spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngNâng tầm hợp tác Cần Thơ - Hậu Giang

Nâng tầm hợp tác Cần Thơ – Hậu Giang

Doanh nghiệp Cần Thơ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại một sự kiện tổ chức ở tỉnh Hậu Giang.

Doanh nghiệp Cần Thơ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại một sự kiện tổ chức ở tỉnh Hậu Giang.

UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết và ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Việc ký kết này được thực hiện trên nền tảng kế thừa thành quả và rút kinh nghiệm những hạn chế trong suốt quá trình hợp tác, phát triển giữa hai địa phương từ năm 2006 dến nay. Trong giai đoạn mới, hoạt động liên kết, hợp tác giữa Cần Thơ và Hậu Giang tập trung vào liên kết vùng, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề về môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững…

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:

“Bắt tay” mời gọi, thu hút đầu tư

Cần Thơ và Hậu Giang tiếp tục thắt chặt liên kết hơn nữa để cùng khai thác tiềm năng, tạo bứt phá phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… Đơn cử, đối với vấn đề thu hút, mời gọi đầu tư, doanh nghiệp vốn quan tâm đến các vấn đề hạ tầng giao thông, logictics, môi trường đầu tư… nghĩa là làm sao để họ có không gian phát triển tốt nhất. Từ đó đặt ra vấn đề 2 địa phương phải có sự thống nhất nhau trong quy hoạch tổng thể phát triển chung, đầu tư kết cấu hạ tầng, thống nhất chiến lược mời gọi đầu tư… để tạo nên bức tranh chung trong thu hút, mời gọi đầu tư vào Cần Thơ, Hậu Giang nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.

Quá trình hợp tác phát triển các nội dung, lĩnh vực cụ thể, xem xét lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên kết phát triển vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị định số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL; Quyết định số 825/QĐ-TTg của Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025.

Hợp tác mọi mặt

Từ năm 2006, Cần Thơ và Hậu Giang đã thực hiện ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa 2 địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các sở, ngành bước đầu tạo sự gắn kết trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai địa phương phối hợp đầu tư xây dựng tuyến đường quốc lộ, các đường tỉnh, đường huyện: đường nối TP Vị Thanh với TP Cần Thơ, tuyến đường Bốn Tổng – Một Ngàn, đường tỉnh 926, đường tỉnh 931B… Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tất cả các dự án sau khi hoàn thành nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương. Đơn cử, sau khi đưa vào sử dụng tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn đã trở thành trục hành lang kinh tế mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của hai trung tâm hành chính cấp huyện là thị trấn Một Ngàn của huyện Châu Thành A và thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. Gần đây nhất, TP Cần Thơ khởi công xây dựng cầu Vàm Xáng kết nối quốc lộ 61C với huyện Phong Điền mở ra cơ hội rất lớn cho việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế của Cần Thơ và Hậu Giang”.

Ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, thông tin: Một số doanh nghiệp ở Cần Thơ đã mở rộng đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh Hậu Giang: Công ty Dược phẩm Hậu Giang đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm; Công ty CP Sản xuất kinh doanh Vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) đầu tư sản xuất thuốc thú y, Công ty CP Vật tư Hậu Giang (HAMACO) sản xuất bê tông… Về  thương mại – dịch vụ, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã như đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, chợ truyền thống (Công ty TNHH Hồng Phát, Công ty TNHH Đầu tư phát triển chợ Việt Mai); liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản ở Hậu Giang (Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An… Bên cạnh đó, hai địa phương cũng thường xuyên trao đổi tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; gắn kết chặt chẽ, phối hợp xử lý kịp thời khi xảy ra các biến động thị trường, góp phần tạo sự ổn định chung về mặt bằng giá cả giữa hai địa phương.

Cần Thơ và Hậu Giang thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về quản lý đề tài và dự án khoa học công nghệ. Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, hằng năm, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề của Cần Thơ đào tạo 3.270 sinh viên, học viên của tỉnh Hậu Giang; đồng thời tỉnh Hậu Giang phối hợp chấm thi, tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên thực tập cho hơn 500 sinh viên của TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, hai địa phương phối hợp với các tỉnh vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn, hội nghị nhằm tạo ra tiếng nói chung và thế mạnh vùng như: liên kết hợp tác để phát triển nông nghiệp toàn diện; liên kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu tập trung (lúa gạo, thủy sản, trái cây)…

Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh  ủy Hậu Giang:

Liên kết, chủ động hợp tác để đón đầu xu thế

Liên kết vùng là xu thế tất yếu, do đó 2 địa phương cần chủ động hợp tác để đón đầu xu thế, tận dụng cơ hội để bứt phá. Với sự quyết tâm xây dựng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa Hậu Giang và TP Cần Thơ sẽ có bước tiến mới, toàn diện và ngày càng hiệu quả, tôi mong muốn hai địa phương thực hiện hợp tác, tập trung chỉ đạo một số lĩnh vực như: tăng cường cơ chế tham vấn ý kiến trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, định hướng phát triển; hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối thủy bộ; quan tâm hơn đến việc hợp tác trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nước, chất thải; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, doanh nghiệp, chính quyền hai địa phương.

Bước tiến mới

Để nâng tầm hợp tác, UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục ký kết Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, hai địa phương tiếp tục nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực mang tính thiết thực, khả thi, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trong từng giai đoạn của mỗi địa phương. Trong đó, trọng tâm hợp tác là tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các tỉnh/vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở hai địa phương; phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên tỉnh – thành… Bên cạnh đó, hai địa phương cụ thể hóa các hoạt động trong khuôn khổ liên kết vùng, cụm liên kết vùng và cụm ngành trên cơ sở các hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả”.

Theo ông Mai Văn Tân, phát triển mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ giữa 2 địa phương là nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội lâu dài. Vì vậy, Hậu Giang tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh có tính kết nối với TP Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Hậu Giang phối hợp với TP Cần Thơ tiếp tục kiến nghị Trung ương thống nhất cho đầu tư dự án Mở rộng giai đoạn 2 đường nối TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cần Thơ trong việc thúc đẩy triển khai các dự án cao tốc liên vùng như: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng… Bên cạnh đó, hai bên cũng đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, duy tu bảo dưỡng, duy trì khả năng khai thác các tuyến giao thông kết nối như tuyên Bốn Tổng – Một Ngàn, đường tỉnh 926, đường tỉnh 931B và đường tỉnh 932…

Trong giai đoạn phát triển 2021-2025, Cần Thơ và Hậu Giang kỳ vọng nâng tầm hợp tác, tạo bước tiến mới trong mọi lĩnh vực theo hướng tăng giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Minh Toại, ngành Công Thương hai địa phương tiếp tục liên kết, hợp tác theo hướng có trọng tâm và đi vào chiều sâu. Đó là hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao (công nghệ làm lạnh bằng sóng siêu âm, đốt rác phát điện). Đồng thời, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, cụm tiểu thủ công nghiệp; phối hợp triển lãm, giới thiệu sản phẩm công nghiệp mới có hàm lượng công nghệ cao. Đối với hoạt động thương mại, tổ chức các buổi giao lưu, kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hai địa phương; đào tạo, kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để thích ứng và phát huy lợi thế trong môi trường kinh doanh mới…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới