spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngNhật Bản mở rộng hợp tác với Cần Thơ trong lĩnh vực...

Nhật Bản mở rộng hợp tác với Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp

Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác với Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như trao đổi nguồn nhân lực.

Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Cần Thơ và đoàn công tác Nhật Bản, do ông Watanabe Michitaro – Thị trưởng thành phố Nasushiobara làm trưởng đoàn, ngày 23/12 tại Cần Thơ.

Ông Watanabe Michitaro, Thị trưởng thành phố Nasushiobara, tỉnh Tochigi, Nhật Bản thông tin, Nhật Bản đã có kế hoạch ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Cần Thơ trên các lĩnh vực nông nghiệp, trao đổi nguồn nhân lực vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên thế giới, nên các hoạt động đối ngoại phần lớn bị trì hoãn.

Hiện nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, do đó Nhật Bản mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, mở đường cho việc thông thương sâu rộng, trên cơ sở phát huy lợi thế đôi bên, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thành phố Nasushiobara, tỉnh Tochigi, Nhật Bản có thế mạnh về nông nghiệp, với các sản phẩm chủ đạo là bò sữa và gạo. Sản lượng sản xuất nông nghiệp đạt 26,39 tỷ Yên, chăn nuôi đạt khoảng 18,4 tỷ Yên, sản xuất sữa tươi khoảng 10,82 tỷ Yên.

“Thành phố Nasushiobara là nơi chăn nuôi rất phát triển, việc chăn nuôi chiếm 70% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi bò sữa đặc biệt phát triển, sản lượng sữa tươi đạt vị trí thứ 4 toàn quốc”, ông Watanabe Michitaro cho biết.

Về phía Cần Thơ, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ song phương lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, Cần Thơ và các tỉnh/thành của Nhật Bản nói riêng.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN

Ông Phạm Văn Hiểu thông tin sơ bộ đến đoàn Nhật Bản về tình hình địa chính trị của Cần Thơ. Với vị thế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ hiện có khoảng 80% là diện tích đất nông nghiệp.

Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022: dịch vụ, du lịch chiếm 51%; công nghiệp, xây dựng chiếm 31%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 7%. Nông nghiệp chất lượng cao hiện đang là một trong những thế mạnh của thành phố.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đang tận dụng những ưu thế theo quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, đưa thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Những năm gần đây, mỗi năm thành phố sản xuất hơn 1,3 triệu tấn lúa; trong đó có nhiều giống lúa đặc sản, được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Về thủy sản, mỗi năm thành phố sản xuất hơn 235.000 tấn thủy sản nước ngọt các loại, có nhiều loại thủy sản có giá trị cao, xuất khẩu thị trường nhiều nước như cá tra, tôm càng xanh, cá bống tượng, lươn…

Về cây ăn trái, mỗi năm thành phố sản xuất được gần 200.000 tấn các loại trái cây đặc sản như: xoài cát, vú sữa, cam, bưởi da xanh…

Về nguồn nhân lực, Cần Thơ hiện có 6 trường đại học, với quy mô đào tạo trên 70.000 sinh viên/năm, đáp ứng nhu cầu dạy và học ở cấp đại học của học sinh ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra còn có 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 28 cơ sở khác có dạy nghề. Năm 2022, đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 47.000 người.

Riêng lĩnh vực lao động đi làm việc tại Nhật Bản, năm 2022, Cần Thơ có 172 lao động xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản, chiếm 33,5 % tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đứng thứ 2 trong các thị trường được ưa chuộng (sau Đài Loan – Trung Quốc).

Nhật Bản được đánh giá là nơi có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Các nhóm nghề ở Nhật Bản thu hút nhiều nhất người lao động Việt Nam gồm: gia công, cơ khí, chế biến, đóng gói thực phẩm, xây dựng, nông nghiệp, hộ lý, may công nghiệp, lắp ráp thiết bị điện…

“Năm 2023 sẽ là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôi mong rằng giữa hai thành phố sẽ sớm triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm thắt chặt thêm tình hữu nghị, gắn bó giữa Việt Nam và Nhật Bản” – Ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh./.

Ánh Tuyết/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/

Tin Mới