Trong khuôn khổ chuyến công tác Xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương tại Thụy sĩ và Vương Quốc Anh do đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ làm trưởng đoàn, ngày 6-6, tại Vương Quốc Anh, Đoàn đã có chương trình làm việc với Hội đồng Anh – British Council tại Luân Đôn và Viện Grantham (Trường Imperial College London), nhằm trao đổi cũng như mời gọi sự hỗ trợ hợp tác trong các lĩnh vực, đặc việt trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đoàn làm việc tại Hội đồng Anh tại Luân Đôn. Ảnh: CTV
Tại Hội đồng Anh, bà Sam Harvey, Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á; bà Monomita Nag-Chowdhury, Giám đốc toàn cầu Chương trình kết nối vì khí hậu; cô Isobel Cecil, Giám đốc toàn cầu Chương trình kỹ năng khí hậu Hội đồng Anh, tiếp Đoàn.
Đồng chí Phạm Văn Hiểu thay mặt lãnh đạo TP Cần Thơ gửi lời cảm ơn, lời chào trân trọng đến lãnh đạo và đại diện các thành viên của Hội đồng Anh tại Luân Đôn (Vương Quốc Anh) đã dành thời gian đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác TP Cần Thơ nhân chuyến công tác của Đoàn tại Vương quốc Anh. Đồng chí nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh thời gian qua không ngừng phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, những năm gần đây, các hoạt động hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về các giải pháp toàn cầu như giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn rừng, phát triển các thành phố thông minh, bảo vệ cảnh quan bền vững… luôn được Chính phủ hai nước chú trọng.
Hội đồng Anh là tổ chức hợp tác văn hóa giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh được thành lập năm 1934, hiện có văn phòng ở hơn 100 nước và có mặt tại Việt Nam từ năm 1993. Sau hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Hội đồng Anh xây dựng mối quan hệ uy tín với các Bộ, ban ngành với chuỗi dự án nghiên cứu khoa học; hợp tác, giao lưu văn hóa – giáo dục – nghệ thuật, đóng góp sâu sắc vào sự phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Đặc biệt, các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Hội đồng Anh triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân, nhất là giới trẻ, góp phần đáng kể trong việc thực hiện cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Việt Nam đã tuyên bố tại COP26.
Tại Cần Thơ, Hội đồng Anh cũng đang triển khai dự án “Kỹ năng về khí hậu – hạt giống cho chuyển đổi xanh”, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thích ứng cho đối tượng những người trẻ dễ bị tổn thương do những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu.
Đoàn chụp hình lưu niệm với lãnh đạo và đại diện các thành viên của Hội đồng Anh tại Luân Đôn. Ảnh: CTV
ĐBSCL được các nhà khoa học đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Thực tế diễn biến thời tiết những năm gần đây cho thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, ngập úng trở lên nghiêm trọng hơn, đe dọa sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của vùng. TP Cần Thơ, cũng phải đang đối mặt với mối nguy hại đó. Nhận diện các rủi ro thiên tai ngày càng nghiêm trọng, chính quyền thành phố đã triển khai “Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn đến năm 2050”, đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, như đầu tư các công trình, dự án nâng cấp đô thị nhằm chủ động kiểm soát ngập cho vùng nội ô; tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn để chủ động các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu…
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng với những hạn chế nhất định về nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà thành phố luôn hướng tới. Vì thế, đồng chí Phạm Văn Hiểu mong Hội đồng Anh triển khai nhiều hơn nữa các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Cần Thơ như hỗ trợ đối tượng yếu thế nâng cao năng lực ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu; hỗ trợ các bạn học sinh/sinh viên và giới trẻ nói chung thực hiện các dự án nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu, các dự án khởi nghiệp của thanh niên theo hướng thân thiện với môi trường; phối hợp cùng thành phố tổ chức và nâng cao hiệu quả các phong trào hạn chế sử dụng và nâng cao khả năng xử lý, tái chế rác thải nhựa, thúc đẩy chuyển đổi xanh và giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giới trẻ… Đồng thời mong Hội đồng Anh sẽ trao đổi, tác động đến các đơn vị, tổ chức trực thuộc Chính phủ Anh triển khai các dự án hợp tác trong phát triển kinh tế xanh, đặc biệt là quản lý nguồn nước và phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển và chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch, cải tạo phục hồi hệ thống kênh rạch tại TP Cần Thơ.
Bên cạnh hợp tác lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, với thế mạnh trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là dạy tiếng Anh và nghệ thuật, tại buổi làm việc, đại diện Đoàn gởi lời đến Hội đồng Anh xem xét hỗ trợ cử các tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên, sinh viên và học sinh tại các trường học, mở các khóa đào tạo tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố; phối hợp thực hiện các chương trình trao đổi giáo viên và học sinh giữa các trường Đại học, trung học phổ thông ở Cần Thơ với các Trường tại Anh; phối hợp thực hiện các chương trình giao lưu văn hóa – nghệ thuật Việt Nam và Anh tại Cần Thơ, nhằm giới thiệu và tạo điều kiện để người dân Cần Thơ hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc của đất nước Anh và ngược lại.
“Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, chúng tôi mong muốn Hội đồng Anh hỗ trợ không chỉ đào tạo kỹ năng thích nghi với biến đổi khí hậu cho các bạn trẻ của Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng, mà còn hướng tới đào tạo cho các bạn trẻ sinh sống ven hai bờ sông Mekong” – đồng chí Phạm Văn Hiểu, nhấn mạnh.
Tại Viện Grantham (Trường Imperial College London), Giáo sư, Tiến sĩ Ralf Toumi, Giám đốc Viện Grantham đón tiếp và làm việc với Đoàn. Viện Grantham là một trong bảy viện nghiên cứu toàn cầu tại Trường Đại học Hoàng gia London, là nơi tập hợp nhiều nhà khoa học có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Trao đổi tại cuộc gặp, đồng chí Phạm Văn Hiểu hy vọng, qua buổi làm việc này, Viện Grantham sẽ xem xét bổ sung TP Cần Thơ trong danh sách các địa phương mà Viện sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, nhất là việc phối hợp thực hiện các hoạt động như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp về giảm phát khí thải nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo. Về phía Cần Thơ, sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi với Viện triển khai các chương trình nghiên cứu sâu, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu mà thành phố có, để góp phần cùng các nhà khoa học nâng cao sự hiểu biết về vấn đề biến đổi khí hậu một cách sâu sắc ở góc độ toàn cầu, hỗ trợ tầm nhìn và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai. Đồng thời, rất vui chào đón Giáo sư và các cộng sự đến TP Cần Thơ nhằm hỗ trợ thành phố trong việc rà soát, cập nhật để có một kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu thực sự hiệu quả hơn nữa.
Đánh giá cao những nỗ lực trong hoạt động hợp tác quốc tế mà Chính quyền TP Cần Thơ đã và đang thực hiện, nhất là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo sư, Tiến sĩ Professor Ralf Toumi cam kết sẽ xem xét về những lĩnh vực hợp tác ưu tiên thời gian tới dành cho TP Cần Thơ; đồng thời sẽ sắp xếp thời gian thích hợp để thực hiện chuyến công tác tại Việt Nam và TP Cần Thơ.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn cũng đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ và Vương Quốc Anh. Đại diện hai Đại sứ quán cũng cam kết sẽ hỗ trợ tích cực cho TP Cần Thơ trong hoạt động giao thương cũng như thực hiện các hoạt động kết nối các nhà đầu tư, đối tác với TP Cần Thơ.
NAM HƯƠNG