Hàng loạt tuyến cao tốc đã, đang và được khởi công, thông xe, khánh thành làm hơn 20 triệu dân ĐBSCL nức lòng và kỳ vọng phát triển kinh tế của vùng này.
Những ngày đầu năm 2021, hơn 20 triệu người dân vùng ĐBSCL nức lòng với quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và khánh thành Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.
Đây là những dự án được trông đợi giải quyết “nút thắt cổ chai” về hạ tầng giao thông ĐBSCL để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân trong vùng; rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây.
Bên cạnh đó, các cao tốc này cũng giúp việc kết nối giao thông của vùng ĐBSCL với TP.HCM một cách đồng bộ, mở ra không gian phát triển mới cho Tây Nam Bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ |
Giải ‘cơn khát’ cao tốc
Thực tế, trước khi khởi công tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ, thông xe đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận và khánh thành Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cả ĐBSCL chỉ có tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, dài chưa đến 50km đang hoạt động. Đây là một con số quá ít ỏi so với tiềm năng, vị trí và tầm phát triển của ĐBSCL – khu vực đóng góp 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% thuỷ sản cho cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do nút thắt về giao thông nên những lợi thế về nông nghiệp, thuỷ sản của ĐBSCL chưa phát huy hết. Nguyên nhân do chi phí vận chuyển, logistics quá đắt đỏ. Chính vì thế, việc đầu tư hạ tầng giao thông vào khu vực này sẽ tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí vận chuyển, logistics cho doanh nghiệp và người dân.
Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được thông xe |
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển đến đâu, các ngành kinh tế phát triển theo đến đó.
“Thực tế ở nước ta, những vùng kinh tế phát triển thì hạ tầng giao thông rất tốt. ĐBSCL là vùng trù phú, có điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, trái cây… rất lớn. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn nghèo, vì hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nói chung còn hạn chế.
Chính vì vậy, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông của vùng.
Đơn cử như thời gian qua nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng như cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi…, qua đó, cho thấy hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL đang từng bước hoàn chỉnh để phát triển kinh tế…”, ông Thể cho biết.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể |
Theo ông Thể, trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) và cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang – Bến Tre). Bộ GTVT cũng phối hợp cùng các tỉnh, thành để hình thành hệ thống giao thông cho vùng ĐBSCL.
“Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch trong 5 năm tới cố gắng khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và tuyến quốc lộ 30, nối TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) – An Hữu (Tiền Giang). Khi hoàn thành tuyến quốc lộ 30, người dân từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) lên TP.HCM sẽ đi toàn bộ trên đường cao tốc”, ông Thể nói.
Tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi vừa khánh, giúp rút ngắn thời gian từ Rạch Giá đến TP Cần Thơ và Cao Lãnh |
Vẫn theo ông Thể, chắc chắn đến năm 2023, cao tốc từ TP.HCM về đến TP Cần Thơ sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ góp phần giải quyết nhu cầu vận tải cho QL1, vốn đã quá tải như hiện nay. Cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL và đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong khu vực nói riêng, cả nước nói chung.
“Đặc biệt, sau khi khánh thành tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ giảm tai nạn giao thông trên quốc lộ 1. Vĩnh Long sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhằm triển khai hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra”, ông Lữ Quang Ngời khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi là công trình được hàng triệu người dân miền Tây mong chờ trong nhiều năm qua.
“Đây là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, giúp lan toả phát triển nhanh, mạnh cho ĐBSCL; kết nối vùng với sân bay, cảng biển, cửa khẩu, góp phần vào sự phát triển của ĐBSCL”, ông Nhàn nói.
Theo ông Nhàn việc khánh thành và đưa vào khai thác dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Ông Nhàn cho rằng dự án khánh thành góp phần đáp ứng điều kiện hạ tầng để thu hút và đón đầu chuyển dịch dòng vốn đầu tư, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, nâng cao mức thụ hưởng hạ tầng và đời sống cho nhân dân Kiên Giang nói riêng, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ nói chung.
Vẫn theo ông Nhàn, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi hoàn thành là khởi đầu cho giai đoạn tiếp theo, trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, nâng cao năng lực khai thác, khả năng kết nối giao thông đến TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết khu vực mạnh mẽ hơn…
Ông Nhàn cho rằng, việc hình thành các trục cao tốc dọc, ngang sẽ giúp ĐBSCL đủ điều kiện phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của đất nước, khu vực và thế giới.
“Đường băng” mới cho ĐBSCL
Phát biểu tại buổi phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian ngắn vừa qua, nhất là năm 2020, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã bố trí nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả những công trình có ý nghĩa như: tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…
“Nhiều công trình quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL đã được triển khai có hiệu quả trong giai đoạn này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ |
Thủ tướng cho rằng việc triển khai các dự án giao thông là một cố gắng rất lớn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL.
Để đáp ứng yêu cầu, sự ngóng trông của 13 tỉnh, thành ĐBSCL với trên 20 triệu dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư, đặc biệt đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, không để tình trạng làm trước hỏng sau, chất lượng kém.
Các tuyến đường cao tốc đã, đang và sắp xây dựng tại miền Tây là niềm vui chung cho người dân ĐBSCL sau bao năm chờ đợi. Bởi khi đường thông sẽ “khơi thông” nhiều thứ khác sau nhiều năm bị “nghẽn”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất đầu tư 7 tuyến cao tốc cho ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025, khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn: Cần Thơ – Cà Mau, Chơn Thành – Đức Hòa, Đức Hòa – Mỹ An, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự – Trà Vinh), Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu.
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông và phía tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía nam (Bạc Liêu – Rạch Giá – Hà Tiên, Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998km.
Hoài Thanh
Nguồn: https://vietnamnet.vn/