spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngPhát triển dịch vụ Logistics tăng cạnh tranh cho nông thủy sản...

Phát triển dịch vụ Logistics tăng cạnh tranh cho nông thủy sản ĐBSCL

Đó là nhận định của ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam tại hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản & thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long” do UBND TP. Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 23/4.

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề tồn tại và đưa ra các giải pháp, các mô hình vận tải và logistics hiệu quả để cắt giảm chi phí logistics hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu hàng nông sản và thủy sản tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

phat trien dich vu logistics tang canh tranh cho nong thuy san dbscl

Cải thiện dịch vụ logistics

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam – cho biết, xuất khẩu nông thủy hải sản đã và đang là thế mạnh của Việt Nam nói chung cũng như của ĐBSCL và TP Cần Thơ nói riêng, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cũng như sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Theo báo cáo xuất nhập khẩu năm 2018 của Bộ Công Thương vừa công bố, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,79 tỷ USD, xuất khẩu mặt hàng trái cây 3,81 tỷ USD, trong đó ĐBSCL chính là trung tâm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho xuất nhập thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ vào khoảng 20-25%, như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (chi phí các nước vào khoảng vào khoảng 10-15%); kết nối hạ tầng logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập.

Vùng ĐBSCL đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây. Vùng này được xem là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất cả nước. Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu từ sản phẩm gạo và thủy sản chế biến; 2 mặt hàng này chiếm từ 75 – 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước.

Ông Lê Duy Hiệp – khẳng định, với yêu cầu về hoàn thiện chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng có bảo quản nhiệt độ và hàng trái cây cũng như chuỗi cung ứng logistics cho mặt hàng này là một thách thức không hề nhỏ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ logistics, nhất là trong bối cảnh hiện nay tại khu vực Tây Nam Bộ.

“Hiệp Hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam luôn hướng về một mục tiêu là làm sao có thể cải thiện một cách rõ rệt được dịch vụ logistics tại khu vực này, tăng cường tính kết nối và trên cơ sở đó góp phần giảm chi phí dịch vụ logistics” – ông Hiệp nhấn mạnh.

Gỡ khó và cần liên kết vùng

Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ – chia sẻ, do hàng hóa xuất khẩu chủ lực của vùng là nông sản, thủy sản đang phải cạnh tranh rất quyết liệt với các nước trong khu vực và bị ảnh hưởng bởi các rào cản kỹ thuật nên sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng không cao.

phat trien dich vu logistics tang canh tranh cho nong thuy san dbscl
Cần tăng cường tính kết nối các tỉnh khu vực và trên cơ sở đó góp phần giảm chi phí dịch vụ logistics.

Mặt khác, trước đây, một trong những nguyên nhân được cho là làm hạn chế xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng hải của các tỉnh ĐBSCL là cửa biển Định An, cửa ngõ chính dẫn sông Hậu ra biển bị cạn, tàu tải trọng lớn không vào được. Trong nỗ lực mở đường cho tàu có tải trọng lớn ra vào các cảng ở ĐBSCL, dự án mở rộng kênh Quan Chánh Bố và đào thêm kênh Tắt ra biển đã được hoàn thành. Luồng hàng hải này có thể đón tàu từ 10.000 DWT và tàu 20.000 DWT vào sông Hậu, điều mà trước đây luồng Định An dù được nạo vét hàng năm nhưng cũng chỉ đón được tàu dưới 5.000 DWT”.

Theo ông Toại, hiện nay TP. Cần Thơ đang lập quy hoạch và mời gọi đầu tư dự án xây dựng Trung tâm logistics hạng II cấp vùng. Nếu hình thành được trung tâm logistics này, sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa lên TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời phát triển ngành kinh doanh mới là vận tải và logistics ở TP. Cần Thơ vốn là trung tâm vùng ĐBSCL.

Dự báo nhu cầu vận tải sản lượng nông thủy sản, dự kiến tổng sản lượng vận chuyển nông thủy sản trong vùng là 12,62 triệu tấn. Trong đó sản lượng lúa đến năm 2020 khoảng 10,2 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác khoảng 2,42 triệu tấn. Qua đó cho thấy thị trường logistics của vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng là rất tiềm năng, có triển vọng phát triển và thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL khoảng 17 đến 18 triệu tấn/năm, tuy nhiên, 70% hàng hóa xuất khẩu này phải chuyển tải về các cảng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 – 40% tùy từng tuyến. Do đó, việc phát triển ngành dịch vụ logistics ở Cần Thơ nói chung và xây dựng phát triển một trung tâm logistics hạng II cấp vùng ở Cần Thơ là nhu cầu cách bách và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL” – ông Toại nhấn mạnh.

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – cho biết, hệ thống logistics của ĐBSCL đang có nhiều vấn đề cần gỡ vướng. Cảng Cái Cui dù được kỳ vọng là đưa hàng hóa xuất khẩu cho vùng nhưng tàu tải trọng lớn không vào cảng được do vướng luồng vào. Thành phố đã quy hoạch 242,2ha tại Cảng Cái Cui để làm trung tâm logistics hạng 2, kết nối xuất khẩu cho vùng và kết nối các địa phương cả nước, khu vực. Nhưng phát triển logistics không thể một mình Cần Thơ là có thể thực hiện được, nếu chúng ta đầu tư logistics mà không có lô hàng đến cũng không có hiệu quả. Do vậy phát triển logistics cần sự kết nối giữa các địa phương, DN.

Theo ông Nam, phát triển logistics là nhu cầu cấp bách của Cần Thơ, cũng như ĐBSCL. Thời gian qua TP Cần Thơ đã chuẩn bị, quy hoạch cho logistics phục vụ vận tải biển, hàng không, đường bộ và cả đường sắt trong tương lai. Tuy nhiên, cần có sự kết nối với các tỉnh trong khu vực, thông tuyến và kết nối đa phương thức thì mới thành công…

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngân sách đầu tư cho thủy sản tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung so với cơ cấu chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Các cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là các cảng nước sâu đủ khả năng phục vụ tàu vận chuyển container xuất khẩu.

Hoàng Tỷ

Nguồn: https://congthuong.vn

 

 

Tin Mới