spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCần Thơ: Đầu tàu mạnh mẽ vùng ĐBSCL, thành đồng miền Nam...

Cần Thơ: Đầu tàu mạnh mẽ vùng ĐBSCL, thành đồng miền Nam của Tổ quốc

Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) cũng là dịp kỷ niệm 19 năm TP. Cần Thơ triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị. Sau 19 năm nhìn lại, Đảng bộ và người dân Cần Thơ rất đỗi tự hào bởi những cố gắng và thành tựu đạt được về kinh tế – xã hội to lớn trong suốt chặng đường phát triển, xứng tầm với vị thế là đầu tàu của vùng ĐBSCL.

Với vị trí vị trí chiến lược đặc biệt, Cần Thơ nằm ngay trung tâm kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có sức ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Cần Thơ vừa là đầu tàu kinh tế, vừa đóng vai trò quan trọng trong sự liên kết giữa các vùng; là trung tâm đầu não của miền nam về thương mại – dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực – khoa học công nghệ và trung tâm y tế của vùng.
Bên cạnh đó, Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất đai phù sa, màu mỡ dồi dào. Với hệ thống sông ngòi phủ dày đặc đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản trở nên đa dạng và đầy tiềm năng. Chính những điều đó, đã tạo nên ưu thế nổi trội của TP trong thu hút đầu tư những năm qua.

Thành tựu to lớn

Thành tựu rõ nét, lớn nhất của Cần Thơ trong 19 năm qua là kết quả sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống. Từ sự quan tâm chỉ đạo của trung ương đến sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, TP. Cần Thơ đã phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững, xuất phát từ việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nhận thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp là trọng điểm để kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác, TP ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao – xanh – sạch.

Cần Thơ – trung tâm kinh tế vùng ĐBSCL.

Với quá trình chuyển mình đó, đời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về xây dựng đô thị và nông thôn mới, đi đôi với công tác chăm lo phát triển con người một cách toàn diện về nhiều mặt: y tế, giáo dục, văn hóa, nâng cao đời sống và phẩm hạnh người Cần Thơ trong mắt bạn bè gần xa…. Trong tương lai, Cần Thơ sẽ thay đổi diện mạo khi Đề án xây dựng đô thị thông minh được triển khai thực hiện giúp người dân được hưởng mọi tiện nghi về công nghệ, xứng tầm với vùng đất “Tây Đô – thủ phủ của miền Tây”.

Có thể thấy, giai đoạn từ 2003 – 2020, quy mô nền kinh tế của TP. Cần Thơ ngày càng mở rộng, đóng góp nổi bật vào sự phát triển chung của ĐBSCL và cả nước. Tính đến năm 2020, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 89.200 tỷ đồng tăng gần 10 lần so năm 2003, chiếm 1,42% GDP cả nước. Mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) tại Cần Thơ năm 2002 chỉ đạt 4,8 triệu đồng/năm nhưng đến năm 2020 con số này đã tăng 12,58 lần tương đương 60,37 triệu đồng/năm, xếp thứ 8/10 tỉnh, thành có mức thu nhập cao cả nước, cao hơn vùng ĐBSCL 20%, và gần 10% so với cả nước. Tổng sản phẩm bình quân đầu người của TP vào năm 2003 từ 8,3 triệu đồng/năm và đến năm 2020 đạt 71,93 triệu đồng/người/năm tăng gần gấp 10 lần và cao hơn mức bình quân cả nước (64,5 triệu đồng/người/năm). Ngành kinh tế chủ lực của TP. Cần Thơ (công nghiệp, xây dựng và dịch vụ) năm 2020 tăng gấp 11 lần so với năm 2002. Qua đó có thể thấy đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện rõ rệt qua từng nhiệm kỳ góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng chung cả khu vực.

Đời sống người dân Cần Thơ được cải thiện, nâng cao rõ rệt qua từng nhiệm kỳ.

Với vị trí đặc biệt trung tâm vùng ĐBSCL, đảm nhiệm vai trò xúc tiến, kết nối kinh tế – văn hóa giữa các địa phương xuyên suốt những năm qua. Tỉnh nhà luôn đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết tốt đẹp các dân tộc, tôn giáo được thể hiện qua các thời kỳ cách mạng, tạo thành nền móng vững chắc cho sự phát triển. Chính từ truyền thống đoàn kết đó mà những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ thực hiện tốt chính sách xã hội, xóa đói – giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của TP chỉ còn 0,29% (so với mức bình quân chung của ĐBSCL giảm 1,54%, so cả nước giảm 2,46%), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vào năm 2020 đạt theo lộ trình 90%. Chất lượng nguồn lực lao động ngày càng được nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính của TP có nhiều tiến bộ, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn theo mô hình dịch vụ công trực tuyến.

Dấu ấn tương lai

Nghị quyết số 45/2022/QH15 được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ được xem là một cột mốc to lớn kỳ vọng sẽ đưa TP “cất cánh”, trở thành vùng kinh tế hạt nhân của ĐBSCL.

Theo đó, ngoài những điều kiện ưu đãi nằm trong cơ chế đặc thù cho Cần Thơ về: quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ; Chính sách áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Trung tâm năng lượng Ô Môn và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Cần Thơ sẽ là những dự án được kỳ vọng sẽ đưa Cần Thơ phát triển đột phá trong thời gian tới.

Nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật nối liền các trục huyết mạch giúp Cần Thơ phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Đối với đặc thù của Trung tâm liên kết sản xuất nông nghiệp có vị trí đặt tại khu vực sát với Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ nhằm khai thác triệt để về lợi thế cơ sở hạ tầng đầu tư sẵn có trong việc xuất khẩu hàng nông sản đi nước ngoài. Theo kế hoạch, 450ha sẽ được triển khai giai đoạn đầu và giai đoạn 2 là 2.000ha. Trung tâm sẽ có 4 chức năng chính: nhóm các dự án đổi mới sáng tạo, chế biến sâu các sản phẩm của ĐBSCL; nhóm liên quan quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất; nhóm khai thác kinh tế của sân bay, bao gồm hạ tầng hàng không, dịch vụ logistics lạnh, vận tải và kết nối giữa các phương tiện giao thông khác nhau; nhóm sản xuất thương mại liên quan hàng cao cấp để đáp ứng nhu cầu về hàng giá trị cao.

Theo đó, 4 chức năng nêu trên sẽ khắc phục được những nhược điểm về vấn đề còn yếu kém trong lĩnh vực nông sản: quy mô nhỏ lẻ thiếu sự liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, bị ép giá, không có khâu dự trữ, xảy ra nhiều rủi ro. Đặc biệt là chi phí logistics tăng cao do vận chuyển ngược lên trên TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ và tốn rất nhiều thời gian. Tại đây, một quá trình sẽ được thông suốt, liền mạch giữa các khâu thu hoạch – chế biến – bảo quản – vận chuyển – phân phối, xuất khẩu sẽ được đảm bảo.

Đối với Trung tâm năng lượng Ô Môn khi đi vào hoạt động giúp tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách từ tiềm lực kinh tế mà trung tâm mang lại, đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo sự hưởng ứng chung, lan tỏa mạnh mẽ đến các vùng lân cận, giúp thay đổi lớn cho phát triển cho Cần Thơ nói riêng và các tỉnh bạn nói chung.

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1.

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết 45/2022/QH15 mới đây, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Dự án Trung tâm năng lượng Ô Môn có 5 nhà máy, mỗi nhà máy được đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD(tổng vốn đầu tư hơn 6,5 tỷ USD). Dự kiến, con số tạo ra cho nguồn thu ngân sách từ 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Hiện tại, nhà máy Ô Môn 1 đã đi vào hoạt động, các nhà máy Ô Môn 2 – 3 – 4 – 5 vẫn đang tiếp tục trong quá trình chờ cấp phép; phê duyệt chủ trương đầu tư…

Cùng với hai dự án trọng điểm trên, thời gian tới TP sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án VSIP. Trước mắt, TP đã giao 293ha đất trong khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, nhưng vẫn sẽ kiểm tra, xem xét tính thực tế khi triển khai của nhà đầu tư. Hiện, VSIP vẫn đang khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xin cấp chủ trương đầu tư.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhận định tại kỳ họp cơ quan báo, đài quý 1/2022. VSIP được TP đánh giá cao, bởi Tập đoàn này đã rất thành công khi đầu tư phát triển khu công nghiệp tại các địa phương trong cả nước trong thời gian qua. Thông qua 3 dự án Trung tâm liên kết sản xuất, Trung tâm năng lượng Ô Môn và Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP hy vọng, khi các dự án hoàn tất và đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP vượt bậc, mở ra cơ hội cho Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung vươn xa ra ngoài thị trường quốc tế.

Nguyễn Thuận

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn

Tin Mới