spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngPhân vùng phát triển, tạo sức sống mới cho Cần Thơ

Phân vùng phát triển, tạo sức sống mới cho Cần Thơ

Cần Thơ là một trong số ít địa phương có tiến độ lập quy hoạch đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đây cũng là địa phương lựa chọn tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch và sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về chiến lược và quy hoạch xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Với mục tiêu xây dựng “Đô thị miền sông nước”, là thành phố đáng sống của vùng Tây Nam Bộ, Cần Thơ hóa giải những thách thức trong sử dụng bền vững tài nguyên nước như thế nào, thưa ông?

– Sự phát triển của TP Cần Thơ mang đậm bản sắc sông nước đồng bằng với nhiều tiềm năng về du lịch-thương mại-dịch vụ, vì thế chúng tôi chọn đầu tư khai thác sông nước dọc theo hệ thống kênh, rạch, khai thác cảnh quan không gian hai bên bờ sông để mang lại cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố. Bên cạnh đó, việc phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, ổn định xã hội, mang tính hài hòa, bền vững giữa kinh tế-xã hội-môi trường. Muốn vậy, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, được đặc biệt quan tâm và chú trọng các giải pháp giải quyết các vấn đề có liên quan đến môi trường và nguồn nước đúng theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước.

– Thưa ông, được biết TP Cần Thơ thuê tư vấn nước ngoài làm lại quy hoạch phát triển. Vậy, trong bản quy hoạch mới, vấn đề phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu được đặt ra như thế nào?

– Hiện tại, bài toán quy hoạch thành phố đang được tư vấn hoàn chỉnh trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng, rà soát, cập nhật và đối chiếu với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ. Việc tính toán đến các yếu tố biến đổi khí hậu và lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã được tổ chức thực hiện trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Biến đổi khí hậu và thích ứng theo nội dung quy hoạch sẽ được tính toán dựa trên nguyên tắc phân vùng môi trường, là điều kiện để quản lý và bảo vệ môi trường.

Phân vùng môi trường là cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho việc định hướng bảo vệ môi trường của từng vùng. Đây là một trong những nội dung cơ bản để quản lý môi trường, là cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển bền vững. Chia các vùng môi trường thành vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng môi trường khác và các tiểu vùng trên cơ sở tiêu chí phân vùng môi trường.

Phân vùng phát triển, tạo sức sống mới cho Cần Thơ  -0
Cần Thơ được xác định là đô thị phát triển mang đặc trưng vùng sông nước.  

– Việc phân vùng đô thị sẽ tạo nên diện mạo mới cho TP Cần Thơ, xin ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?

– Để định hướng cho thành phố phát triển trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Trong tương lai, khi có những hệ thống kết nối cao tốc, cấu trúc đô thị của Cần Thơ sẽ có nhiều thay đổi lớn. Thay vì chỉ có một hướng là sông Hậu, Cần Thơ tương lai sẽ có cả những hướng tổ chức không gian liên quan các tuyến cao tốc chính. Mặt khác, quan điểm của quy hoạch này là không phân biệt đô thị và nông thôn, mà coi toàn bộ thành phố Cần Thơ là một đô thị, với những vùng đô thị khác nhau. Phân vùng không gian đô thị khu vực Cần Thơ có thể hình thành ba vùng sau:

Vùng đô thị chính phía nam, bao gồm các quận Ninh Kiều-Bình Thủy-Cái Răng, huyện Phong Điền và một phần huyện Thới Lai, quận Ô Môn, lấy ranh giới là kênh KH08. Vùng này là đô thị trung tâm, với tất cả các kết nối liên vùng quan trọng: đường sắt, đường thủy, hàng không, hàng hải, cao tốc Trung tâm Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh, cao tốc An Giang-Cần Thơ, quốc lộ 61C, quốc lộ 1A, quốc lộ 91, 91B. Trong vùng này có đủ các công năng chính để Cần Thơ có thể trở thành trung tâm vùng trong tương lai, bao gồm Trung tâm lịch sử Ninh Kiều, Trung tâm mới Cái Răng, Đô thị sân bay, Đô thị cảng Cái Cui, Đô thị Cảng Trà Nóc, Đô thị Trung tâm liên kết vùng sản xuất nông nghiệp (Agropolis) Bình Thủy, Đô thị công nghệ Cái Răng, Trung tâm Giáo dục Đào tạo, Trung tâm Y tế, trị liệu, Trung tâm Thể dục-Thể thao, Trung tâm Thương mại-Dịch vụ, Khu đô thị sinh thái Phong Điền. Định hướng phát triển trong tương lai gần sẽ được tập trung vào vùng này.

Vùng đô thị phía bắc: gồm các quận Ô Môn, huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh: Nằm từ kênh KH08 về phía bắc, có đường cao tốc Ô Môn-Giồng Riềng và trục sông Ô Môn ở giữa trục cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, quốc lộ 80, quốc lộ 91, cao tốc An Giang-Cần Thơ, cảng Thốt Nốt, các kênh, rạch chính là kênh cái Sắn, rạch Bò Ót, rạch Thốt Nốt, kênh Thơm Rơm. Đây là vùng phát triển đô thị sản xuất mới, với cấu trúc mở hơn, hướng tới kết nối liên vùng hơn là kết nối nội bộ. Vùng này gồm nhiều khu vực đô thị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, được kết nối với nhau bởi một hành lang đô thị, giao thông đa năng và một dải mặt tiền đô thị sinh thái cảnh quan sông nước ven sông Hậu.

Vùng đô thị phía tây cao tốc An Giang-Cần Thơ: Thuộc đất các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, bị ngăn cách bởi cao tốc An Giang-Cần Thơ. Khu vực này sẽ phát triển theo hai hướng chính là nông nghiệp đan xen với năng lượng mặt trời và du lịch sinh thái dựa trên phục hồi rừng ngập nước. Đây là những hướng hoàn toàn mới so với hiện nay, nhằm tạo động lực mới cho khu vực này.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Dũng (thực hiện)
Nguồn: nhandan.vn

Tin Mới