spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủThông tin Đồng bằngThu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn khởi...

Thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn khởi sắc

Là vùng đồng bằng giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, lao động đang trong thời kỳ dân số vàng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.

0:00/ 4:44
Nữ miền Nam

Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL được cải thiện là điều kiện để vùng này thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư. Ảnh Quốc Tuấn

Thời điểm thích hợp để đầu tư

Nếu như trước đây nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian cho việc di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về miền Tây thì nay đường về miền Tây đã thông thoáng hơn, qua sông không phải lụy phà. Tại Cần Thơ còn có sân bay quốc tế đạt tiêu chuẩn cấp 4E, sẵn sàng kết nối với các cảng hàng không trên thế giới.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây đã thông xe đến cầu Mỹ Thuận và sau 1 – 2 năm nữa khi tuyến cao tốc này sẽ về đến Cần Thơ, khi đó việc đi lại giữa 2 thành phố lớn này không còn là “nút thắt” mà truyền thông đã phản ánh suốt hơn một thập kỷ qua. Giao thông từng bước được đầu tư kết nối thông suốt liên vùng và kết nối vùng với các tỉnh, thành trên cả nước sẽ là điều kiện “tiên quyết” thu hút đầu từ vào vùng ĐBSCL.

Ông Noboru Kondo – Chủ tịch Tập đoàn Brain Works (Nhật Bản) chia sẻ, mặc dù Tập đoàn của ông đã đầu tư vào Việt Nam từ rất lâu nhưng chỉ mới biết đến Cần Thơ khoảng 5 năm nay thông qua một người bạn quê ở miền Tây.

“Đối với nhà đầu tư Nhật Bản thì vài năm trước đây hầu như ít ai biết đến các tỉnh vùng ĐBSCL, thông thường họ chỉ quanh quẩn TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, xa hơn nữa là đến tỉnh Long An, Tiền Giang. Nguyên nhân là do thông tin về vùng ĐBSCL quá ít, đường sá đi lại khó khăn nên rất ít doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào vùng này. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã thay đổi, hạ tầng giao thông của vùng từng bước được cải thiện, đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào vùng này”, ông Noboru Kondo nhận định.

Bên cạnh hạ tầng giao thông được nâng cấp mở rộng, các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã quy hoạch và mời gọi đầu tư hạ tầng hàng chục khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn để cho nhà đầu tư thuê xây dựng nhà xưởng sản xuất. Điển hình như tỉnh Hậu Giang đưa vào quy hoạch hàng chục KCN với diện tích lên đến hàng ngàn ha. TP. Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư hạ tầng 2 KCN với diện tích lên đến 1.400ha, tỉnh Vĩnh Long đang đầu tư hạ tầng KCN Đông Bình quy mô 400ha…

Theo quy hoạch của Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 vùng ĐBSCL sẽ được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để xây dựng các dự án giao thông quan trọng như: cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ -Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cầu Cần Thơ 2, Trung tâm chế biến nông sản, logistics… Đây chính là điều kiện tiên quyết để vùng này “hút” mạnh vốn đầu tư, nhất là vốn FDI.

Đột phá từ các dự án năng lượng

Theo Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, cả vùng ĐBSCL đã thu hút được 252 dự án FDI đầu tư mới, tăng vốn, góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 5,642 tỷ USD. Lũy kế tính đến cuối năm 2021, vùng ĐBSCL có 1.839 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 30 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% so với tổng vốn FDI đăng ký trên toàn quốc.

Trong năm 2021, vùng ĐBSCL có đến 2 địa phương lọt tóp 5 địa phương thu hút FDI dẫn đầu cả nước. Đáng chú ý là dự án góp phần đưa cả 2 địa phương này lên tóp dẫn đầu thu hút FDI đều là các dự án về năng lượng.

Cụ thể, đó là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.

Nét mới thứ nhất trong thu hút vốn FDI tại khu vực ĐBSCL năm 2021 là làn sóng lan tỏa vốn FDI từ TP. Hồ Chí Minh bắt đầu “đổ bộ” vào các tỉnh, thành miền Tây như Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau…

Nét mới thứ hai trong thu hút FDI khu vực ĐBSCL là nếu như trước đây các dự án đầu tư thường tập trung vào công nghiệp chế biến thì nay nguồn vốn đang chảy mạnh vào lĩnh vực năng lượng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ, có 8 lý do mà các nhà đầu tư nên đầu tư tại vùng ĐBSCL. Đó là môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, có vùng nguyên liệu phong phú, có lực lượng lao động dồi dào chi phí thấp, thị trường tiêu thụ tại chỗ rất hấp dẫn, đất sạch dành cho nhà đầu tư còn rất lớn với chi phí thuê thấp, dư địa cho nhiều lĩnh vực đầu tư mới như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ICT, logistics, điện gió, điện mặt trời, BĐS du lịch, và công trình kỹ thuật công nghệ cao ứng phó với biến đổi khi hậu.

Với tiềm năng dồi dào, đa dạng và các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ, khu vực ĐBSCL chính là vùng “đất lành” sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo Phú Khởi/nhadautu.vn

Tin Mới