spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủChuyên MụcHoạt động địa phươngDoanh nghiệp kỳ vọng bức tranh kinh tế năm mới sáng hơn

Doanh nghiệp kỳ vọng bức tranh kinh tế năm mới sáng hơn

Dự báo tình hình kinh tế quý I-2022, có đến 81,7% doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định. Chỉ 18,3% DN dự báo khó khăn. Điều này cho thấy DN đang rất quyết tâm nắm bắt từng cơ hội để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tia sáng cuối năm

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý IV-2021, dự báo quý I-2022. Tổng số DN ở 63 tỉnh, thành phản hồi phiều điều tra ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 5.707 DN (chiếm 87,8% số DN được chọn mẫu điều tra) và 6.209 DN ngành xây dựng (chiếm 88,5% số DN được chọn mẫu điều tra). Việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ từ tháng 10-2021 đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Sản phẩm cá mòi đóng hộp của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam (KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ). Ảnh: M.HUYỀN

Mặc dù 3 tháng cuối năm, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thậm chí số ca mắc tăng liên tục so với quý trước, nhưng DN đã nhìn thấy tia sáng phục hồi. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã phản ánh quý IV-2021, có đến 44% và 31,1% DN tham gia điều tra cho biết xu hướng tốt lên và giữ ổn định so với quý III. Chỉ còn 24,9% DN cho biết sản xuất kinh doanh khó hơn. Dự báo quý I-2022, có tới 81,7% DN trả lời cho biết tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý IV-2021 (45,6% cho rằng tốt hơn, 36,1% giữ ổn định), tỷ lệ DN dự báo khó khăn hơn giảm so với quý IV-2021 và chỉ còn 18,3%.

Cụ thể, khu vực DN FDI dự báo quý I-2022 so với quý IV đạt chỉ số cân bằng chung cao nhất với 32,5% (có 49,4% DN dự báo sản xuất kinh doanh tăng, 16,9% dự báo giảm); khu vực DN Nhà nước 28,2% (46,2% tăng, 18,0% giảm); khu vực DN ngoài nhà nước 25,2% (44,0% tăng, 18,8% giảm).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý đầu năm mới so với quý IV-2021, các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ghi nhận khối DN ngoại đạt mức cân bằng cao nhất ở 3 chỉ số thành phần này. Điều này cũng cho thấy, DN nhận định tốt hơn về thị trường trong năm mới, cùng với đà phục hồi kinh tế Việt Nam đã đi đúng hướng; đồng thời thị trường tiêu dùng thế giới đã khôi phục tích cực hơn.

Những kỳ vọng

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệm và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất đã làm cho tốc độ tăng trưởng GDP âm. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng các giải pháp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đưa ra nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội đã đạt hiệu quả thực chất. Điều đó cũng khẳng định niềm tin của Nhân dân, cộng đồng DN, các nhà đầu tư nước ngoài vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Trong ngành công nghiệp, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt tăng trương toàn ngành. Năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 31-12-2021 tăng 21,9% so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo là 79,1%; trong khi năm 2020 là 71,9%. Mặc dù chỉ số tồn kho tăng, nhưng chỉ số tiêu thụ toàn ngành cả năm 2021 tăng 4,5% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 3,3%). Điều này cùng giải tỏa bớt một phần áp lực tồn kho tăng, khiến DN sẽ gặp khó khăn hơn trong năm mới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I năm nay, về số lượng đơn đặt hàng mới so với quý IV-2021, DN dự báo tiếp tục tăng và giữ nguyên là 83,2% (41,4% tăng, 41,8% giữ nguyên), chỉ 16,8% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Với đơn hàng xuất khẩu, kết quả khả quan hơn với 83,3% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021 (37,2% tăng, 46,1% giữ nguyên), 16,7% DN dự báo giảm. Về khối lượng tồn kho thành phẩm, 15,7% DN dự báo tăng; 54,8% DN dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho và 29,5% DN dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm. Dự báo chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý I-2022, có 91,1% DN dự báo tăng và giữ nguyên (27,9% tăng, 63,2% giữ nguyên), 8,9% DN cho rằng sẽ giảm…

Năm 2022, các chuyên gia kinh tế nhận định nguy cơ và thách thức tiếp tục đan xen. Những rủi ro thị trường thế giới, đà phục hồi chậm, tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn… Vì vậy để củng cố thêm niềm tin cho DN, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trước các làn sóng đại dịch mới cần nhất quán trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô và các chính sách hỗ trợ phải được triển khai đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cần kịp thời nhằm hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Tăng cường kết nối giao thương, đầu tư phát triển các dịch vụ logistics nhằm giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ, giảm chỉ số tồn kho thành phẩm và giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

GIA BẢO

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới