Theo Ban Kinh tế Trung ương, thiên tai, dịch bệnh năm 2020 khiến nền kinh tế Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 160.000 tỉ đồng; năm 2021 khoảng 346.000 tỉ đồng. Chỉ 2 năm thôi, tổng thiệt hại kinh tế của Việt Nam khoảng 507.000 tỉ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD.
Các Start up giới thiệu sản phẩm tại Mekong Connect 2021.
Cố gắng không mệt mỏi
COVID-19 là “biến số”, tác động mạnh tới tăng trưởng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo GDP Việt Nam xuống còn 5,8% thay vì 6,7% như hồi tháng 4. Ðến tháng 8-2021, mục tiêu tăng trưởng thực sự đối diện với thách thức.
Nhiều chuyên gia cho rằng tăng trưởng không còn là mục tiêu chính mà mục tiêu bây giờ là phục hồi kinh tế; làm sao hài hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế khi những đứt gãy từ chuỗi sản xuất tới cung ứng, tiêu dùng và an sinh xã hội.
Những thách thức hiện rõ: Thiếu nguyên liệu sản xuất, nguyên liệu đầu vào tăng giá, chi phí vận tải cao, khó lưu chuyển hàng hóa, biến động và thiếu hụt lao động, thiếu chuyên gia trong và ngoài nước… Chính phủ đã ban hành một số biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng giải ngân đầu tư công chậm, các doanh nghiệp vẫn khó khôi phục sản xuất, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ còn khó khăn, các hoạt động xuất khẩu – gặp nhiều bất cập – chưa thể tận dụng ưu đãi thuế quan, hoạt động du lịch vẫn đình đốn, tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu vẫn diễn ra…
Theo TS Nguyễn Ðình Cung, con số thiệt hại kinh tế của Việt Nam có thể hơn 37 tỉ USD vì riêng ngành ăn uống, khách sạn và bán lẻ… ở mức độ nào đó đã mất khoảng 15 tỉ USD. Do đó, theo ông muốn phục hồi kinh tế – trước hết phải phục hồi “cầu”.
“Rõ ràng Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn, nhưng cho đến nay, ta không chi tiêu nhiều, không đủ để bù đắp những mất mát của nền kinh tế trong 2 năm qua” – theo TS Nguyễn Ðình Cung.
Thế giới cũng đứt gãy, cũng rơi vào thảm cảnh, đại dịch tồi tệ này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 4.100 tỉ USD, theo tính toán của ADB.
Song, không riêng gì Việt Nam, các nước trên thế giới đều cần hàng hóa, đứt gãy rất nhiều hàng hóa và đồng thời những đơn đặt hàng cũng tăng đột biến. Trước mắt để giải quyết vấn đề phục hồi phải tăng hệ sinh thái của doanh nghiệp lên – theo ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long.
Ðó là những câu chuyện được bàn thảo ở diễn đàn kinh tế thường niên Mekong Connect 2021, diễn ra vào 17-12-2021, nhằm tìm cách hỗ trợ cho ÐBSCL.
Nhận diện thách thức
ÐBSCL vào thời điểm 1-4-2019 có 17,3 triệu dân, là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất và cũng là nơi xuất cư cao nhất. Trong một thập niên (2009-2019), tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0%, so với tỷ lệ cả nước 1,14%. Hai năm qua dân số cả vùng giảm 0,3%.
Biến động lao động do di cư ảnh hưởng tại chỗ (nội vùng) do những nguyên nhân sau: Thiếu nhân công nông nghiệp nghiêm trọng; giá nhân công (350.000-450.000 đồng/ngày công), nhưng không đủ người làm, phụ nữ đi làm xa, nhiều công việc không ổn định và không phù hợp. Nhiều ngôi làng ở đồng bằng thường được gọi “làng Ðài Loan” hay “làng Hàn Quốc”, do có nhiều người là vợ người Ðài Loan, Hàn Quốc… nhà cửa có vẻ khang trang hơn nhưng không mang lại nguồn lực kinh tế. Nhiều nhà máy thiếu lao động và thực trạng đầu tư thiếu đồng bộ khiến các “đại bàng” không hăng hái đầu tư vào vùng này.
Trong thập niên qua, ÐBSCL đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài – do biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng… đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội mà ÐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.
Thực tế cũng cho thấy: Bên cạnh hạ tầng cơ sở, tuy có đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng. Nhiều chuyên gia cho rằng, do cấu trúc thể chế không khắc phục sự manh mún ngay trong nội vùng ÐBSCL, thậm chí bộc lộ sự chia cắt theo địa giới hành chính khi các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 khiến ÐBSCL giảm dần vai trò kinh tế vùng.
Sâu xa hơn, quá trình phát triển, các địa phương càng bộc lộ sự lỏng lẻo trong mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ – TP Hồ Chí Minh – Ðông Nam Bộ. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm Ðông Nam Bộ – TP Hồ Chí Minh – Tây Nam Bộ) chiếm 20% dân số của cả nước, đóng góp 45% GDP; thu ngân sách chiếm 40%, chi ngân sách chỉ chiếm 20%. Riêng TP Hồ Chí Minh là “trụ cột phát triển” của cả vùng, chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. ÐBSCL có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,5% (mục tiêu là 8,6%) và đang có xu hướng chậm lại.
Tốc độ tăng trưởng của miền Ðông và TP Hồ Chí Minh cũng có dấu hiệu tương tự.
“3 công cụ lớn tác động đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Quy hoạch, tài khóa, đầu tư. Quy hoạch có tiếng nói của 13 tỉnh thành và cộng đồng, nhưng chưa được thông qua. Cơ chế tài khóa giúp chúng ta có tính hợp tác, liên kết vùng là các chi tiêu công. Ðặc biệt là đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng các dự án cơ sở hạ tầng lớn của ÐBSCL chưa được triển khai đồng bộ, thậm chí nhiều dự án còn trên giấy – TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), nhận xét.
Những vấn đề nêu trên, theo các chuyên gia, cần giám sát và thúc đẩy thực thi. Việc giám sát trước đây ít có. Hầu như chỉ tổng kết đầu tư công, mỗi tỉnh tự đo lường còn những dự án đầu tư liên tỉnh hay các cơ quan Trung ương thì không có cơ quan nào đánh giá và nhận định.
Quan trọng nhất trong cơ chế liên kết là cơ chế liên kết thị trường. Tháng 10-2021, có ít nhất 1,3 triệu người miền Tây đi lao động ở Ðồng Nai, Bình Dương, Long An lũ lượt về quê. Thăm dò sau đó cho thấy sau cuộc “tản cư” sau thời gian phong tỏa, giãn cách, chỉ có khoảng 40% lao động muốn trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ làm việc. Thị trường nhân lực biến động, đứt gãy lao động ảnh hưởng trực tiếp đến việc khôi phục kinh tế, khó khăn khó gỡ trong từng doanh nghiệp. Nếu trước đây dòng người ra đi lặng lẽ và rời rạc thì sự trở về lần này cho thấy đã đến lúc phải có cách chăm sóc nguồn tài nguyên nhân lực này tốt hơn.
Tiếng nói chung
Mọi việc sẽ được giải quyết nếu chúng ta nhận dạng ÐBSCL như một tổng thể, trả lời câu hỏi: Liệu chúng ta có đủ nỗ lực vượt qua chia cắt, cùng nhau tạo ra thương hiệu chung Mekong Delta?
Hiện nay, thu hút FDI vào ÐBSCL còn thấp; các chính sách cho nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, thấp hơn các vùng khác; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế nên càng cần liên kết lại…
Các góc nhìn – từ biến đổi khí hậu, hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, tài nguyên nhân lực – công ăn việc làm cho đến nỗ lực phục hồi kinh tế trong bối cảnh biến động do đại dịch cho thấy: Việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát kinh tế và tính nhất quán của việc mở cửa nền kinh tế ở khu vực ÐBSCL, ở từng địa phương chưa đủ để lấy lại đà tăng trưởng mà phải gắn kết với TP Hồ Chí Minh và miền Ðông theo chiến
lược mới.
Liên kết vùng được kêu gọi để duy trì mức tăng trưởng, cần có tiếng nói chung về chương trình phục hồi kinh tế mang tính liên kết nhất quán ngay từ bây giờ.
Ðại dịch tấn công vào mọi lĩnh vực, tuy nhiên cũng kích hoạt cho những ngành sáng tạo, công nghệ vượt lên, dạy cho chúng ta cách giải quyết vấn đề thông minh hơn. Ðại dịch tồi tệ thật, nhưng không thể giết chết những ý tưởng vươn lên. Chuyển đổi số được các doanh nghiệp ứng dụng, thương mại điện tử được đẩy mạnh và những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect theo cách tiếp cận hợp tác công – tư.
CHÂU LAN
Nguồn: baocantho.com.vn