spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủThông tin Đồng bằngMời gọi đầu tư khu đô thị mới và tuyến đường "huyết...

Mời gọi đầu tư khu đô thị mới và tuyến đường “huyết mạch” vành đai 4

Hậu Giang mời gọi đầu tư khu đô thị mới thị xã Long Mỹ; Hà Nội sẽ xây dựng tuyến đường vành đai 4 làm “huyết mạch” phát triển kinh tế trong 5 năm tới…

Dự án LNG Bạc Liêu kỳ vọng khởi công cuối năm 2021

Tỉnh Bạc Liêu đang rất kỳ vọng Dự án điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW có thể khởi công được vào cuối năm 2021.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu mới đây đã chỉ ra những khó khăn mà Dự án hơn 4 tỷ USD này đang gặp phải là đàm phán giá điện khi hiện nay giá điện và kế hoạch mua điện theo Luật Điện lực vẫn chưa thống nhất, vẫn đang đàm phán câu chuyện nhà đầu tư bán tất cả 3.200 MW thì phía ngành điện có mua hết hay không. Rồi việc nhà đầu tư mang USD để đầu tư, mua máy móc thiết bị, nhưng khi được trả tiền điện bằng VND thì chuyển đổi ra USD để chuyển ra nước ngoài sẽ như thế nào. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, có những khó khăn liên quan đến những quy định chưa có tiền lệ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà luật pháp hiện chưa hướng dẫn theo kịp nên vẫn còn đàm phán tiếp.

Liên quan đến đường tải điện để phục vụ cho dự án này và các dự án điện gió, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chính phủ đã thống nhất xây dựng đường dây 500 KV từ điểm đấu nối vào Trà Nóc (Thành phố Cần Thơ) đi qua nhiều địa phương để có cam kết truyền tải điện.
Cũng trong thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã có các cuộc gặp gỡ với Bộ Công thương, Viện Năng lượng… nhằm thúc đẩy tiến trình triển khai Dự án khổng lồ này.

Về phía mình, Viện Năng lượng cũng góp ý việc tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để trình HĐND tỉnh ban hành Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng phòng hộ trong mặt bằng dự án để các đơn vị liên quan đủ điều kiện trình Báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường; có văn bản gửi Bộ Công Thương về hỗ trợ thúc đẩy các thủ tục để sớm đưa dự án vào Quy hoạch điện.

Được biết, với các nội dung cần phải xin ý kiến Trung ương, tỉnh Bạc Liêu sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan để hoàn thiện các thủ tục còn lại với mục tiêu cuối năm 2021 có thể tiến hành khởi công dự án.

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu được tỉnh Bạc Liêu trao Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2020.
Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Tiếp đó nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy turbin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023.
Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Dự án do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%.

Thừa Thiên Huế hướng đến trở thành trung tâm logistics khu vực

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Kế hoạch sẽ triển khai các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Đối với nội dung triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, rà soát, ban hành các văn bản triển khai phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. Nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics.

Đối với đầu tư hạ tầng logistics sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh của Thái Lan, Lào.

Để nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, Thừa Thiên Huế thực hiện khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến như: Công nghiệp phụ trợ, năng lượng, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến nông sản – thực phẩm, dược liệu… Từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ. Khuyến khích sự liên doanh, liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin…) để triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương.  Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường dạy nghề để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, mục tiêu của Kế  hoạch sẽ là phát triển các trung tâm logistics trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa của tỉnh và xuất nhập khẩu hàng hóa góp phần giảm chi phí, thời gian trong việc trung chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phát triển các trung tâm logistics dựa trên sự huy động mọi nguồn lực xã hội, phát triển theo hướng đồng bộ chuyên nghiệp, tận dụng lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, hành lang giao thông để tạo sự phát triển bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đồng thời, phấn đấu thành lập một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp…

Spartronics khởi công nhà máy mới tại Việt Nam

Nhà máy mới sẽ tăng cường năng lực sản xuất trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thiết bị y tế, công nghiệp và thương mại của Spartronics tại Việt Nam.

Spartronics đã chính thức khởi công nhà máy mới ở Bình Dương
Spartronics đã chính thức khởi công nhà máy mới ở Bình Dương

Spartronics LLC (Mỹ), nhà sản xuất các thiết bị phức hợp điện tử và cơ điện tử cho lĩnh vực hàng không dân dụng, quốc phòng, không gian vũ trụ, điều khiển, khoa học đời sống và y tế, vừa chính thức khởi công nhà máy mới tại Bình Dương. Nhà máy mới hiện đại bậc nhất này sẽ tăng cường năng lực gia công và sản xuất điện tử tiên tiến.

