Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo 743 cho biết, đến thời điểm hiện tại, số giải ngân cho các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố là rất thấp.
Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Ngọc Thiện – TTXVN
Chiều 23/3, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ và các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 743) đã tổ chức cuộc họp nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố; đồng thời, bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đã báo cáo tiến độ, tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn như: dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án thành phần 2 đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025; dự án thành phần Cần Thơ- Hậu Giang; dự án đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ và dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường Tỉnh 917…
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo 743 cho biết, đến thời điểm hiện tại, số giải ngân cho các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố là rất thấp. Do đó, các thành viên của các Tổ công tác trong Ban Chỉ đạo cần nắm chắc thông tin từ các chủ đầu tư, của các cơ quan tổng hợp để nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện và giải quyết các vướng mắc của từng dự án.
Theo Bí thư Thành ủy, đối với 3 dự án quan trọng nhất trên địa bàn hiện nay là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông trên địa bàn thành phố và dự án đường vành đai phía Tây hiện còn có rất nhiều vướng mắc, các cán bộ cần phân công trách nhiệm để khẩn trương triển khai.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông hiện tại, chủ dự án cần khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để chi trả bồi hòa cho người dân sớm…
Liên quan đến vấn đề tái định cư, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, các địa phương còn thiếu đất nền tái định cư để cấp cho dân. Do đó, cần khẩn trương chốt giá nền tái định cư phân tán để trình UBND thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố quan tâm công tác chỉ định thầu bởi lần đầu tiên một công trình lớn được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu trên địa bàn nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ nên cần quan tâm thực hiện từng bước một, đúng pháp luật và học tập các địa phương khác.
Đối với vấn đề liên quan với ngành điện để di dời các công trình điện còn nằm trong dự án, các cơ quan chủ quản của ngành điện như: Sở Công Thương, UBND thành phố cần có biện pháp chỉ đạo hiệu quả để ngành điện nhanh chóng triển khai thực hiện tháo dỡ, di dời các công trình đúng tiến độ.
Đối với Dự án đường vành đai phía Tây là dự án khó khăn nhất hiện nay có tiến độ triển khai rất chậm, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến kế hoạch trong nhiệm kỳ của Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XIV giai đoạn 2021-2025. Vấn đề lớn nhất là của dự án này là việc khó cân đối nguồn vốn và cách tổ chức thực hiện là không có người chỉ huy.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu chủ đầu tư cần rà soát lại chính xác định mức đầu tư từng km trong dự án; đồng thời, cân đối với ngân sách của thành phố để thành phố quyết định cho triển khai những gói thầu nào trước.
Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố cần rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để điều chuyển vốn cho các dự án, ưu tiên cho các công trình dự án trọng điểm cấp bách và có tiến độ triển khai nhanh.
Tại cuộc họp, đại diện các sở ban ngành thành phố lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua cũng đã phát biểu, thảo luận rất nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo các địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là vấn đề thiếu nền tái định cư để bố trí cho dân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh, các địa phương cũng thiếu nguồn lực về con người phục vụ công tác đo đạc, kiểm đếm, thực hiện các thủ tục áp giá đền bù cho người dân.
Không những thế, các địa phương cũng gặp khó khăn do kinh phí chi trả đền bù cho dân từ ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố bố trí chậm trong khi hầu hết các dự án đều tăng kinh phí do phát sinh thêm kinh phí đền bù so với kế hoạch dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, các địa phương, còn gặp rất nhiều vướng mắc trong công tác phối hợp thực hiện với khối lượng công việc rất lớn như các thủ tục thu hồi đất, phê duyệt giá đất, giá nền tái định cư và nhiều vấn đề phát sinh…
Tại cuộc họp, các khó khăn, vướng mắc cụ thể của các ngành, địa phương đã được lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo trong thẩm quyền thành phố tháo gỡ kịp thời./.
Ngọc Thiện/TTXVN
Nguồn Bnews: https://bnews.vn