spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCông bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019

Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019

TP Cần Thơ đứng thứ 11, nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt

(CT)- Ngày 5-5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019.

Các địa phương đi đầu trong Bảng xếp hạng PCI 2019. Ảnh: CTV

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp; trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ 3 liên tiếp là Quảng Ninh (73,4 điểm); kế đến là Đồng Tháp (72,1 điểm), Vĩnh Long (71,3 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu… Riêng TP Cần Thơ nằm trong nhóm điều hành tốt với tổng điểm 68,38, đứng vị trí thứ 11 cả nước (giữ vững thứ hạng và tăng 3,4 điểm so với năm 2018), đứng thứ 4 so với 5 TP trực thuộc Trung ương và xếp vị trí thứ 5 tại ĐBSCL.

Báo cáo PCI 2019 cũng dành một phần quan trọng để đánh giá việc áp dụng tự động hóa và số hóa vào trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, việc tự động hóa, số hóa tại doanh nghiệp tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực tới thị trường lao động. Một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động thêm, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Mặt khác, tự động hóa và số hóa làm giảm cơ hội việc làm của các lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa và số hóa, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện kỹ năng lao động và cải thiện quan hệ lao động.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết: Điều tra PCI năm 2019 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét bao gồm: mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin… Dù vậy, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương. Đó là việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…

MỸ THANH

Nguồn: baocantho.com.vn

 

 

 

Tin Mới