spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngTạo thuận lợi để hàng Việt đến tay người tiêu dùng

Tạo thuận lợi để hàng Việt đến tay người tiêu dùng

Những năm qua, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là các chợ để tạo thuận lợi cho việc mua bán của người dân. Song song đó, thành phố tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm gắn với kết nối cung cầu, tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp… giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin về các sản phẩm hàng Việt, thuận tiện trong mua sắm.

Khách tham quan mua sắm tại hội chợ thương mại được tổ chức ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

► Khẳng định hàng Việt

Thời gian qua, các cấp chính quyền TP Cần Thơ luôn quan tâm công tác kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại. Cần Thơ có nhiều lợi thế của một thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm động lực phát triển của cả vùng ĐBSCL nên  thuận lợi thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 19 Trung tâm thương mại và siêu thị, tăng 9 trung tâm so với năm 2009. Thành phố cũng có trên 75 cửa hàng tiện ích như: Vinmart +, Cao Cấp Việt, Satrafood, Co.opfood, Bách hóa Xanh… thuộc các tập đoàn, công ty thương mại lớn, góp phần thúc đẩy việc mua bán theo hướng hiện đại, đảm bảo theo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xác định các chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối, bán hàng quan trọng, Cần Thơ cũng đã rất chú trọng việc đầu tư, nâng cấp các chợ để tạo thuận lợi cho mua bán của người dân, góp phần tạo “chỗ đứng” cho hàng Việt, nhất là khi nhiều loại hàng Việt còn khó đưa vào các siêu thị. Chủ trương mời gọi xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia bỏ vốn đầu tư phát triển chợ và tham gia vận hành, khai thác chợ. Nhờ vậy, đến nay nhiều chợ truyền thống cả quận nội ô thành phố và các quận, huyện ngoại thành đã sớm có được bộ mặt khang trang sạch đẹp và thực hiện buôn bán theo hướng văn minh, hiện đại. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong giai đoạn từ năm 2009-2018, có 53 chợ trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp, trong đó đầu tư xây dựng mới: 35 chợ; cải tạo, nâng cấp 18 chợ. Tổng số vốn cho đầu tư phát triển các chợ là 245,342 tỉ đồng, trong đó, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, 222,645 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước là 22,697 tỉ đồng. Hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 107 chợ, tăng 5 chợ so với thời điểm năm 2009.

Để tạo thuận lợi cho kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, Sở Công thương TP Cần Thơ cũng tích cực phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ và địa phương đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam”. Tiến hành triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hội chợ, nhất là tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương TP Cần Thơ đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và các đơn vị có liên quan tổ chức trên 44 phiên chợ về nông thôn, khu dân cư và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Các phiên chợ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động và người dân vùng nông thôn được tiếp cận các sản phẩm hàng Việt chất lượng và được các nhà sản xuất tư vấn, giới thiệu về sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành chức năng thành phố cũng tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và kết nối với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ để đưa hàng vào siêu thị và các kênh bán hàng cấp cao. Thời gian qua, các quận huyện cũng tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm của địa phương và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được nhiều hội chợ thương mại phục vụ người dân.

► Nỗ lực kết nối cung-cầu

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương đã và đang tiếp tục tích cực phối hợp các sở, ngành thành phố và địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp, cũng như chú ý lồng ghép thực hiện Cuộc vận động với các Chương trình bình ổn giá, Chương trình khuyến mại… Qua đó, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm hàng Việt chất lượng, với giá hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao với hàng nhập ngoại. Song song đó, Sở Công thương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ. Thông qua việc tăng cường liên kết hợp tác phát triển thương mại với các tỉnh, thành trong nước, Sở Công thương mời gọi và hỗ trợ doanh nghiệp trong thành phố tham gia chuỗi các hội chợ, kết nối thương mại, đầu tư do các tỉnh, thành bạn tổ chức nhằm triển lãm, giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại và đưa hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại… ở các địa phương.

 Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, cùng các sở, ngành thành phố và địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nội địa. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức được 4 phiên chợ về nông thôn, khu dân cư và khu công nghiệp tại các quận, huyện của thành phố. Tổ chức 8 hội thảo cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tại thành phố đưa hàng đến nhiều hội chợ được tổ chức tại thành phố và các địa phương trong nước.

Dù  TP Cần Thơ đã có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích, nhưng các chợ truyền thống vẫn  được đánh giá là kênh phân phối, bán hàng  chủ lực  tại nhiều quận, huyện. Phần lớn các chợ truyền thống đã được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc mua bán của người dân, nhưng tình trạng chợ quá tải, xuống cấp, chợ tự phát, chưa đảm bảo trật tự an toàn giao thông… vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Do vậy, thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống các chợ truyền thống, tạo thuận lợi cho hàng Việt có “chỗ đứng” vững chắc, nhất là tại các địa bàn nông thôn. Theo ông Nguyễn Văn Phoal, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, việc kêu gọi đầu tư phát triển nhiều chợ ở nông thôn vẫn còn gặp khó do doanh nghiệp sợ vốn đầu tư lớn và sức mua ở nông thôn yếu sẽ chậm thu hồi vốn. Thành phố cần xem xét, có thêm chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ tại các quận, huyện ngoại thành.

Bài, ảnh: Khánh Trung

nguồn: https://baocantho.com.vn

 

 

 

Tin Mới