Thành ủy Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 27-12-2016) của Thành ủy về thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đến năm 2020. Nghị quyết quan trọng này đã góp phần thu hút và khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, Khu Công nghiệp Thốt Nốt.
Thúc đẩy tăng trưởng
Qua 5 năm thực hiện, Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy đã góp phần vào việc thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước nhằm khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển thành phố. Giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư trong nước, ngoài ngân sách là 210.700 tỉ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6.891 tỉ đồng. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giảm bình quân 19,16%/năm; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng 33,27%/năm và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,11%/năm, gấp 1,55 lần thực hiện giai đoạn 2011-2015. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Công tác huy động và sử dụng tương đối hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã đem lại một số kết quả tích cực trong thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế thành phố. Trong đó, tăng trưởng kinh tế thành phố (GRDP) duy trì tốc độ tăng ở mức khá, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,53%/năm. Mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo chiều rộng, đã có sự chuyển dịch sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó chiều sâu là chủ yếu; hình thành những động lực tăng trưởng mới, mô hình mới. Quy mô nền kinh tế đến năm 2020 đạt 120.000 tỉ đồng, gấp 1,45 lần so với năm 2016; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 97,2 triệu đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2016.
Thành phố đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, chia sẻ: Cải cách hành là nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, khâu đột phá then chốt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực cho sự phát triển, chỉ đạo tổ chức trong các sở, ban, ngành, quận, huyện… thu hút nhiều nguồn lực ngoài ngân sách. Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy, với sự quyết tâm và phấn đấu của các ngành, các cấp công tác cải cách hành chính đã mang lại những kết quả khả quan, tích cực, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố và luôn giữ vị thế của thành phố thuộc top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI). Cụ thể, Chỉ số CCHC xếp hạng 6 năm 2018, Chỉ số PAPI hạng 8 năm 2018, 2019, Chỉ số PCI hạng 11 năm 2018, 2019.
Thành phố đã rất quyết liệt trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân; khung chính sách tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Còn nhiều dự án đầu tư có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những chính sách ưu đãi của thành phố. Một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng; môi trường đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư… Ðây là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thành phố mở hướng tiếp cận hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho giai đoạn phát triển mới.
Chủ động đón dòng đầu tư
Chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước là vấn để được nhiều sở, ngành quan tâm. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Lê Thanh Tâm, giai đoạn 2016-2020, thành phố thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng dần. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án còn chậm, chưa có dự án mang tính chất dẫn dắt, đóng góp lớn cho ngân sách, chưa có dự án công nghệ cao, dự án về dịch vụ giải trí như sân golf chưa hoạt động, chưa thu hút được nhà đầu tư phát triển trung tâm thương mại lớn cấp vùng, chợ đầu mối cấp vùng, kêu gọi đầu tư trung tâm logistics cho ÐBSCL tại TP Cần Thơ còn chậm. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm nhiều hơn đến việc thu hút vốn ngoài ngân sách, quán triệt quan điểm thành phố luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng và minh bạch, thu hút đầu tư các dự án có đóng góp lớn cho nền kinh tế theo yêu cầu phát triển của thành phố là trở thành trung tâm của vùng ÐBSCL theo mục tiêu mà Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị đã xác định.
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chia sẻ: Ðiểm thắt nút trong thực hiện các kế hoạch đầu tư của thành phố, không chỉ trong các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách mà cả các dự án sử dụng ngân sách của thành phố chính là thiếu quỹ đất dành cho phát triển đô thị (trong đó có cả quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) nên việc áp dụng giải pháp phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu, đầu tư, xây dựng và nhà ở gặp nhiều khó khăn. Hầu hết việc phát triển đô thị dựa vào nguồn lực sẵn có của nhà đầu tư, chủ đầu tư dẫn đến tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ. Với tinh thần đổi mới trong cải cách thể chế lĩnh vực quy hoạch và đầu tư, thành phố cần chuẩn bị điều kiện cần và đủ để chủ động kế hoạch phát triển thành phố; chủ động đón dòng đầu tư từ các nguồn vốn xã hội cả trong và ngoài nước.
Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Muốn thay đổi bức tranh thu hút đầu tư của thành phố, các sở, ngành, quận, huyện phải cùng quán triệt, triển khai nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU; chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch của ngành, của địa phương mình gắn kết với quy hoạch tích hợp của thành phố do Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng. Cần tăng cường rà soát, hỗ trợ các dự án đã cấp chủ trương đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục gắn với tiếp nhận các đề xuất dự án đầu tư mới. Khi hoạt động hiệu quả, nhà đầu tư sẽ trở thành kênh quảng bá hiệu quả nhất về môi trường đầu tư của thành phố. Đồng thời, tập trung nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông. Quan tâm cập nhật danh mục thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa phù hợp tình hình mới. Tiếp tục cải cách hành chính; quan tâm hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, hợp tác xã, các mô hình mới có tính lan tỏa gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Nguồn: baocantho.com.vn