spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCần Thơ - Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Cần Thơ – Điểm đến đầu tư hấp dẫn

TP. Cần Thơ với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, được xem là điểm đến an toàn và thân thiện đối với các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, TP. Cần Thơ với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, được xem là điểm đến an toàn và thân thiện đối với các nhà đầu tư.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Cần Thơ được xem là điểm đến an toàn và thân thiện đối với các nhà đầu tư.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện

Cũng như các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, có nguồn nguyên liệu lúa gạo, trái cây, thủy sản… dồi dào, tiềm năng đa dạng. Bên cạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nằm ở trung tâm ĐBSCL, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, Cần Thơ còn đóng vai trò là trung tâm thương mại – dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực – khoa học công nghệ và trung tâm y tế của vùng… Đây chính là lợi thế nổi trội của Thành phố trong thu hút đầu tư.

Với định hướng trở thành trung tâm động lực, tạo sức lan tỏa phát triển cho cả Vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ đã được Trung ương triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn như Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn… Các công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của TP. Cần Thơ và các tỉnh trong Vùng ĐBSCL.

Sắp tới, nút thắt về giao thông của Vùng ĐBSCL cũng như của TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục được tháo gỡ khi trong thời gian gần đây, hàng loạt công trình xây dựng hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn vùng được Trung ương đặc biệt quan tâm đầu tư. Trong đó, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được xác định là công trình trọng điểm quốc gia đang được tập trung thi công để đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021. Đồng thời, Bộ Giao thông – Vận tải cũng đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (dự kiến khởi công trong tháng 12/2020), đảm bảo kết nối thông suốt tuyến đường cao tốc TP.HCM – Cần Thơ vào năm 2023.

Tiếp theo, tuyến cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025. Bộ Giao thông – Vận tải được giao nhiệm vụ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc nêu trên theo hướng điều chỉnh kỳ quy hoạch trước năm 2030, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường này để sớm kết nối, thông suốt TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Vùng ĐBSCL và cả nước.

Bên cạnh đó, Dự án Xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng được Bộ Giao thông – Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng lên giai đoạn trước năm 2030 làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.

Về đường sắt, định hướng phát triển tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đã được đề cập tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và được xác định trong Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Giao thông – Vận tải đã phối hợp với các địa phương để lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này. Theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt, dự kiến lộ trình nghiên cứu, đầu tư dự án sau năm 2020.

Về hàng không, bên cạnh các đường bay quốc nội kết nối Cần Thơ với các thành phố lớn trong cả nước không ngừng được mở rộng, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã tăng cường khai thác nhiều đường bay quốc tế đi Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan). Dự kiến, đường bay Cần Thơ – Nhật Bản cũng sẽ được khai trương trong thời gian tới. Đây là các đối tác tiềm năng trong thu hút đầu tư và giao thương quan trọng của Vùng ĐBSCL.

Điểm đến hấp dẫn

Có thể nói, với hàng loạt dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang và sẽ triển khai thi công theo hướng đồng bộ, hiện đại, khi hoàn thành sẽ kết nối thuận lợi, nhanh chóng giữa TP. Cần Thơ với TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất nước và các tỉnh trong vùng, giúp cho Cần Thơ khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng, đầu mối xuất nhập khẩu, cửa ngõ giao thương của vùng và cả nước, qua đó, càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại TP. Cần Thơ.

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ mới đây nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Cần Thơ với Hàn Quốc, ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của TP. Cần Thơ. Ông Park Noh Wan cho rằng, các doanh nghiệp của Hàn Quốc quan tâm đến TP. Cần Thơ vì đây là là cửa ngõ của khu vực ĐBSCL, có nguồn nhân lực dồi dào, có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai.

ĐBSCL với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên sẽ là một trung tâm về nông nghiệp, công nghiệp nhẹ của Đông Nam Á. Với vị trí trung tâm, TP. Cần Thơ sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Theo ông Park Noh Wan, thời gian qua, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng thời gian sắp tới đây làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào TP. Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL sẽ diễn ra sôi nổi.

Cùng chung nhận định đó, ông Simon Wong, Giám đốc SPG Invest (Quỹ Đầu tư quốc tế với những dự án bất động sản cao cấp, hạ tầng đô thị, bất động sản công nghiệp… của Australia) cho rằng, theo kế hoạch đến năm 2025, SPG Invest sẽ xây dựng một chuỗi các khu công nghiệp hiện đại tập trung ở 3 khu vực: Đông Bắc bộ, TP.HCM và Vùng ĐBSCL. Theo ông Simon Wong, kế hoạch này của SPG Invest càng phải được khẩn trương thực hiện khi mà hiện nay do tác động của tình hình thế giới, nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đang tiến hành tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác, trong đó Việt Nam với các lợi thế cạnh tranh của mình, được xem là điểm đến nằm trong hoạch định của các công ty lớn. Tại Việt Nam, Cần Thơ là điểm đến mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, muốn đầu tư.

Ông Simon Wong nói: “Qua 3 năm hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi luôn đánh giá ĐBSCL với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào sẽ là một trung tâm về nông nghiệp, công nghiệp nhẹ của Đông Nam Á. Trong đó, với vị trí trung tâm của mình, TP. Cần Thơ chắc chắn sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới. Bởi vậy, chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cần Thơ trên hai lĩnh vực: bất động sản công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là các lĩnh vực Cần Thơ có thế mạnh, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại có nhu cầu về mặt bằng xây dựng nhà xưởng và nguyên liệu khi dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia khác sang Việt Nam”.

Tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư

Nhằm đón đầu cơ hội thu hút đầu tư, trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, tập trung vào các thị trường tiềm năng, chú trọng đến các đối tác phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận thủ tục và triển khai dự án… Thành phố đang nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện để Cần Thơ trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Với nhiều lợi thế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng sự quan tâm cải thiện môi đầu tư, kinh doanh của chính quyền địa phương, TP. Cần Thơ đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Trúc Giang

Nguồn: baodautu.vn

Tin Mới