spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngThúc đẩy nâng chất hoạt động khu vực kinh tế hợp tác

Thúc đẩy nâng chất hoạt động khu vực kinh tế hợp tác

Ðể nâng chất hoạt động cho các hợp tác xã (HTX) trong tình hình mới, các ngành chức năng TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế hợp tác, liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản… Cùng đó, nhiều HTX đã linh hoạt, bắt nhịp xu thế thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy các mô hình kinh tế hợp tác, HTX phát triển cả lượng và chất.

Hoạt động chế biến thủy sản tại Cơ sở sản xuất của HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm.

Hoạt động chế biến thủy sản tại Cơ sở sản xuất của HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm.

Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Ðể nâng chất hoạt động cho khu vực kinh tế hợp tác, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX; huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp về vốn, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ tham gia “Ðề án xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam”; hỗ trợ cho các HTX tham gia các chương trình kết nối thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài thành phố. Ðến nay, thành phố có nhiều HTX “ăn nên làm ra”, điển hình có HTX Khiết Tâm, ở huyện Vĩnh Thạnh và HTX nông nghiệp Ðại Lợi ở huyện Thới Lai, vừa sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn (có diện tích canh tác từ 600-1.000ha), vừa cung cấp các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp để phục vụ thành viên; đồng thời, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị.

Ở lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, tiêu biểu có HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm ở quận Ninh Kiều, chuyên sản xuất và chế biến sản phẩm thủy sản, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, ở huyện Vĩnh Thạnh liên kết với doanh nghiệp theo hình thức đầu tư – bao tiêu sản phẩm, giúp người nuôi cá tra vừa an tâm đầu ra, vừa có lợi nhuận, cho dù thị trường có biến động. Ở lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, nổi bật có HTX Trường Trung A, huyện Phong Ðiền chuyên trồng ổi ruột hồng, chanh không hạt, sầu riêng… theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp xây dựng thương hiệu, từng bước xây dựng mối liên kết bền vững với doanh nghiệp.

Ðể tăng giá trị và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, hỗ trợ cho 54 thành viên HTX trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn an toàn. Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, cho biết: Ban đầu thành lập HTX Trường Trung A chỉ có 10 thành viên, cùng nhau cải tạo vườn, trồng ổi ruột hồng với diện tích 10ha, đến nay diện tích đã tăng lên 28ha tại huyện Phong Ðiền và mở rộng sang các huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ. Hiện, sản phẩm của HTX cũng ngày càng đa dạng, ngoài ổi ruột hồng còn có chanh không hạt, sầu riêng và một số loại trái cây khác theo mùa vụ. Trong đó, ổi ruột hồng đã được ký hợp đồng bao tiêu với Công ty CP Vườn trái Cửu Long, với giá ổn định 5 năm, bảo đảm có lời cho người trồng. Ước tính, với diện tích 1ha chuyên canh cây ổi ruột hồng (có độ tuổi từ 2 năm trở lên), năng suất thu hoạch từ 96 tấn/năm, nông dân sẽ đạt doanh thu hơn 430 triệu đồng/năm.

Theo ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, để ổi ruột hồng đạt đúng tiêu chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp, HTX đã hướng dẫn thành viên tuân thủ các quy trình canh tác an toàn cũng như việc bảo vệ môi trường, thu hoạch đúng ngày, bảo quản, vận chuyển an toàn, giao hàng đúng quy định. Ðồng thời, HTX còn yêu cầu các hộ thành viên dự kiến sản lượng ổi thu hoạch hằng tháng và dự báo sản lượng cho cả năm để cung cấp cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, HTX Trường Trung A còn tranh thủ các chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp cũng như chính sách tín dụng của nhà nước để hỗ trợ cho các thành viên; cung cấp cây giống các loại, trong đó có trợ giá 1.600 cây sầu riêng theo quy hoạch vùng chuyên canh của huyện Phong Ðiền; đồng thời, tổ chức các dịch vụ tiêu thụ trái cây, hỗ trợ thành viên và nông dân trồng đa dạng các loại cây con để tạo thêm sinh kế và thu nhập trên cùng diện tích đang canh tác.

Với mục tiêu là phân phối sản phẩm thủy sản chế biến an toàn và được kiểm chứng bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc trực tuyến đến tay người tiêu dùng, HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, đã tổ chức quy trình sản xuất khép kín, từ việc trực tiếp hướng dẫn thành viên nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, đến tổ chức sơ chế, chế biến, bảo quản, gia công các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Hiện, HTX Nhất Tâm có năng lực cung cấp ra thị trường hơn 30 loại sản phẩm thủy sản sơ chế và chế biến, nổi bật có cá thát lát rút xương, cá sặc rằn tươi làm sạch, cua đồng xay, chả sò điệp, chả cá ba sa… Hầu hết các sản phẩm này đều được phân phối qua hệ thống siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, LOTTE Mart, Bách hóa Xanh, các nhà hàng, bếp ăn tập thể và xuất khẩu, với tổng sản lượng trên 1.600 tấn/năm, mang lại doanh thu trên 120 tỉ đồng/năm cho HTX, đảm bảo tiêu thụ đầu ra thủy sản cho 11 hộ nông dân có hợp đồng liên kết với HTX; tạo việc làm cho hơn 130 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng.

Tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong thời hội nhập, nhiều HTX bắt tay hợp tác với nhà nông ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến thủy sản, trái cây theo hướng an toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Ðồng thời, kết hợp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, để tăng giá trị thương hiệu sản phẩm nông sản, hàng hóa trên thị trường.

Song, muốn phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản chủ lực theo chiều sâu, các ngành chức năng TP Cần Thơ và các địa phương cần hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách của Trung ương về việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; phát triển chuỗi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản với sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Ðồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm hàng hóa, nông sản. Vận động các doanh nghiệp, chủ trang trại bắt tay liên kết, hỗ trợ các HTX, nông dân sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương… Từ đó, thúc đẩy các mô hình HTX, kinh tế hợp tác phát triển cả lượng và chất, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới