spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngKhẩn trương triển khai, cụ thể hóa các cơ chế đặc thù...

Khẩn trương triển khai, cụ thể hóa các cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ

Ngày 18-2, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND việc triển khai thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 45/2022/QH của Quốc hội để hướng đến xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành một cực tăng trưởng của vùng ÐBSCL và cả nước. Bắt tay vào triển khai, sớm cụ thể hóa ngay các nội dung của Nghị quyết số 45/2022/QH5, các sở, ngành hữu quan của thành phố đã thể hiện quyết tâm sẵn sàng cùng thành phố nắm bắt thời cơ, vận hội mới, tạo động lực để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Cơ chế đặc thù về nạo vét luồng hàng hải Định An – Cần Thơ sẽ góp phần khơi thông ách tắc cho hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Cui.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để phát triển một số lĩnh vực trọng điểm của thành phố

Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của thành phố nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế. Ðặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển. Thành phố cũng thực hiện thí điểm các phương thức đầu tư hiệu quả, hình thành khu vực đô thị – thương mại hàng không tạo động lực mới cho thành phố và cả vùng. Việc triển khai thực hiện phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước, khả năng huy động đa dạng các nguồn lực xã hội, giải quyết kịp thời các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Ðồng thời, đảm bảo sự phù hợp, sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển, các chính đầu tư được xây dựng theo định hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để phát triển một số lĩnh vực trọng điểm của thành phố.

Thành phố xác định phải nắm bắt những cơ hội mới, triển khai, vận dụng kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành một cực tăng trưởng của vùng ÐBSCL và cả nước. Ðồng thời, tranh thủ sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố để cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội để góp phần thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 59/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính:

Chủ động tham mưu khai thác các chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách

Ngày 10-3-2022, Sở Tài chính đã ban hành Kế hoạch số 609/KH-STC, về tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 đối với những nội dung thuộc lĩnh vực tài chính – ngân sách. Ðể thực hiện chính sách ưu đãi về huy động các nguồn lực đầu tư theo khoản 1, điều 3, Nghị quyết số 45/2022/QH15, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất UBND thành phố xây dựng kế hoạch, đề án vay vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức huy động cũng như cân đối khả năng, thời gian trả nợ vay. Sở cũng phối hợp với các đơn vị ngành Tài chính để tính toán xác định số tăng thu, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố và tham mưu thành phố trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố. Ðối với cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố theo khoản 3, điều 3, Sở sẽ tham mưu đề xuất UBND thành phố trình HÐND thành phố xem xét, quyết định mức thu các khoản phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí cũng như tham mưu điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục, nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của thành phố, đồng thời cũng đảm bảo không gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

Kịp thời triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An – Cần Thơ

Theo điều 7 của Nghị quyết số 45/2022/QH15, quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An – Cần Thơ. Theo đó, công tác nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An – Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án. UBND TP Cần Thơ đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh lại chuẩn tắc luồng Ðịnh An – Sông Hậu dự kiến nạo vét, có độ sâu từ -6,5m tại danh mục dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải năm 2021 được công bố tại Quyết định số 963/QÐ-BGTVT ngày 31-5-2021, đủ để cho phép tàu biển tải trọng 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần Thơ và các cảng khác trên sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất của các cảng trong khu vực. Ðồng thời, đề xuất bổ sung và phê duyệt thêm các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được quy định tại Ðiều 7 Nghị quyết số 45/2022/QH15 vào Quyết định công bố danh mục dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi đối với luồng Ðịnh An – Sông Hậu theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 nhằm thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai

Ðối với chính sách về quản lý đất đai, HÐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ động phối hợp với Bộ TN&MT triển khai các bước thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về lĩnh vực quản lý đất đai. Ngày 6-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2022/QÐ-TTg “Quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha”. Ðây là cơ sở để thành phố triển khai các bước tiếp theo nhằm vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai trên địa bàn. Ngay trong tháng 4, Sở TN&MT đã hoàn thiện trình UBND thành phố ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha trên địa bàn TP Cần Thơ và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu UBND thành phố trình HÐND thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới