spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủThông tin Đồng bằngTạo điều kiện khôi phục sản xuất

Tạo điều kiện khôi phục sản xuất

Một số địa phương khu vực ĐBSCL đã tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau thời gian tạm ngưng do dịch Covid-19. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp phải bảo đảm những quy định phòng chống dịch

Trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Long An có khoảng 13.500 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với 370.000 lao động. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh chỉ còn xấp xỉ 1.500 DN hoạt động, trong đó khoảng 800 DN theo phương án “3 tại chỗ” với gần 43.000 lao động.

Vui mừng vì có việc làm trở lại

Để khôi phục hoạt động sản xuất trong tình hình mới, Long An tạo bước chuyển từ việc nhà nước tập trung phòng chống dịch Covid-19 sang DN và người dân chủ động phòng chống dịch (y tế tại chỗ).

Theo kế hoạch, tỉnh cho phép tất cả DN trên địa bàn được hoạt động trở lại, số lượng người lao động (NLĐ) theo nhu cầu sản xuất – kinh doanh; DN tự quyết định việc bố trí nơi lưu trú cho NLĐ ở tập trung trong công ty hoặc cư trú bên ngoài hay kết hợp cả hai hình thức.

Tỉnh Long An tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa khôi phục sản xuất vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch. Ảnh: HÀ LONG

Theo quy định, NLĐ vào DN làm việc phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và thời gian sau tiêm ít nhất 14 ngày (trừ trường hợp có chỉ định của cơ quan y tế). Chuyên gia, người quản lý DN được phép di chuyển hằng ngày từ Long An đến các tỉnh, thành khác (theo sự thống nhất của các địa phương) với điều kiện phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19, đủ 14 ngày sau tiêm và phải di chuyển bằng ôtô riêng hoặc đi chung xe đưa rước NLĐ của DN.

Công nhân, NLĐ khác được phép di chuyển hằng ngày bằng phương tiện cá nhân từ Long An đến các địa phương nếu đáp ứng điều kiện thẻ xanh Covid. Ngoài ra, công nhân, NLĐ được phép di chuyển bằng phương tiện chung từ Long An đến các tỉnh, thành phố khác nếu đã tiêm 1 mũi vắc-xin và đủ 14 ngày. Khi trở lại DN làm việc, NLĐ phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ.

Chị Lê Thị Tâm, quê ở Vĩnh Long, đã có 4 năm làm công nhân tại Công ty TNHH MTV IS ViNa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị định về quê như nhiều người khác nhưng sau đó ở lại, chờ dịch lắng xuống để đi làm. Mới đây, công ty đã hoạt động lại sau thời gian nghỉ dịch, chị Tâm rất vui mừng vì từ nay có việc làm, có thu nhập lo cho con cái ăn học và trả tiền thuê nhà trọ.

Chị Trần Thị Hoài, quê ở Cần Thơ, là công nhân trong Khu Công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Thời gian qua, chị mất thu nhập do DN ngừng sản xuất, từ đó cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Gần đây, thấy nhiều người kéo về quê nhưng chị vẫn kiên định ở lại, chờ công ty phục hồi sản xuất.

“Ngay sau khi DN phục hồi sản xuất, tôi liền quay trở lại làm việc và luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch, thực hiện đúng các quy định của công ty. Hy vọng thời gian tới, công nhân chúng tôi sẽ bớt khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường” – chị Hoài bày tỏ.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 48.038 tỉ đồng – giảm 1,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 5-10, 203/431 DN ở tỉnh được phê duyệt hoạt động “4 tại chỗ” với số lượng lao động 22.047/54.116 người.

Là DN đang thực hiện phương án “4 tại chỗ”, Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung bảo đảm các chế độ, không để nhân viên thiếu thốn. Công ty sẵn sàng bỏ thêm chi phí đổi lấy sự an toàn cho toàn thể nhân viên, NLĐ để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Đến nay, hơn 90% nhân viên công ty đang thực hiện “4 tại chỗ” đã được tiêm 2 mũi vắc-xin để duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng.

“Công ty luôn bảo đảm cho nhân viên có đầy đủ sức khỏe, yên tâm làm việc. Chúng tôi được chăm lo 3 bữa ăn/ngày và tăng 30% lương cố định trong hơn 2 tháng thực hiện “4 tại chỗ”. Đây là động lực rất lớn để anh chị em công nhân đoàn kết, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế” – chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, công nhân Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, thổ lộ.

Đẩy mạnh tiêm vắc-xin

Trước tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong từng kịch bản, Đồng Tháp phải kiểm soát tốt dịch bệnh; triển khai đồng loạt các biện pháp nới lỏng, phát triển kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh trong môi trường sống an toàn với Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến đầu tư…

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết đến nay, địa phương đã có khoảng 200 DN hoạt động trở lại với những điều kiện thuận lợi. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ, có hướng dẫn cụ thể để tăng thêm số DN khôi phục sản xuất – kinh doanh sau dịch Covid-19. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Không chỉ đánh giá năm 2021, chúng tôi còn đề ra những định hướng của giai đoạn 2021 – 2025. Trước mắt, tỉnh đã xây dựng những kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Từ đây đến cuối năm thời gian không còn nhiều, trong tình hình hiện nay, Đồng Tháp sẽ dần từng bước để thích nghi và sống chung với dịch. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo… Trong điều kiện hiện nay còn nhiều vấn đề khó khăn, chúng tôi sẽ khôi phục dần” – ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, để phục hồi sản xuất, tỉnh Long An đã sớm xây dựng các phương án, giải pháp theo từng thời điểm, sát với tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh đã tiến hành đối thoại trực tuyến với đại diện hàng ngàn DN để lắng nghe, tìm hiểu về những khó khăn của họ. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt những đề xuất, kiến nghị từ DN.

Từ cuộc đối thoại đó, Long An đã kịp thời có những sự điều chỉnh, tháo gỡ hạn chế, bất cập nhằm tạo điều kiện cho DN vừa hoạt động trở lại vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Long An, cùng với nhiều giải pháp, tỉnh đặc biệt quan tâm tiến độ bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 trong toàn dân, trong đó có công nhân, NLĐ ở các DN. Mặt khác, các cấp, các ngành còn tăng cường tuyên truyền, vận động NLĐ chưa nên trở về quê mà ở lại Long An, vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa tham gia khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tại Cần Thơ, ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và Công nghiệp TP, cho biết thời gian qua đã đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho công nhân. Nhờ vậy mà đến nay, khoảng 40% DN trong Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ mở cửa hoạt động, trong đó có nhiều DN lớn chuyên về xuất khẩu thủy sản.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, gần như 100% DN trên địa bàn TP Cần Thơ phải tạm ngưng hoạt động. Sau khi dịch bệnh tạm lắng, UBND TP Cần Thơ đã nhanh chóng ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Mục đích là nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế và TP Cần Thơ.

UBND TP Cần Thơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP nghiên cứu, kiến nghị cụ thể về cơ chế tài chính hỗ trợ các ngành nghề khôi phục sản xuất, phù hợp với tình hình hoạt động của các DN, đúng đối tượng và hiệu quả. Đặc biệt, cần quan tâm chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, giúp DN phục hồi, phát triển và đóng góp trở lại cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

UBND TP Cần Thơ yêu cầu Cục Thuế TP chủ động triển khai kịp thời đến DN các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, kết nối với các DN tìm kiếm và giới thiệu NLĐ vào làm việc.

Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin – Truyền thông, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ đề xuất thành lập chuỗi phân phối sản phẩm trên địa bàn, hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu; cung cấp các mặt hàng chất lượng cao và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa…

HÀ LONG – TÂM MINH – CA LINH

Nguồn: nld.com.vn

Tin Mới