spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủThông tin Đồng bằngĐộng lực nâng tầm kinh tế nông thôn Bài cuối: Chắp cánh...

Động lực nâng tầm kinh tế nông thôn Bài cuối: Chắp cánh cho sản phẩm OCOP

Với lợi thế phát triển trên vùng đất giàu tiềm năng, ÐBSCL đã xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc sản, tạo thương hiệu, tăng giá trị kinh tế cho hàng hóa địa phương. Ðể từ đó, các sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường.

Giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được các tỉnh, thành chú trọng. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP của Đồng Tháp được giới thiệu tại một sự kiện ở Cần Thơ.

Nâng tầm sản phẩm

Sở hữu 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao từ con cá tra nguyên liệu, ông Chương Văn Khanh ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ chia sẻ: Sức tiêu thụ các mặt hàng của cơ sở tăng khoảng 30% sau khi được công nhận sản phẩm OCOP. Ðể các sản phẩm ngày càng bắt mắt, thu hút hơn, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, ông tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đóng gói bao bì tiên tiến. Ðồng thời, cập nhật, bổ sung thêm các giấy tờ, chứng nhận cần thiết để tăng tính nhận diện và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Xác định chất lượng các sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng xếp hạng các sản phẩm OCOP, đồng thời là nền tảng để phát triển và tạo ra giá trị sản phẩm, các địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP. Ðể chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chí OCOP, các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất.

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh phụ trách Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, thành phố sẽ tập trung củng cố, nâng cấp và phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP theo hướng gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm. Cùng với đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, các chủ thể có sản phẩm cần chú trọng nâng cao chất lượng bằng cách sản xuất đúng quy trình, quy định.

Nhận diện được thuận lợi và khó khăn, khi bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Ðồng Tháp tập trung thực hiện hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận sản phẩm OCOP về công nghệ, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, liên kết tiêu thụ… Ðể sản phẩm OCOP thu hút người tiêu dùng, tỉnh còn phối hợp với Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện câu chuyện sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao tính độc đáo cho sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Bến Tre là 1 trong 3 địa phương của ÐBSCL nằm trong nhóm 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Theo ngành chức năng địa phương, một trong những điều kiện cơ bản đầu tiên để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP là có truy xuất nguồn gốc an toàn, sản phẩm tại vùng nuôi, trồng đạt chứng nhận GAP. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Ðức, chia sẻ: Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc quy trình sản xuất hữu cơ. Hiện nay, trái bưởi da xanh của tỉnh đang được các đối tác lớn, như: hệ thống siêu thị LOTTE, hệ thống siêu thị Saigon Co.op… thu mua để cung ứng cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hứa hẹn sẽ đưa trái bưởi da xanh Bến Tre và các sản phẩm chế biến từ bưởi của mình xuất ngoại…

Mở kênh tiêu thụ

Năm 2020 mặc dù có nhiều khó khăn, song đối với những chủ thể có sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP đây lại là một năm đáng nhớ với việc “bùng nổ” mạnh mẽ các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và đặc biệt là thương mại hóa sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại vùng ÐBSCL, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được các tỉnh, thành chú trọng, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực. Ðặc biệt là tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch, kết nối cung cầu ở Bến Tre, Sóc Trăng, Ðồng Tháp. Các sự kiện đều được các địa phương lựa chọn chủ đề phù hợp, mang đặc trưng gắn với lợi thế của từng địa phương như: Lễ hội dừa Bến Tre; lễ hội hoa Sa Ðéc; phát triển du lịch cộng đồng, kết nối tour – tuyến du lịch Sóc Trăng; Cần Thơ tổ chức điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… Qua đó, hình thành những sự kiện đặc sắc trong phát triển sản phẩm OCOP của vùng.

Ðể sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của tỉnh dần chiếm lĩnh thị trường, ngành Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền năm 2020 vào tháng 10 vừa qua. Tại hội nghị, đã có 14 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được ký kết; ký kết 8 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước.

Anh Khưu Tấn Bửu (bìa phải)  giới thiệu sản phẩm tranh gạo – sản phẩm OCOP đạt 4 sao của TP Cần Thơ với khách hàng.

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Thành công của hội nghị sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn trên cả nước và hướng đến xuất khẩu. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP là mong mỏi của hầu hết các chủ thể của sản phẩm. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, TP Cần Thơ phát triển các điểm cố định giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP gần hơn với người tiêu dùng. Ðầu năm 2021, thành phố có thêm một đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP, đó là cửa hàng đặc sản Mekong Avenger ở quận Ninh Kiều với hơn 400 sản phẩm được chứng nhận OCOP ở vùng ÐBSCL. Trước đó, cuối tháng 12-2019, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Hợp tác xã Nông sản xanh Cần Thơ, đường 30 Tháng 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

Theo Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, năm 2021, đơn vị sẽ tổ chức hỗ trợ điểm bán hàng Việt Nam cố định, đặc sản TP Cần Thơ và các sản phẩm OCOP khoảng 2 điểm/năm, dự kiến bắt đầu trong quý I. Cùng với đó, Trung tâm cũng sẽ có các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của Cần Thơ. Các sản phẩm đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm, hỗ trợ xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ. Qua đó đẩy mạnh sản xuất sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cộng đồng…

***

Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, do vậy, để vùng ÐBSCL có thêm nhiều sản phẩm OCOP và định vị được trên thị trường trong và ngoài nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự tham gia tích cực của các chủ thể. Có bao bì, nhãn mác bắt mắt, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể, cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thương mại hóa, tin rằng các sản phẩm OCOP của ÐBSCL sẽ ngày càng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Tại cuộc họp báo về sự kiện Mekong Connect 2020 tổ chức vào tháng 12-2020, đại diện lãnh đạo các 4 tỉnh, thành ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) cho biết: Các đặc sản địa phương OCOP  từ 3 sao trở lên của 4 địa phương sẽ được tiếp cận rộng hơn với thị trường trong, ngoài nước từ nỗ lực chung của các tỉnh, thành ABCD. Cụ thể, 4 tỉnh, thành sẽ xây dựng chương trình tiếp thị chung, thương hiệu chung cho các sản phẩm. Đồng thời dự kiến sẽ mở phòng triển lãm chung các đặc sản của địa phương. Các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng có thể tham gia phòng triển lãm này sau khi cùng thảo luận với nhóm ABCD.
Ngoài ra, 4 tỉnh, thành cũng đã làm việc với các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Alibaba, Tiki và Shopee để đưa đặc sản OCOP giới thiệu với khách hàng quốc tế.

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới