spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngÐột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Ðột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết: Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cầu Vàm Cống nối liền 2 bờ Ðồng Tháp và Cần Thơ đi vào hoạt động năm 2019, tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa và đi lại giữa một số tỉnh, thành vùng ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh.

Phát triển nhanh và hiệu quả

Trong đó, kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế. Ngành đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Cụ thể, khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến cao tốc hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng – Hạ Long – Vân Ðồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nối Ðông Nam Bộ và phía Bắc; TP Hồ Chí Minh – Trung Lương nối với các tỉnh ÐBSCL. Hiện đang triển khai 2 tuyến Bến Lức – Long Thành; Trung Lương – Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Ðà Nẵng – Quảng Ngãi; Liên Khương – Ðà Lạt. Tuyến quốc lộ 1 “xương sống” của đất nước cũng được nâng cấp, mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Ðông Nam Bộ đã được mở rộng. Cùng với đó, nhiều quốc lộ trọng yếu được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn. Rất nhiều công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I đã được xây dựng, như hầm Ðèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2; các cầu Nhật Tân, Bến Thủy 2, Vàm Cống, Ðồng Nai…

Trong năm 2021, Bộ GTVT tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông; cao tốc Bến Lức – Long Thành… Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP Hà Nội và Hồ Chí Minh. Triển khai các dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1; nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Hệ thống kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cũng được chú trọng đầu tư đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ðiển hình, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng; xây dựng mới các sân bay gồm: Phú Quốc, Vân Ðồn. Qua đó, nâng tổng công suất mạng lưới cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu… Hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Riêng trong năm 2020, Thứ trưởng Lê Ðình Thọ cho biết: Bộ GTVT kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Ðặc biệt, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Ðông, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công gồm: Mai Sơn – quốc lộ 45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.

Tập trung các dự án quan trọng

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển KCHTGT để toàn ngành tập trung giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả. Trong đó, hạ tầng còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, phức tạp, làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư. Nguồn lực bố trí cho đầu tư phát triển KCHTGT chưa đáp ứng đủ, chưa tương xứng, đồng bộ so với định hướng, mục tiêu đặt ra…

Kế hoạch vốn trung hạn của Bộ GTVT được giao là 233.211 tỉ đồng; giao chi tiết theo kế hoạch hằng năm tổng số đến nay được 161.000 tỉ đồng và giải ngân đạt bình quân 88% so với kế hoạch hằng năm được giao. Riêng năm 2020, Bộ GTVT được giao 39.826 tỉ đồng, đến hết tháng 11-2020 giải ngân đạt 80,6%. Qua tổng hợp, xem xét tình hình thực tế, từ nay đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2020, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân tối thiểu trên 90% kế hoạch cả năm. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ GTVT, cho biết: Bộ yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh thủ tục đấu thầu, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán để đảm bảo kế hoạch giải ngân theo yêu cầu. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sớm hoàn thiện các thủ tục để thực hiện giải ngân đối với công tác chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản; các dự án điều chỉnh tăng từ nguồn vốn kéo dài. Cùng với đó, tăng cường giám sát tình hình triển khai các dự án đang triển khai thực hiện, thúc đẩy thủ tục nghiệm thu thanh toán; tham mưu báo cáo Bộ phụ trách dự án giải pháp xử lý cụ thể để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Ðể giải quyết những vấn đề còn tồn tại trước mắt và lâu dài, Bộ GTVT đề ra nhiều giải pháp và mục tiêu cho năm 2021 và nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Thứ trưởng Lê Ðình Thọ cho biết: Giai đoạn tới, Bộ tập trung phát triển các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa. Trong đó, ưu tiên cải tạo, mở rộng các cảng hàng không lớn và có nhu cầu vận tải lớn; cải tạo các quốc lộ trọng yếu, liên vùng, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, hoàn thành các dự án đường sắt dở dang, cải tạo các nút thắt để nâng cao năng lực thông qua của đường sắt hiện có và nghiên cứu xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển đầu mối. Bộ cũng đầu tư đảm bảo đồng bộ các cảng biển có nhu cầu vận tải lớn và cửa ngõ quốc tế; phát triển hệ thống cảng cạn. Ðối với đường bộ, tập trung đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ðồng thời, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước có khoảng 3.858km đường cao tốc…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị: Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành GTVT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Bên cạnh đó là khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch ngành GTVT. Trên cơ sở quy hoạch, chủ động phối hợp với các bộ, các địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để huy động nguồn vốn phù hợp với từng dự án cụ thể, tiến độ thực hiện. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đồng hành, hỗ trợ cùng ngành GTVT tiếp tục xử lý triệt để vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng như các vấn đề liên quan để triển khai các dự án thuận lợi, kịp tiến độ…

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới