spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngTham vấn xây dựng kịch bản phát triển ĐBSCL

Tham vấn xây dựng kịch bản phát triển ĐBSCL

(CT)- Ngày 4-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Tham vấn vùng để xây dựng kịch bản phát triển ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Các đại biểu tham gia hoạt động thảo luận về các kịch bản.

Hội thảo nhằm tham vấn, lấy ý kiến đóng góp các địa phương trong vùng về kịch bản phát triển theo quy hoạch/kế hoạch hiện tại, các định hướng phát triển vùng mà các bên liên quan mong muốn. Theo đó, đơn vị tư vấn (Công ty HaskoningDHV Nederland B.V và tổ chức GIZ) đưa ra 5 kịch bản phát triển ĐBSCL, gồm: 2 kịch bản phát triển không tác động (S1, S2) dựa trên các kịch bản hiện trạng đang diễn ra và 3 định hướng phát triển thay thế (DO3, DO4, DO5). Trong đó, S1 bao gồm các dự án đã quy hoạch và cam kết thực hiện (đến năm 2025), có tác động đến toàn vùng; S2 bao gồm các dự án đã quy hoạch đến năm 2030 nhưng chưa được cấp vốn. Các định hướng phát triển thay thế DO3, DO4, DO5 được xây dựng theo hướng ưu tiên nguồn vốn đầu tư công vào 1 trong 3 trụ cột: Kinh tế, tài nguyên thiên nhiên/môi trường và phát triển xã hội. Trong đó, định hướng phát triển kinh tế sẽ tối đa hóa tăng trưởng GDP, chủ yếu dựa trên cơ cấu hoạt động kinh tế hiện tại nhưng phải đánh đổi vốn tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển môi trường sẽ tập trung bảo vệ và nâng cao nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng yếu tố “xanh” với giá trị gia tăng dựa trên nền tảng bền vững; định hướng phát triển con người nhằm tối đa hóa phát triển xã hội và phát triển kinh tế theo hướng công bằng, dài hạn bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực, các ngành công nghiệp, dịch vụ mới để hiện đại hóa cơ cấu kinh tế…

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thực hiện đánh giá các định hướng phát triển thông qua việc cho điểm từng tiêu chí; trình bày về quy trình đánh giá thông tin dự án để được xem xét đưa vào các dự án ưu tiên đầu tư… Nhiều ý kiến cho rằng, có sự mâu thuẫn trong kịch bản phát triển theo quy hoạch hiện tại đến năm 2030. Đơn cử như việc duy trì diện tích trồng lúa mâu thuẫn với việc mở rộng nông nghiệp giá trị cao (hoa quả, rau màu, nuôi trồng thủy sản…); việc đặt chỉ tiêu công nghiệp hóa quá cao không xét đến lợi thế so sánh của vùng; đề xuất mở rộng điện than mâu thuẫn với các mục tiêu về môi trường, khí hậu… Đây là những nút thắt cần phải được nhanh chóng tháo gỡ trong các kịch bản phát triển ĐBSCL trong thời gian tới. Ngoài ra, để đánh giá ưu, nhược điểm của từng định hướng phát triển thay thế cần phát triển các mục tiêu tổng quát thành các mục tiêu cụ thể để hiểu rõ hơn các tác động tiềm tàng và sớm đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời…

Tin, ảnh: MỸ THANH

Nguồn: baocantho.com.vn

 

 

 

Tin Mới