spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngĐầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Năm 2019, chỉ số phát triển công nghiệp của TP Cần Thơ tăng 7,85% so với năm 2018. Các doanh nghiệp công nghiệp của thành phố tập trung phát triển, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa, cải tiến chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Trên định hướng tiếp tục phát triển của năm 2020, thành phố hướng đến các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, đầu tư theo chiều sâu, công nghệ cao, công nghệ sạch; nâng cao trình độ sản xuất, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Duy trì đà phát triển

Năm 2019, lĩnh vực chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,16% so với năm 2018. Trong đó, một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: phi lê đông lạnh tăng 22,58%, dược phẩm tăng 19,01%, xi măng tăng 16,81%, tôm đông lạnh tăng 16,79%, quần áo tăng 2,64%… Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa, chia sẻ: Công ty hiện có vùng nguyên liệu với diện tích hơn 30ha và nhà máy chế biến cá thát lát với sản lượng bình quân 20 tấn/ngày để sản xuất phục vụ cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong định hướng đầu tư sắp tới, công ty sẽ tập trung vào 4 yếu tố chính là con người, vùng nuôi, dây chuyền sản xuất và hệ thống bán hàng. Trong đó, yếu tố con người là nền tảng trước hết để quyết định thành công. Về vùng nuôi, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đáp ứng theo tiêu chuẩn Global GAP. Về dây chuyền sản xuất công ty sẽ mở rộng đầu tư nhà máy theo hướng tự động hóa. Về hệ thống bán hàng sẽ tập trung đầu tư hệ thống dữ liệu bán hàng và đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp.

Năm qua, công nghiệp của TP Cần Thơ có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghiệp chế biến. Ngoài ra là các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, may mặc, da giày, công nghiệp tự động hóa… Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Ở một số ngành công nghiệp chủ lực, chúng ta đang phát triển và phát triển trong một chừng mực nhất định chứ chưa thực sự đột phá. Bởi lẽ đa phần doanh nghiệp của TP Cần Thơ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có những doanh nghiệp siêu nhỏ. Sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp vẫn chưa thực sự tạo ra sự tăng trưởng đột phá cho thành phố. Hiện nay doanh nghiệp vẫn còn đang thiếu vốn, khoa học kỹ thuật. Việc áp dụng tiến bộ khoa còn chậm nên hiện tại chỉ số phát triển công nghiệp có phát triển nhưng chưa thực sự bền vững. Tăng trưởng mang tính chất đột phá theo các doanh nghiệp mới thì chưa thể thực hiện ngay được.

Năm 2020, theo định hướng, nhiệm vụ phát triển trên lĩnh vực công nghiệp, thành phố dự kiến tốc độ tăng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp là 8,22%. Về phía ngành công thương tiếp tục phối hợp xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, các chính sách khuyến công và biện pháp hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất sản phẩm. Trong phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, thành phố tập trung vào một số ngành tạo động lực phát triển: công nghệ chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, thực phẩm-đồ uống, công nghệ sinh học, hóa chất và các sản phẩm hóa sinh, công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng và vật liệu mới, cơ khí và chế tạo máy…

Góp nguồn lực đầu tư

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cần Thơ (căn cứ theo tiêu chí đánh giá theo Thông tư 04/2-14/TT-BKHCN ngày 8-4-2014 của Bộ KH&CN hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất), trình độ công nghệ ở 3 ngành công nghiệp là cơ khí, chế biến nông sản và chế biến thủy sản của TP Cần Thơ đạt mức trung bình. Thành phố đang nỗ lực triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị; Hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ; Thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp…

Ông Phạm Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và chuyên ngành, Sở KH&CN TP Cần Thơ, chia sẻ: Sở KH&CN đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị; chương trình phân thành 2 giai đoạn, từ 2013-2017 và từ 2018-2020. Kết quả đến nay đã tổ chức xét duyệt và hỗ trợ 18/24 dự án thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản, môi trường, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, dược phẩm, chế tạo máy ép gạch không nung… với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,1 tỉ đồng, kinh phí do doanh nghiệp đầu tư là 11,4 tỉ đồng. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đã mang lại hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng sức cạnh tranh trên thị trường; bước đầu đã tạo hiệu ứng lan tỏa cho việc đầu tư đổi mới công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2020, thành phố dự kiến tốc độ tăng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp là 8,22%. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp cùng Sở KH&CN, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… tập trung làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp hơn để tác động vào lĩnh vực công nghiệp. Làm sao để cho doanh nghiệp Cần Thơ có sinh khí, phấn khởi khi có được sự hỗ trợ từ các Nghị định của Chính phủ, như Nghị định 68 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là Nghị định 103 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Đây là một trong những Nghị định quan trọng và với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, chúng ta sẽ có điều kiện thực hiện và tạo ra bước phát triển bền vững hơn trong nhiệm kỳ tới. “Đầu tư cho công nghiệp không phải 1, 2 năm mà phải từ 3-5 năm trở lên mới thấy được hiệu quả. Từ những cơ chế chính sách đã có, chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp dựa vào các chính sách đó để tiếp tục đầu tư phát triển. Đầu tiên là giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả để doanh nghiệp làm ra sản phẩm nhiều hơn và tham gia xuất khẩu tốt hơn”- ông Nguyễn Minh Toại nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn: baocantho.com.vn

 

Tin Mới