spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủTin mớiDoanh nghiệp Tây Ðô đổi mới, thích ứng và phát triển

Doanh nghiệp Tây Ðô đổi mới, thích ứng và phát triển

Nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường ngách, tập trung chuyển đổi số là hàng loạt giải pháp được doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ triển khai để tìm lối mở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sau hàng loạt khó khăn từ tác động của dịch COVID-19. Thích ứng, tồn tại và không ngừng phát triển là câu chuyện không bao giờ cũ với cộng đồng DN Tây Đô.

Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô.
Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô.

 ►Nhanh chóng bắt nhịp

Theo UBND TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 9-2020, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội của thành phố đã có dấu hiệu phục hồi và được duy trì khá tốt như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu và thu ngoại tệ… Trong 9 tháng năm 2020, TP Cần Thơ có 1.155 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 9.015 tỉ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 9.078 DN. Hiện Cần Thơ có 439 dự án đầu tư đang hoạt động, trong đó có 103 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn đăng ký đạt 115.028 tỉ đồng; 85 dự án FDI với số vốn đăng ký 752,4 triệu USD; 251 dự án trong khu công nghiệp với số vốn đăng ký 1,766 tỉ USD.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: 9 tháng vừa qua, cơ cấu ngành kinh tế thương mại – dịch vụ, công nghiệp của thành phố đều giảm, nhưng tổng mức doanh thu bán lẻ tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số DN xin ngừng kinh doanh khoảng 700 đơn vị, nhưng đăng ký mới lại trên 1.000 DN. Ðiều này cho thấy các DN đã cơ cấu lại sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường tìm kiếm khách hàng và đối tác kinh doanh mới góp phần khôi phục sản xuất trong tình hình mới. Mặt khác, dịch COVID-19 nhìn ở góc độ tích cực là cơ hội để các DN thay đổi phương thức hoạt động từ giao dịch truyền thống sang giao dịch online, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin…

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), chia sẻ: “Trong cuộc khảo sát nhanh đối với hội viên của CBA, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Phương án giải quyết của công ty khi doanh thu sụt giảm mạnh là gì? Câu trả lời của hầu hết các thành viên tham gia khảo sát là chuyển đổi nhanh để thích ứng và tìm nguyên nhân giảm từ khâu nào để có giải pháp ứng phó phù hợp. Như vậy, DN đã nhận thức rõ được vấn đề và trong tư thế sẵn sàng đổi mới để thích ứng, tồn tại và phát triển. Theo ông Hào, để hỗ trợ DN trong bối cảnh COVID-19, từ đầu năm đến nay, CBA tổ chức 8 khóa đào tạo, với sự tham gia của 379 học viên, xoay quanh các nội dung: hướng dẫn về luật thuế cho DN; quản trị nguồn nhân lực hậu COVID-19; quản trị tài sản trí tuệ của DN trong chiến lược phát triển thương hiệu… CBA còn hợp tác với Công ty Công nghệ ATALINK thiết lập tài khoản bán hàng online miễn phí trên ứng dụng ATALINK với nhiều tính năng tiện ích…

►Chung vai, sát cánh

Tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 do CBA vừa tổ chức, ông Dương Tấn Hiển thay mặt lãnh đạo TP Cần Thơ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân vào sự phát triển của kinh tế – xã hội của thành phố. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, cộng đồng DN đã cùng thành phố chung tay thực hiện “mục tiêu kép”. Nhờ đó, kinh tế của thành phố dần ổn định và hồi phục, một số lĩnh vực ghi nhận sự phát triển khá mạnh như: doanh thu bán lẻ, nông nghiệp… Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố xác định không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2020 và giai đoạn 2015-2020. Do đó, quý IV-2020 là giai đoạn nước rút, thành phố kêu gọi cộng đồng DN cùng nỗ lực, đồng hành để đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch CBA, khẳng định: Chúng ta sẽ cùng đồng hành để vượt qua khó khăn, DN mạnh sẽ hỗ trợ DN yếu để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh hiện nay, các DN muốn tồn tại và phát triển thì cần phải biết “làm mới” mình và tham gia vào chuỗi liên kết, chia sẻ lợi ích. Cụ thể, đó là đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; ứng dụng nền tảng công nghệ số; hợp tác với các DN trong cùng lĩnh vực cũng như các lĩnh vực phụ trợ để tạo nên mạng lưới lợi ích cộng sinh. Hơn nữa, DN cũng cần minh bạch thông tin và xây dựng chữ “tín” trong kinh doanh.

Là đơn vị chuyên cung cấp thiết bị y tế và giáo dục, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phương Trúc vừa được UBND TP Cần Thơ trao bằng khen do có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 2017-2020. Ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Sản Xuất Thương mại Dịch vụ Phương Trúc, bộc bạch: Quá trình hoạt động, công ty luôn hướng đến mục tiêu vừa tăng lợi nhuận vừa đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng. Thành quả có được hôm nay là động lực để DN không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Chúng tôi cũng mong muốn thành phố tổ chức nhiều buổi kết nối, gặp gỡ, xúc tiến giao thương để DN có thể chia sẻ kinh nghiệm, mở hướng hợp tác làm ăn.

Thời điểm hiện tại, DN thành phố đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Do đó, vấn đề tiếp sức cho DN cũng được các sở, ngành hữu quan gấp rút triển khai. Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “EVFTA có hiệu lực từ tháng 8-2020 tạo cơ hội cho sự hồi phục và phát triển nền kinh tế ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Hiệp định này có vai trò thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, làm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa nước ta nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Ngành Công Thương tiếp tục kết nối với Bộ Công Thương, các thương vụ tại nước ngoài nhằm kịp thời cập nhật, chuyển tải thông tin, cảnh báo về rào cản kỹ thuật để DN nắm thông tin, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu từ các nước nhập khẩu”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới