spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCần Thơ công bố đề án phát triển kinh tế ban đêm

Cần Thơ công bố đề án phát triển kinh tế ban đêm

Đề án phát triển kinh tế ban đêm của Cần Thơ sẽ triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều trong thời gian hai năm từ năm 2022-2024, kể từ khi chọn lựa được nhà đầu tư.

Một góc thành phố Cần Thơ về đêm. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngày 31/5, tại Cần Thơ, UBND quận Ninh Kiều phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các sở ngành liên quan tổ chức hội thảo công bố Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, kinh tế ban đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Ở Việt Nam, kinh tế ban đêm được đánh giá là một cơ hội mới trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, dưới các loại hình như khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm,…

Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng hiện trạng hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng còn nhiều hạn chế như đơn điệu, trùng lắp; quy mô còn manh mún và thiếu đầu tư; chưa thật sự thu hút chi tiêu du lịch của một bộ phận du khách; đặc biệt là còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Trên cơ sở Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, ngày 28/4/2022, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1401/QĐ-UBND về việc Phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ, thí điểm tại quận Ninh Kiều”.

Theo đó, Cần Thơ thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ vào ban đêm. Các hoạt động sẽ bao gồm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm.

Các loại hình trên được lồng ghép trong các mô hình kinh tế ban đêm hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng như: phố đi bộ, chợ đêm, khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế…

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, đa phần các đại biểu cho rằng, xu hướng phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế; là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; là yếu tố giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh dài hạn cho thành phố Cần Thơ nhưng vẫn cần phải tiếp tục đánh giá về tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức, yếu tố tác động để từ đó có giải pháp khai thác và phát triển phù hợp với thành phố Cần Thơ trong sắp tới.

Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO – đơn vị tư vấn triển khai đề án cho rằng, hiện kinh doanh ăn uống đang chiếm 70% hoạt động kinh tế ban đêm ở Cần Thơ. Qua khảo sát sơ bộ, các hoạt động tập trung vào kinh doanh thức ăn chiếm 50%;

Thức uống (cà phê, trà sữa, nước ép) chiếm 20%; karaoke chiếm 12%; khách sạn chiếm 10% và còn lại là kinh doanh quần áo; trong đó, hơn 80% cơ sở có nguồn vốn đầu tư dưới 100 triệu đồng, khoảng 13% có vốn đầu tư từ 100 đến 500 triệu đồng và còn lại có vốn đầu tư trên 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

“Với hoạt động kinh doanh thức ăn, có thời gian hoạt động từ 14 giờ đến 0 giờ; trong đó, thời gian hoạt động đông khách nhất là từ 16-21 giờ hàng ngày. Các cơ sở kinh doanh mong muốn được phép hoạt động từ 0 đến 4 giờ sáng”, ông Hiệp cho biết.

Trên cơ sở các phân tích, nhiều đại biểu cho rằng, để kinh tế ban đêm của Cần Thơ phát triển đạt kết quả tốt nhất, cần có sự đầu tư đồng bộ từ địa phương đến các hộ kinh doanh. Những cơ chế, chính sách hoàn thiện để tạo dựng hành lang pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế ban đêm, như loại hình kinh doanh;

Khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động kinh tế ban đêm.

Đặc biệt là trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, địa phương và các hộ kinh doanh cần có sáng kiến để gắn phát triển kinh tế ban đêm với phát triển văn hóa, xác định các bản sắc văn hóa thu hút người dân và khách du lịch. Một số ý tưởng được đề xuất như: phát triển các hoạt động biểu diễn văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng các khu chợ, trung tâm thương mại hoạt động vào ban đêm trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, bao quát,…

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, với việc triển khai đề án này, ngoài kỳ vọng loại hình kinh tế này sẽ tạo thêm công ăn việc làm, gia tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho thành phố, đề án cũng đặt mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố;

Cũng như thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển kinh tế ban đêm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế ban đêm.

Đề án phát triển kinh tế ban đêm của Cần Thơ sẽ triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều trong thời gian hai năm từ năm 2022-2024, kể từ khi chọn lựa được nhà đầu tư.

Theo đó, sẽ tiếp tục duy trì, nâng chất lượng hoạt động và mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau với những hoạt động hiện có như phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh – Phan Bội Châu, chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học, chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường sông Hậu, tuyến đường chuyên kinh doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực đường Đề Thám…

Bên cạnh đó, sẽ mời gọi đầu tư các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế đêm như khu vực từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú; khu vực đường Lê Lợi, khu vực kè Khai Luông từ cầu đi bộ đến nhà lồng 3 của Trung tâm thương mại Cái Khế, khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi và một phần diện tích của Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.

Năm 2024 dự kiến sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị nguồn lực phát triển kinh tế ban đêm trên toàn địa bàn thành phố, từ 3 đến 6 tháng sau khi kết thúc hoạt động thí điểm tại quận Ninh Kiều.

Năm 2025 sẽ đi vào vận hành, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế ban đêm tại các quận, huyện còn lại của thành phố Cần Thơ./.

Ánh Tuyết/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn

Tin Mới