Nằm ở vùng phụ cận TP.HCM, nhà máy mới dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2022. Nhà xưởng mới có diện tích 27.000 m2 và được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, có diện tích gấp bốn lần nhà xưởng hiện tại của Công ty và nằm gần các sân bay và cảng biển lớn.

Thuộc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, nhà máy này sẽ thay thế nhà máy hiện tại của Công ty cũng nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tất cả các chứng nhận ISO và chứng nhận, đánh giá của khách hàng cũng sẽ được chuyển sang nhà máy mới.

Nhà máy của Spartronics tại Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm phức hợp điện tử, cơ điện tử cho ngành hàng không dân dụng, thiết bị y tế, thiết bị đo lường và điều khiển trong các môi trường công nghiệp đòi hỏi độ chính xác cao. Toàn bộ chuỗi giá trị được đặt tại Việt Nam bao gồm từ việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mẫu, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu mãi.

“Với công ty chúng tôi, Việt Nam chiếm vị trí quan trọng”, ông Paul Fraipont, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Spartronics nói.

Lý giải cho điều này, ông Paul Fraipont cho biết, Việt Nam quan trọng không chỉ vì sự phát triển thần tốc trong khu vực, mà còn là vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.

“Nhà máy mới thể hiện cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam, giúp duy trì kỳ vọng rất cao của khách hàng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ và góp phần thúc đẩy tăng trưởng cùng với sự tăng trưởng của khách hàng”, ông Paul Fraipont nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Dũng, Phó chủ Tịch kiêm Tổng giám đốc Spartronics Việt Nam khẳng định, rất tin tưởng và kỳ vọng nhà máy mới sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng trong tương lai.

Theo ông Trần Dũng, Spartronics sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ nhân sự địa phương xuất sắc thành thế hệ lãnh đạo kế cận.

Spartronics Việt Nam do Tập đoàn Sparton (Mỹ) đầu tư. Nhà máy đầu tiên của Spartronics Việt Nam được xây dựng vào năm 2005 ở Bình Dương. Kể từ đó, Spartronics Việt Nam đã được mở rộng đầu tư và hoạt động sản xuất – kinh doanh ổn định.

Trong những năm qua, Spartronics Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng danh tiếng, như doanh nghiệp xuất sắc của châu Á – Thái Bình Dương, Doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam, 10 Thương hiệu tốt nhất Việt Nam, Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc châu Á – Thái Bình Dương…

Hậu Giang mời gọi đầu tư khu đô thị mới thị xã Long Mỹ

Việc đầu tư xây dựng Khu đô thị sẽ tạo diện mạo mới với không gian hài hoà và phù hợp với định hướng phát triển bền vững cho thị xã Long Mỹ.

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có quyết định phê duyệt danh mục Dự án đầu tư có sử dụng đất sử dụng vốn ngoài ngân sách cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đối với dự án Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 1, phường Thuận An.

Một góc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang
Một góc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang

Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng khu đô thị mới với chức năng nhà ở dân cư, kết hợp với chức năng thương mại – dịch vụ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phủ kín quy hoạch đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Sau khi hoàn thành, khu đô thị tạo diện mạo mới với không gian hài hoà và phù hợp với định hướng phát triển bền vững cho thị xã Long Mỹ, góp phần xây dựng một đô thị hiện đại, hài hòa và thân thiện với môi trường.

Dự án được thực hiện tại khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, với quy mô diện tích khoảng 15,3 ha. Trong đó, diện tích đất thực hiện dự án là 14,42 ha; diện tích khu ở cải tạo chỉnh trang là 0,88 ha, theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án gần 207 tỷ đồng, từ nguồn vốn tự có của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác theo quy định pháp luật. Hình thức thực hiện: nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng.

Tiến độ thực hiện dự án là 24 tháng kể từ khi hoàn thành thủ tục giao đất cho nhà đầu tư.

UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất và triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ.

McKinsey & Company đề xuất tham gia quy hoạch Bình Định

McKinsey & Company đề xuất phương pháp tiếp cận lập quy hoạch tỉnh Bình Định trên cơ sở tiếp cận trên định hướng tổng thể quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch tỉnh mang tính khác biệt.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định, bao gồm ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan vừa có buổi làm việc với Tập đoàn McKinsey & Company (Hoa Kỳ) và Tập đoàn FPT.

Tại buổi làm việc, ông Marco Breu, Giám đốc Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (thuộc Tập đoàn McKinsey & Company) cho biết, Mckinsey & Company là đơn vị tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có phạm vi hoạt động toàn cầu và chuyên môn sâu ở các ngành nghề, chức năng. Tại Việt Nam, McKinsey & Company đã và đang thực hiện các Dự án tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Long An, Hòa Bình…

McKinsey & Company đề xuất phương pháp tiếp cận lập quy hoạch tỉnh Bình Định trên cơ sở tiếp cận trên định hướng tổng thể quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch tỉnh mang tính khác biệt về tiềm năng, lợi thế phát triển KT-XH; cam kết sẽ huy động đội ngũ chuyên gia giỏi về quy hoạch thế giới và trong nước để tham gia quá trình triển khai lập quy hoạch.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, quy hoạch tỉnh Bình Định có vai trò hết sức quan trọng, định hướng cho phát triển của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ để lãnh đạo tỉnh thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH.

“Việc chọn một đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm để lập quy hoạch tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh kỳ vọng sẽ có một quy hoạch chất lượng với nhiều ý tưởng mới mẻ, đột phá mang tầm quốc tế, dài hạn. Đồng thời, quy hoạch khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững”.

Tiếp nhận những ý tưởng và phương pháp tiếp cận quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ông Nguyễn Phi Long đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan phối hợp làm việc với đơn vị tư vấn để chia sẻ thông tin, vấn đề cần quan tâm về lập quy hoạch phát triển của tỉnh. Đồng thời, phối hợp làm việc chặt chẽ với Tập đoàn FPT để báo cáo cho lãnh đạo tỉnh về vấn đề liên quan đến kinh phí và hỗ trợ tỉnh trong lập quy hoạch.

Trước đó, cuối tháng 1/2021, Chính phủ đã ký Quyết định 136/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập quy hoạch đảm bảo phù hợp thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Sắp mở thầu Gói thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 do PV Power làm chủ đầu tư

Gói thầu EPC Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có thời gian thực hiện là 1.095 ngày, tương đương 3 năm.

Chi nhánh Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) Ban Quản lý Dự án điện (Bên mời thầu) mới đây đã công bố mời thầu Gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (hỗn hợp – EPC) Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với thời gian thực hiện hợp đồng là 1.095 ngày.

Dự án do PV Power làm chủ đầu tư, gồm 18 gói thầu. Trong đó có 1 gói thầu hỗn hợp, 2 gói thầu xây lắp, 12 gói thầu tư vấn và 3 gói thầu phi tư vấn. Tổng mức đầu tư của Dự án là 32.486.933.657.876 đồng. Riêng gói thầu hỗn hợp EPC có dự toán được phê duyệt là 24.727.114.910.960 đồng.

Gói thầu dự kiến sẽ mở thầu vào lúc 14h ngày 6/7/2021, giá trị bảo đảm dự thầu là 370 tỷ đồng.

Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến có quy mô 2 x 750 MW (hoặc 800 MW) với cấu hình tuabin khí chu trình hỗn hợp.

Theo dự kiến, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ vận hành thương mại vào quý IV/2023 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 sẽ vận hành thương mại vào quý II/2024.

Nhiên liệu chính là khí LNG nhập khẩu thông qua kho cảng LNG Thị Vải với nhu cầu 0,57 triệu tấn/năm/nhà máy.

Với thời gian vận hành khoảng 6.000 giờ/năm/nhà máy, sản lượng điện cung cấp lên hệ thống điện quốc gia vào khoảng 4,5 tỷ kWh.

Trong tờ trình xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2020, PV Power cũng dự tính, để đạt FIRR (tỷ suất hoàn vốn nội tại tài chính) là 12% (mức tối đa theo quy định hiện hành), giá điện trung bình toàn bộ vòng đời dự án là 8,85 UScent/kWh với trường hợp không xem xét tới trượt giá với các yếu tố chi phí nhiên liệu, bảo trì, bảo dưỡng hoặc là 10,18 UScent/kWh nếu có xem xét các yếu tố trượt giá.

Về việc vay vốn cho các dự án điện, chuyên gia của một ngân hàng nước ngoài cho hay, nếu có sự bảo lãnh của Chính phủ hoặc có bảo hiểm từ tổ chức tín dụng xuất khẩu thì thời gian cho vay thông thường được từ 13-15 năm. Còn nếu vay thương mại thì với các doanh nghiệp lớn, có hệ số tín nhiệm tốt có thể được vay với thời gian từ 7-9 năm, còn các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ chỉ được cho thời gian cỡ 5 năm.

Ngoài ra, lãi suất cho vay thương mại thường cũng cao hơn so với khi được bảo lãnh, bảo hiểm như nói ở trên.

Ngoài ra, các dự án điện LNG hiện nay nếu đầu tư theo hình thức Nhà máy điện độc lập (IPP) thực hiện chào giá trên thị trường điện để được huy động thì phải đối mặt với nhiều biến số trong việc tính toán nguồn thu.

Doanh nghiệp Anh muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Anh (UKVFTA), sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Anh thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Anh đã rót 3,87 tỷ USD vào hơn 400 Dự án tại Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 15 tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Anh đã rót 3,87 tỷ USD vào hơn 400 dự án tại Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 15 tại Việt Nam.

Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự tại TP.HCM cho biết, ngày 1/5 sắp tới, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, UKVFTA đã mang lại những lợi ích thiết thực ngay từ đầu năm nay. Khoảng 65% thuế đã được loại trừ và trong vòng 6 năm tới, con số này sẽ tăng lên 99%.

Đổi mới và công nghệ đã chạm đến nhiều khía cạnh cuộc sống ở Việt Nam và chăm sóc sức khỏe cũng không ngoại lệ. Trong nỗ lực phối hợp để đón làn sóng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện chương trình nghị sự quốc gia nhằm khai thác tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số trên toàn hệ thống y tế. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam và Vương quốc Anh cũng có chung nguyện vọng.

“Chúng tôi tận dụng đổi mới kỹ thuật số để mở rộng việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng một cách công bằng, phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững số 3 của Liên hợp quốc về sức khỏe và phúc lợi. Ở giai đoạn đầu của việc chuyển đổi kỹ thuật số, Việt Nam có nhiều cơ hội để tận dụng các giải pháp sáng tạo từ Vương quốc Anh”, bà Emily Hamblin nói.

Trong khi đó, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết: “AstraZeneca không ngừng nỗ lực đặt bệnh nhân lên hàng đầu. Chúng tôi đánh giá cao việc UKVFTA đang giúp hàng triệu bệnh nhân Việt Nam tiếp cận các loại thuốc cải tiến và chất lượng cao. Các công ty dược phẩm của Anh như AstraZeneca có thể được tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn quốc tế hóa và quy định kỹ thuật, cũng như nâng cao tính minh bạch của các chính sách về mua sắm và bồi hoàn của chính phủ, do đó sẽ cho phép chúng tôi phục vụ bệnh nhân địa phương tốt hơn”.

Ông Kapoor nhấn mạnh, UKVFTA đặc biệt có ý nghĩa khi Vương quốc Anh và Việt Nam đang hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong thập kỷ tới, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả y tế.

Trên thực tế, một số công ty chăm sóc sức khỏe của Anh đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam. Năm ngoái, Real Capital London đã khởi động Dự án Viện Y khoa Hồng Anh tại TP.HCM. Đây sẽ là một hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, gồm một bệnh viện 462 giường, một trung tâm đào tạo y tế, các phòng khám đa khoa và nhà thuốc, nhà lưu trú, viện dưỡng lão. Dự án được chia thành 4 giai đoạn, với giai đoạn cuối cùng dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Anh đã rót 3,87 tỷ USD vào hơn 400 dự án tại Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 15 tại Việt Nam.

Bà Hamblin cho biết, trong thập kỷ qua, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, với thương mại song phương tăng trưởng trung bình 12%/năm. UKVFTA được xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc đó và đang mở ra cánh cửa để tăng dòng vốn giữa 2 quốc gia.

Bà nhấn mạnh rằng, thông qua UKVFTA, các dịch vụ có khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, mang lại khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ của Vương quốc Anh.

Cùng quan điểm đó, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam và là thành viên Hội đồng Quản trị của BritCham Việt Nam cho biết, UKVFTA là một trong những hiệp định đầu tiên được ký kết và tham gia bởi Vương quốc Anh sau khi rời Liên minh châu Âu vào năm ngoái.

Ông Atkinson kỳ vọng rằng, việc giảm bớt các rào cản quy định sẽ thu hút nhiều công ty của Vương quốc Anh đến Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Bình Định tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư

Bên cạnh Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, dự kiến vào cuối tháng 4/2021, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, với sự tham gia của 300 – 350 đại biểu. UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, lập danh sách mời các doanh nghiệp tham dự Hội nghị; khẩn trương chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện cần thiết có liên quan để Hội nghị tổ chức hiệu quả, tác động lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với Hội nghị đối thoại của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, dự kiến cuối tháng 6/2021, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Định, với tham dự của khoảng 250 đại biểu. UBND tỉnh Bình Định, đã giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan hoàn chỉnh kế hoạch, chương trình tổ chức hội nghị…

Bình Định đang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư. Tính đến hết tháng 3/2021, địa phương này  thu hút được 17 Dự án đầu tư với tổng vốn thu hút 23.773 tỷ đồng. Trong đó 12 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư 22.933 tỷ đồng; 1 dự án nhà ở xã hội được Sở Xây dựng trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 786,56 tỷ đồng; 4 dự án trong Khu Công nghiệp được Ban Quản lý Khu Kinh tế cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 53,63 tỷ đồng.

Cũng trong quý 1/2021, tỉnh Bình Định đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án là dự án Calla Apartment Quy Nhơn (Chung cư thương mại) của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Armo và Tổ hợp khách sạn và căn hộ khách sạn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuân Diệu; điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án đầu tư FDI …

Phát triển kinh tế tư nhân: Biến tư duy cải cách thành chính sách, hành động cụ thể

Những thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân cần được biến thành những chính sách, hành động cụ thể để khu vực này có thể “cất cánh”.

Cơ quan quản lý nhà nước cần chuyển tư duy từ kiểm soát sang kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Cơ quan quản lý nhà nước cần chuyển tư duy từ kiểm soát sang kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Trong những năm qua, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khu vực này đóng góp tới 42,68% trong cơ cấu GDP quốc gia, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước trên 14%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 25%. Đây cũng là khu vực đóng góp đáng kể trong tạo việc làm mới, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Báo cáo Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy, doanh nghiệp tư nhân có năng suất lao động chỉ cao hơn loại hình kinh tế hợp tác, trong khi thấp hơn khá nhiều so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những điểm tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế.

Trước những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều rào cản, nút thắt mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông. Rất nhiều chính sách phát triển kinh tế đã được ban hành nhưng vẫn vướng, nhất là tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng. Do đó, theo Bộ trưởng, phải thay đổi từ tư duy, phải làm sao thể chế thuận lợi, hấp dẫn, thân thiện, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Công tác xây dựng thể chế của bộ, ngành phải thay đổi, phải kiến tạo chứ không chỉ xem xét ở khía cạnh quản lý.

“Quản lý nhà nước phải là hình phễu, tất cả mọi thứ phải tự do thuận lợi vào, xong dùng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát và làm hậu kiểm cho tốt. Chứ bây giờ chúng ta lại làm theo hình nón, vào cái là ghè ngay, nào là đất cát, vốn liếng, không thể làm được, tiếp cận được, mà lại tạo ra cơ chế xin – cho”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong văn bản mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo Công văn số 2279/VPCP-KTTH ngày 1/4/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam tới các cơ quan nói trên để nghiên cứu, tham khảo trong quá trình phối hợp xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như trong xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề án đưa ra 4 quan điểm mấu chốt.

Một là, đổi mới tư duy quản lý nhà nước, theo đó Nhà nước coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế phù hợp với những yêu cầu của quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và bối cảnh của tình hình mới.

Ba là, hệ thống luật pháp giữ vị trí trung tâm trong quá trình đổi mới quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt.

Bốn là, đổi mới hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước trên tinh thần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong các nhóm giải pháp mà Đề án đưa ra, Ban soạn thảo đặc biệt nhấn mạnh nhóm giải pháp đổi mới quản lý nhà nước trong vai trò quản lý thị trường, thanh kiểm tra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng của các bộ, ngành để làm cơ sở cho hậu kiểm.

“Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là tạo sự lỏng lẻo, dễ dàng trong kiểm định, thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà để nâng cao tính tự chủ, gắn ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng”, Đề án nêu rõ.

Phó viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu cho hay, tư duy thanh tra, kiểm tra cũng sẽ có sự thay đổi triệt để. Ở đây, thay vì tạo ra nỗi sợ truyền kỳ, hoạt động này sẽ hướng tới việc giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chứ không phải là công cụ trừng phạt, triệt tiêu doanh nghiệp. Cùng với đó, sẽ áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau.

Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa để nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp hoặc quan hệ pháp lý giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh vai trò của các thể chế khác nhau ngoài hệ thống tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự…

Sẽ sớm ký được hợp đồng các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Mặc dù có một số nội dung đang phải tham vấn ý kiến các bộ ngành nhưng sẽ có ít nhất 2 PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ được ký hợp đồng trong ít ngày tới.

Đây là khẳng định của một lãnh đạo Vụ PPP – Bộ GTVT về công tác đàm phán hợp đồng với các liên danh nhà đầu tư được lựa chọn trúng thầu 3 Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP là các đoạn: Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.

“Mặc dù vẫn còn một số nội dung vẫn phải tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư hoặc cần phải tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan nhưng về cơ bản công tác đàm phán hợp đồng tại các dự án đang sắp đi đến đích. Các bên tham gia đàm phán đã thống nhất nguyên tắc là ghi nhận những vấn đề này trong hợp đồng, tiếp tục xử lý trong quá trình triển khai”, vị lãnh đạo này cho biết và khẳng định rằng, khả năng rất cao là hai trong số ba dự án sẽ cơ bản kết thúc quá trình đàm phán để tiến tới ký hợp đồng trong ít ngày tới

Vào đầu tuần trước, Bộ GTVT đã có công văn gửi các bộ: Kế hoạch và đầu tư, tài chính, Xây dựng đề nghị các cơ quan này làm rõ một số vấn đề trong quá trình đàm phán hợp đồng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo Bộ GTVT, Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô rất lớn, tiến độ yêu cầu hoàn thành rất gấp, triển khai theo hình thức PPP phức tạp cả về hình thức quản lý và hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh, quá trình quản lý thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực…trong khi quá trình xây dựng Hồ sơ mời thầu, đàm phán hợp đồng dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên quan như: quy định về quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng; quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đặc biệt Luật PPP số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội mới có hiệu lực, trong khi các Nghị định hướng dẫn Luật PPP còn chưa quy định hết được các tình huống thực tế xảy ra…

Với các khó khăn, vướng mắc như trên, dẫn đến quá trình đàm phán Hợp đồng dự án giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư phát sinh một số nội dung còn chưa thống nhất như: điều kiện chuyển tiếp của Luật PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu; điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án; thanh toán phần vốn Nhà nước; quyết toán dự án; quy định về đền bù do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình, điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công.

Để đảm bảo phù hợp và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, Bộ GTVT đề nghị các Bộ, ngành có ý kiến về các nội dung còn tồn tại, vướng mắc nêu trên. Trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh trong quá trình đàm phán, ký kết Hợp đồng theo quy định.

“Do yêu cầu về tiến độ rất gấp, trường hợp các nội dung chưa thể quyết định ngay hoặc cần thêm thời gian để tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ cùng Nhà đầu tư ghi nhận trong quá trình đàm phán, ký Hợp đồng và tiếp tục cập nhật trong quá trình triển khai thực hiện dự án”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Trước đó, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, Bộ GTVT đã báo cáo và được Chính phủ chấp thuận chủ trương dừng hoạt động của Tổ công tác tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 10/2/2021, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành bằng văn bản làm cơ sở thực hiện.

Giao UBND tỉnh Tiền Giang quyết mốc thời gian hoàn thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành các hạng mục cuối cùng vào ngày 30/11/2021.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1359/VPCP – CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc triển khai Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Thi công san nền tại Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thi công san nền tại Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND tỉnh Tiền Giang quyết định thời gian hoàn thành Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.

Vào đầu tháng 4/2021, UBND tỉnh Tiền Giang – Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai công trình.

UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến cuối tháng 3/2021, Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã triển khai được 34/37 gói thầu, gồm 32/34 gói thầu sử dụng vốn BOT và 2/3 gói thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; 3 gói thầu còn lại gồm trạm thu phí, ITS, cầu vượt Võ Việt Tân sẽ tiếp tục triển khai theo tiến độ Dự án. Lũy kế giá trị thi công các gói thầu đã đạt 5.144 tỷ đồng (đạt 61%  so với mốc tiến độ hoàn thành Dự án vào cuối năm 2021).

Do dịch Covid-19 kéo dài, nguồn vốn tín dụng giải ngân chậm gần 5 tháng so với phương án tài chính được duyệt, tình trạng khan hiếm vật liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên nhà đầu tư không thể hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án trong quý II/2021 như dự kiến.

Tại buổi kiểm tra Dự án vào tháng 1/2021, doanh nghiệp dự án đã báo cáo vấn đề trên và được Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo hoàn thành công trình vào tháng 11/2021.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, doanh nghiệp dự án đã lập lại tiến độ Dự án. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp Dự án, UBND tỉnh Tiền Giang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ điều chỉnh Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Cụ thể, Dự án sẽ hoàn thành công tác dỡ tải và lu lèn nền đường đạt độ chặt cho phép toàn bộ các gói thầu vào ngày 22/7/2021; hoàn thành thi công móng đường vào ngày 18/8/2021; hoàn thành mặt đường bê tông nhựa vào ngày 30/11/2021; xây dựng xong nhà điều hành, trạm thu phí vào ngày 21/11/2021; thi công xong hệ thống chiếu sáng, ITS, ATGT, cây xanh, cây xanh cảnh quan vào 30/11/2021.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51,5 km, bề rộng nền đường 17m, bốn làn xe cao tốc rộng 3,5m/làn và dải phân cách giữa; 39 cầu trên tuyến chính, bốn cầu trong nút giao liên thông, 10 cầu vượt trực thông, hai cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè, một cầu trên tuyến nối nút giao Cai Lậy. Tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và UBND tỉnh Tiền Giang, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng quý II/2021.

Sắp điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân

Nhà đầu tư đề nghị tăng phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để hoàn vốn cho nhóm hầm Phú Gia – Phước Tượng, hầm Hải Vân từ ngày 1/5/2021.

Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn số 2230/BGTVT – ĐTCT gửi Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả; Công ty cổ phần Phước Tượng – Phú Gia BOT.

Trạm thu phí Bắc Hải Vân.
Trạm thu phí Bắc Hải Vân.

Tại văn bản này, Bộ GTVT đồng ý việc điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân theo đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Đề xuất này theo Bộ GTVT là phù hợp với quy định tại Thông tư số 60/TT-BGTVT ngày 21/12/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các Dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ sử dụng.

Bộ GTVT chỉ đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chịu trách nhiệm về mức thu phí dịch vụ theo đề xuất, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ nguồn thu, thường xuyên cập nhật doanh thu thực tế để xác định thời gian thu phí; cập nhật các chỉ tiêu tài chính liên quan đến Dự án.

Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cũng được yêu cầu phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt công tác tuyên truyền và có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực trạm thu phí.

Vào tháng 3/2021, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh mức thu phí tại trạm thu phí Bắc Hải Vân. So với giá vé hiện hành, mức giá đề xuất đối với xe ô tô loại 1 tăng 40.000 đồng/xe/lượt; xe loại 2 tăng 70.000 đồng/xe/lượt; xe loại 3 là 60.000 đồng/xe/lượt; xe loại 4 là 30.000 đồng/xe/lượt; xe loại 5 là 40.000 đồng/xe/lượt.

Trước đó, tại Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án hầm đường bộ Đèo Cả – Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT và BT, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh “doanh thu trạm thu phí Bắc Hải Vân nhận chia sẻ với Dự án Phước Tượng – Phú Gia giảm 144 tỷ đồng (chiếm 26% giá trị giảm doanh thu toàn Dự án) do giá vé 10 tháng đầu năm 2019 thấp hơn phương án tài chính, đến nay giá vé đã được điều chỉnh, nhưng giá vé 3 nhóm xe 1,2,3 vẫn thấp hơn phương án tài chính, thấp hơn Mức giá tối đa tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT”.

Do trạm thu phí Bắc Hải Vân là trạm đặt tại vị trí cửa hầm Hải Vân nên vậy người dân có quyền lựa chọn trả phí để đi qua hầm hoặc đi đường đèo không mất phí dịch vụ.

Trước đó vào ngày 11/1/2021, tại khu vực cửa hầm phía Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nhà đầu tư – Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả phối hợp cùng Bộ GTVT, các địa phương Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2 – một trong những hạng mục quan trọng của Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.

Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư sau khi thực hiện một loạt công trình hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: “Khi đề xuất dự án này, Đèo Cả ý thức được tầm quan trọng to lớn và những khó khăn thách thức gay gắt phải đối mặt. Đó là những khó khăn về kỹ thuật – công nghệ, về cơ chế chính sách, về nguồn vốn. Chúng tôi xác định đây là một sứ mệnh lịch sử, một trọng trách mang tính thách thức chưa từng thấy đối với Tập đoàn. Tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Chủ tịch Tập đoàn là tham gia dự án không chỉ vì lợi nhuận, doanh thu, mà còn vì sự đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, khẳng định năng lực, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua tranh quốc tế”.

Cùng chuỗi các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, hầm Hải Vân sau khi đi vào vận hành đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Đây là công trình minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh người Việt ngang tầm thế giới trong cuộc đua tranh phát triển ngày càng quyết liệt.

15 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6/2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm. Mỗi lần có sự cố như ô tô chết máy va chạm trong hầm là một lần đội quân quản lý vận hành lại phải đóng hầm giải quyết sự cố. Quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết tai nạn rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Hải Vân 2 được xem như cuộc“giải cứu” từ trong lòng núi.

Hà Nội sẽ xây dựng tuyến đường vành đai 4 làm “huyết mạch” phát triển kinh tế trong 5 năm tới

Chiều 20/4, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố

Thu nhập bình quân đầu người đạt 8.300 – 8.500 USD 

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng để thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chương trình công tác lớn của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh điều hành Hội nghị
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh điều hành Hội nghị

Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: “Đây là cơ hội để các sở ngành, quận huyện tự “soi” và chính mình để có những góp ý xác đáng, tập hợp được trí tuệ tập thể. Các đồng gửi gắm gì vào dự thảo này để sau này chính các đồng chí sẽ là người thực hiện”.

Nêu việc dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố là cụ thể hóa 10 chương trình công tác lớn của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từng đơn vị khi góp ý phải đảm bảo cả 2 yêu cầu: đáp ứng đầy đủ tính bao quát nhưng cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên trên từng lĩnh vực, đảm bảo tính khả thi.

Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 thành phố dự kiến đặt ra trong dự thảo là: tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%; đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0- 7,5%…

Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố đặt ra 3 khâu đột phá là: ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố.

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ một số cân đối lớn cần đảm bảo. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.405 nghìn tỷ; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng.

Thành phố sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025 ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí cho chi đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; phấn đấu để ổn định khoảng 45-48% tổng chi vào năm 2030…

Thành phố dự kiến đảm bảo tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học, công nghệ khoảng 2%. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện chỉ số sáng tạo của thành phố;… nhằm nâng cao mức đóng góp trong tăng trưởng.

Tập trung xây dựng tuyến đường vành đai 4 

Nêu một số vấn đề quan trọng trong dự thảo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhắc nhở Sở KH&ĐT cập nhật một số dữ liệu mới trong dự thảo kế hoạch. Đối với nội dung đổi mới công tác quy hoạch, tăng cường quản lý quy hoạch, thành phố có 2 quy hoạch quan trọng là: quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; thứ hai là điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định trong xây dựng phát triển Thủ đô của Luật Thủ đô. Trong thời kỳ 5 năm, 2 quy hoạch phải hoàn thành; phấn đấu cuối năm 2022, hoặc muộn nhất là đến đầu năm 2023 phải phê duyệt 2 quy hoạch này…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với dịch bệnh có diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát đã được Đại hội Đảng bộ thành phố chỉ rõ, các chỉ tiêu cụ thể cũng được nêu rõ trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy. Sở KH&ĐT cần rà soát cụ thể, rõ trách nhiệm phần việc của từng đơn vị bởi một số chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người; Thu gom xử lý 100% rác thải hàng ngày; xử lý nước thải; cấp nước sạch cho 100% đô thị nông thôn… là cao. Từ đó phải có những đề án, Dự án cụ thể trong kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đó…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, hiệu quả kinh tế xã hội hiệu quả hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.

Nêu việc dự thảo có 303 nhiệm vụ giao các sở ngành, quận huyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các nhiệm vụ này phải rõ ràng hơn, tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy.

Nguồn: baodautu.vn

Tin Mới