong vùng.

Mai Trâm

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/

Tin Mới