Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL dự kiến gọi 6.600 tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP. Cần Thơ phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP. Cần Thơ năm 2023
Báo cáo đề dẫn Diễn đàn kinh tế thường niên TP. Cần Thơ năm 2023 do UBND TP. Cần Thơ tổ chức vào chiều ngày 15/9, với chủ đề “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP. Cần Thơ cho biết, mục tiêu chung của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP. Cần Thơ nhằm hướng đến xây dựng Trung tâm thành “Một điểm đến đa dịch vụ”.
Mô hình này góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Quy mô của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ dự kiến có 2 khu.
Trong đó, Khu 1 có diện tích khoảng 50 ha (có phạm vi giới hạn tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ (Phía Tây Bắc giáp đường Võ Văn Kiệt; phía Đông Nam giáp đường tỉnh 918 (giai đoạn 2); phía Đông Nam giáp đất dân; phía Tây Nam giáp khu đất dự kiến quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ). Chức năng Khu 1 gồm: Văn phòng, quản lý, dịch vụ, logistic, hội chợ triển lãm, kiểm dịch…
Khu 2 có diện tích dự kiến 200 ha, có vị trí, phạm vi giới hạn tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ (phía Bắc giáp đất dân; phía Đông giáp Đường tỉnh 919; phía Nam giáp khu đất Ban chỉ huy quân sự huyện Cờ Đỏ và đất dân; phía Tây giáp Kênh số 2). Chức năng Khu 1 gồm: Trung tâm công nghiệp nông nghiệp, Khu sản xuất, chế biến…
Ngoài ra, Trung tâm còn có mối liên kết có tính hệ thống với các trung tâm khác trong Vùng theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và với các trung tâm dịch vụ logistics, cảng biển tại Cần Thơ.
Trung tâm có 10 chức năng chức năng chính gồm: đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ưu tiên các loại công nghệ để hình thành các chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistics, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng cùng các bên liên quan khác;
Cung cấp các dịch vụ công: Hải quan, bao gồm soi chiếu container; chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm;
Dịch vụ hỗ trợ: Văn phòng cho thuê; bưu điện; ngân hàng; bảo hiểm; ăn nghỉ, vui chơi giải trí; nhà ở nhân viên, công trình hạ tầng xã hội và các tiện ích khác;
Kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu; tổ chức hội chợ, triển lãm; trưng bày, trải nghiệm sản phẩm; gian hàng bán tại chỗ; sàn giao dịch nông sản;
Dịch vụ logistics: Kho bãi, xếp dỡ, trung tâm phân loại, phân phối hàng hóa; cảng cạn (ICD); giao nhận vận tải quốc tế; bến xe hàng hóa; kiểm định và phân tích kỹ thuật; thu gom xử lý phế thải;
Khu phi thuế quan: Kho ngoại quan (hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển); kinh doanh hàng miễn thuế;
Sản xuất, chế biến nông sản; cung ứng vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công nghệ cho ngành nông nghiệp;
Dịch vụ tư vấn đầu tư, các chuyên môn khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản; nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các cấp quản trị, điều hành, quản lý, giám sát, kỹ thuật nghiệp vụ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đào tạo chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL được quy hoạch xây dựng tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ
Về tính lan tỏa của Trung tâm, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Trung tâm sẽ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, dự kiến thu hút vào cơ sở hạ tầng của Trung tâm ước khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới.
Góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản góp phần vào tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Nâng cao trình độ sản xuất, thương mại, dịch vụ cho lực lượng sản xuất trong vùng, tiếp cận trình độ quốc tế;
Đồng thời, Trung tâm còn góp phần tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và giá trị gia tăng cao hơn cho người lao động, doanh nghiệp, góp phần ổn định sinh kế, đời sống, xã hội vùng ĐBSCL.
Được biết, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022, trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.
Trúc Giang
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn