spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngNâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP

Nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP

Hiện nay, nhiều sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của TP Cần Thơ đã và đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo ấn tượng với người tiêu dùng như: trà mãng cầu, khô cá tra một nắng, tranh gạo… Ðể khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương, thành phố tiếp tục phát triển, đưa các sản phẩm chất lượng trên địa bàn tham gia vào chương trình OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Sản phẩm cơm rượu của Tổ hợp tác cơm rượu Trung Thạnh trưng bày tại một sự kiện huyện Cờ Đỏ. 

Tín hiệu tích cực

Chương trình OCOP triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ từ năm 2018, với nhiều hoạt động tập huấn, hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế địa phương theo chuỗi giá trị. Sau 2 năm thực hiện, TP Cần Thơ có 3 quận, huyện có sản phẩm OCOP là quận Thốt Nốt, Ninh Kiều và huyện Cờ Ðỏ với 19 sản phẩm, gồm 5 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã.

Sau khi được thành phố đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đã mở ra hướng phát triển mới cho các chủ thể sản xuất. Anh Khưu Tấn Bửu, chủ thể sản phẩm tranh gạo đạt 4 sao của quận Ninh Kiều, chia sẻ: Sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao, sản phẩm tranh gạo đã được thành phố lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ vậy, được gắn 4 sao OCOP nâng tầm giá trị cho sản phẩm, lượng tiêu thụ ra thị trường theo đó cũng tăng lên…

Gần đây, gạo tím mới lạ xuất hiện trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận. Ðây là sản phẩm OCOP độc đáo kết hợp giữa gạo trắng và khoai lang tím chỉ có ở Cần Thơ của bà Võ Thị Ðức, quận Thốt Nốt. Theo bà Võ Thị Ðức, trước đây, khi làm ra sản phẩm gạo tím nhiều ý kiến cho rằng đây là sản phẩm độc đáo, nhưng cũng có ý kiến chỉ là sản phẩm gạo thông thường. Tuy nhiên, khi sản phẩm được gắn sao OCOP, sản phẩm được đánh giá cao và tại các triển lãm, hội chợ thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Tự hào là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, một sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, bà Nguyễn Kim Nhiên, chủ thể trà mãng cầu Kim Nhiên đạt 4 sao huyện Cờ Ðỏ, cho biết: Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng VietGAP, hữu cơ, nâng tầm sản phẩm đạt 5 sao. Bên cạnh đó, công ty cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, nhận định: Chương trình OCOP là chương trình thiết thực, hiệu quả và rất có ý nghĩa. Thông qua chương trình đã góp phần thúc đẩy động viên khích lệ các chủ thể OCOP trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chương trình OCOP hỗ trợ chủ thể phát triển các sản phẩm có lợi thế tại địa phương, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và bao bì, nhãn hiệu, kết nối cung cầu. Theo đó, một số sản phẩm OCOP của thành phố đã tăng sức tiêu thụ từ 2-4 lần và có đối tác quan tâm mong muốn hợp tác làm đại lý, như: trà mãng cầu Kim Nhiên, tranh gạo, mắm cá tra, khô cá tra một nắng, gạo tím…

Thúc đẩy OCOP

Theo kế hoạch năm 2021, thành phố sẽ xếp hạng, đánh giá và gắn sao công nhận thêm 20-22 sản phẩm OCOP và đề nghị Trung ương đánh giá, xếp hạng 5 sao 1-2 sản phẩm. Dự kiến trong tháng 6 tới, thành phố sẽ tổ chức đánh giá và xếp hạng các sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021. Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn đang tiến hành các bước đánh giá, bình chọn, đồng thời hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp thành phố.

Huyện Cờ Ðỏ có 1 sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên đạt 4 sao. Ðợt này, huyện Cờ Ðỏ có 4 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đã tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm cấp huyện. Cụ thể, trà mãng cầu Cường Tím của Cửa hàng gạo Cường Tím đạt 83,37 điểm và xoài cát Hòa Lộc của Hợp tác xã Lộc Hưng đạt 74,75 điểm, tương ứng đạt 4 sao; thanh nhãn của Hợp tác xã cây ăn trái Thái Thanh đạt 58,5 điểm; cơm rượu của Tổ hợp tác cơm rượu Trung Thạnh đạt 68 điểm, tương ứng đạt 3 sao. Trên cơ sở đó, ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ đề nghị chủ thể các sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng tại huyện cần nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Ngành chuyên môn hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục để trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá, xếp hạng.

Mới đây, huyện Phong Ðiền tổ chức hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa. Sau khi thảo luận, đánh giá sản phẩm theo các nội dung chấm điểm của các tiêu chí sản phẩm OCOP, đông trùng hạ thảo sấy khô được 87 điểm, tương ứng đạt 4 sao. Ðây là sản phẩm OCOP đầu tiên của Phong Ðiền. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh về chương trình OCOP triển khai trên địa bàn. Ðồng thời, rà soát, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng cùng với các hạt nhân có đủ quyết tâm và năng lực để tham gia vào chương trình OCOP. Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo ông Lê Văn Tính, đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận và kể cả sản phẩm tiềm năng, điểm yếu lớn nhất chính là bao bì, nhãn mác sản phẩm còn thô sơ, chưa bắt mắt, đáp ứng thị hiếu của khách hàng; nhất là các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Vì vậy, Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới thành phố phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm thành phố hỗ trợ các chủ thể trong thiết kế bao bì, nhãn mác. Thành phố tích cực hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham quan học tập kinh nghiệm; tham gia trưng bày sản phẩm tại các triển lãm, hội chợ tầm quốc gia, quốc tế… góp phần kết nối cung – cầu, mở rộng thị trường…

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/

Tin Mới