spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủTin mớiDòng vốn FDI thế hệ mới cần những khu công nghiệp chuyên...

Dòng vốn FDI thế hệ mới cần những khu công nghiệp chuyên sâu, ‘may đo ‘ theo yêu cầu nhà đầu tư

Dòng vốn FDI thế hệ mới đòi hỏi các nhà cung cấp hạ tầng khu công nghiệp trong nước chuyển đổi mạnh mẽ và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm “may đo”, như khu công nghiệp chuyên sâu, chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Khu công nghiệp VSIP 1 - Bình Dương. (Nguồn: HTLand)
Khu công nghiệp VSIP 1 – Bình Dương. (Nguồn: HTLand)

Môi trường vĩ mô là nền tảng

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc (Công ty SLP Việt Nam) nhấn mạnh, quan điểm đầu tư của SLP là nhìn vào hiệu quả, nên doanh nghiệp không loại trừ bất kỳ mô hình đầu tư nào, kể cả mô hình khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu, SLP sẵn sàng đầu tư nếu thấy đủ hấp dẫn.

Ông Nam cho hay, tại Việt Nam đã có một vài khu được xây dựng theo mô hình KCN chuyên sâu, điển hình như KCN của Sumitomo – ưu tiên các nhà đầu tư Nhật Bản, hay các khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, theo ông Nam, để phát triển và thành công với mô hình chuyên sâu này, điều quan trọng là thị trường phải hình thành được hệ sinh thái cho nó, trong đó, vai trò kiến tạo từ chính sách là vô cùng quan trọng.

“Nói đến công nghiệp ô tô, nhiều nhà đầu tư nghĩ ngay đến Thái Lan. Đây là thành công của đất nước này khi đã tạo ra môi trường vĩ mô phù hợp, định danh được Thái Lan trong bản đồ, lĩnh vực thu hút đầu tư chuyên sâu. Việt Nam cũng phải làm được điều tương tự, phải khiến nhà đầu tư nghĩ rằng, Việt Nam là điểm phải đến cho một vài lĩnh vực chuyên sâu”, ông Nam nói.

Theo vị đại diện SPL, môi trường vĩ mô có vai trò rất quan trọng đối với thu hút đầu tư, bởi chính sách vĩ mô sẽ tạo ra sự chuyên biệt, tăng tính cạnh tranh, tạo sức hút với nhà đầu tư. SPL và một số chủ đầu tư khác có đủ nguồn lực để phát triển KCN chuyên sâu, nhưng quan trọng là phải có môi trường vĩ mô phù hợp, tạo nhu cầu cho nhà đầu tư. Bởi trên thực tế, không dễ lấp đầy các KCN này.

Trao đổi thêm về việc chuyển hướng đầu tư với các sản phẩm “may đo”, ông Nam cho hay, Việt Nam đang đón làn sóng doanh nghiệp thực thi chính sách Trung Quốc + 1 và thực hiện dịch chuyển khá hiệu quả. Đặc điểm của nhóm khách này là tính cấp bách, họ không có nhiều thời gian để đi khảo sát, tìm địa điểm, xây dựng kho xưởng…, mà cần có ngay hệ thống nhà kho, nhà xưởng tiêu chuẩn được xây dựng sẵn để triển khai sản xuất, kinh doanh.

“Đây sẽ còn là câu chuyện chính trong 3 – 5 năm tới, sau đó mới đến làn sóng ‘may đo’ theo yêu cầu của khách thuê, khi các nhà đầu tư đã ổn định hoạt động và bắt đầu tính đến lâu dài”, ông Nam nhận định.

Sản phẩm “may đo” sẽ “chiếm sóng” nhiều hơn

Bình luận về xu hướng thị trường, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho rằng, phát triển KCN chuyên sâu sẽ là xu hướng nếu Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, ông Dương cho rằng, các KCN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ bước 1 sang bước 2.

“Với việc đưa ra các sản phẩm ‘may đo’ theo nhu cầu của khách thuê thay vì ‘may sẵn’ như trước, Việt Nam mới đang ở giai đoạn chuyển mình, trong khi với các dự án mà Frasers Property thực hiện trên toàn cầu, thì điều này đã khá phổ biến. Hay lấy ví dụ với Thái Lan, các dự án của Frasers Property tại nước này cũng đã thực hiện theo hình thức ‘may đo’ khá tốt”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, trong giai đoạn hiện tại, Việt Nam đang được hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và sản phẩm “may sẵn” là nhà kho, nhà xưởng xây sẵn đáp ứng khá tốt nhu cầu của các nhà sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, sản phẩm “may đo” theo yêu cầu của nhà đầu tư sẽ dần phổ biến và ngày càng “chiếm sóng” nhiều hơn. Các nhà cung cấp sản phẩm cần nắm bắt xu hướng này để có sự chuẩn bị tốt cho tương lai.

Về phân khúc sản phẩm, ông Dương dự báo, thời gian tới, sản phẩm nhà kho, nhà xưởng cao tầng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Thị trường cũng sẽ chứng kiến rõ hơn nỗ lực thu hút khách hàng của các chủ đầu tư hạ tầng KCN và khách thuê thứ cấp (đơn vị thuê lại đất trong các KCN để làm nhà kho, nhà xưởng…). Ngay cả với Frasers, đơn vị này cũng đang sử dụng hiệu quả hệ thống mạng lưới khách hàng toàn cầu để tăng đầu tư vào Việt Nam, nhất là với các dự án mà Frasers cung cấp.

Khó đột phá nếu thiếu định hướng

Từ góc nhìn của đơn vị nghiên cứu, tư vấn – kết nối đầu tư, bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc (JLL Việt Nam) cho hay, sau thời gian chú trọng phát triển theo bề rộng, các KCN ở Việt Nam đang dần chuyển mình phát triển theo chiều sâu, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm cho khách thuê thay vì đơn thuần là đất sạch và hạ tầng như giai đoạn trước. Xu hướng phát triển KCN tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ là chuyên biệt, theo chiều sâu, để định vị Việt Nam là thị trường thu hút các nhà đầu tư trình độ cao.

Tuy nhiên, bà Vân cũng chỉ ra điểm khó khăn là Việt Nam chưa có những khu vực riêng để phát triển các KCN mũi nhọn, chuyên sâu.

“Chúng ta chưa thực sự vẽ ra được bức tranh đầu tư, định vị được mình trên bản đồ sản xuất thế giới ngoài việc gần Trung Quốc (giúp tối ưu về chi phí, cạnh tranh với các đối thủ). Ngành nghề sản xuất nào sẽ là thế mạnh, chuyên sâu cũng chưa có định hướng rõ”, bà Vân thẳng thắn nhận xét.

Nhìn rộng ra khu vực, đại diện JLL cho rằng, các quy định, cơ chế, chính sách vĩ mô của Việt Nam đã thông thoáng hơn nhiều, nhưng tốc độ cải thiện còn chậm so với các nước trong khu vực. Hiện Trung Quốc vẫn được coi là công xưởng của thế giới, nhưng các tập đoàn vẫn cần vệ tinh và Việt Nam, với lợi thế về vị trí địa lý gần Trung Quốc, vẫn có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nếu khách hàng yêu cầu các tiêu chuẩn, quy trình… như tại Trung Quốc, thì không nhiều nhà cung cấp hạ tầng KCN trong nước đáp ứng được. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách này cũng là thách thức cần giải quyết.

Nguồn: https://baoquocte.vn/

Tin Mới