spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCần Thơ tiếp sức người dân và doanh nghiệp

Cần Thơ tiếp sức người dân và doanh nghiệp

Giữa tháng 10, anh Nguyễn Thành Trung, ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng làm nghề thợ hồ nhận được hỗ trợ hai triệu đồng theo Nghị quyết 52 của HĐND thành phố Cần Thơ hỗ trợ cho lao động tự do. Anh Trung phấn khởi nói: ‘Dịch bệnh kéo dài phải nghỉ làm nên không có thu nhập, cuộc sống khó khăn. Số tiền hỗ trợ này giúp gia đình tôi bớt vất vả trong thời gian dịch bệnh kéo dài’.

Chương trình “Chuyến xe yêu thương” mang nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân tại Cần Thơ. Ảnh: QUỐC THÁI

Anh Võ Văn Nhân, 60 tuổi ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Qưới, huyện Vĩnh Thạnh bán lẻ vé số lưu động đã nhận hỗ trợ đợt đầu 1,2 triệu đồng và tiếp tục nhận hỗ trợ bổ sung đợt 2 là 800.000 đồng. Anh Nhân chia sẻ: “Tôi và những người bán vé số khác đang gặp rất nhiều khó khăn do không có việc làm trong thời gian dịch bệnh. Nhận được số tiền hỗ trợ này, tôi vui mừng vì có thể “cầm cự” qua ngày trong thời gian dịch bệnh kéo dài. Rất cảm ơn chính quyền đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người lao động, giúp gia đình tôi có thêm động lực trong cuộc sống”.

Từ đầu tháng 10 đến nay, có hơn 13.000 người dân TP Cần Thơ từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ trở về tránh dịch được địa phương tiếp đón, hỗ trợ khá chu đáo. Thành phố tổ chức khám sàng lọc cho những người trở về từ vùng dịch và tổ chức cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ tiền ăn cho người cách ly tập trung 80.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ xét nghiệm, chi phí vận chuyển cách ly. Người từ vùng dịch thuộc diện theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà được hỗ trợ 15 kg gạo và 500.000 đồng…

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, về hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động, đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ 7.431 người với kinh phí hơn 14 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 94%. Đối với nhóm các lao động tự do khác như: bốc vác, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, thợ sửa xe, rửa xe… thành phố phê duyệt hỗ trợ cho hơn 115 nghìn lao động, với kinh phí hơn 231 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ cho hơn 73 nghìn lao động với số tiền hơn 146 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cần Thơ hỗ trợ 1.800 hộ gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức 500.000 đồng/hộ; hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức 900.000 đồng/hộ, với tổng kinh phí 2,85 tỷ đồng (3.167 hộ, gồm: 1.032 hộ nghèo, 2.135 hộ cận nghèo); hỗ trợ khẩn cấp người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn (mức hỗ trợ 500.000 đồng/người)… góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn do đại dịch.

Trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do trên địa bàn quận Cái Răng (TP Cần Thơ).

Cùng với nới lỏng giãn cách xã hội nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, TP Cần Thơ quan tâm tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Từ tháng 8 đến nay, thành phố có hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoạt động trở lại, nâng tổng số doanh nghiệp đã hoạt động lên 277 đơn vị, đạt tỷ lệ hơn 23% tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực sử dụng đông lao động như: chế biến thủy sản, may mặc, da giày, số lao động đã trở lại làm việc từ 50 đến 70%, đồng thời chyển đổi phương án sản xuất phù hợp tình hình dịch bệnh.

Theo kế hoạch, TP Cần Thơ khôi phục sản xuất theo ba bước tăng dần, từ mở 30% số lượng công nhân tại doanh nghiệp khi phương án sản xuất được phê duyệt; từ 30 đến 50% lượng công nhân và hơn 50% lượng công nhân tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo đảm vận hành tốt bước 1, bước 2 sẽ được chấp thuận chuyển sang bước 3, hoạt động trở lại bình thường hoặc nếu không bảo đảm sẽ phải thực hiện lại bước 1, bước 2. Ngoài ra, để mở cửa trở lại sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, các doanh nghiệp TP Cần Thơ mong muốn công nhân, người lao động được ưu tiên tiêm vắc-xin để doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh. Chính phủ, lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, cơ cấu lại các khoản vay, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay tiếp để doanh nghiệp có tiền khôi phục sản xuất…

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Để giúp lao động tự do, lao động trở về từ vùng dịch có việc làm, ổn định cuộc sống, thành phố rà soát lại số lao động này để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với lao động có tay nghề, có nguyện vọng làm việc tại chỗ, thành phố giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn vì nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhu cầu cần tuyển lao động cao. Thành phố ưu tiên đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với những lao động trở về từ vùng dịch chưa có tay nghề để họ tự tạo việc làm ở địa phương.

TP Cần Thơ chủ động liên kết với các tỉnh nam sông Hậu gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang để thống nhất việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, các hoạt động thương mại, dịch vụ, khám, chữa bệnh… tạo thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội, sớm ổn định cuộc sống cho người dân, khôi phục sản xuất của doanh nghiệp.

THANH TÂM

Nguồn: nhandan.vn

Tin Mới