spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngThúc đẩy thương mại, đầu tư quốc tế tại Đồng bằng sông...

Thúc đẩy thương mại, đầu tư quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 30/11, tại Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP Cần Thơ và Quỹ Hanns Seidel (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị ‘Các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam’.

Tham dự hội nghị có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Đây được xem là diễn đàn để đại diện các Bộ, ngành trung ương, địa phương và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL và các đối tác nước ngoài cùng trao đổi, thảo luận về những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất tại khu vực ĐBSCL, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của các địa phương, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong việc nắm bắt, tận dụng các cơ hội từ những xu thế mới của thương mại và đầu tư quốc tế cũng như nâng cao hiệu quả triển khai các cam kết kinh tế, nhất là các cam kết thương mại tự do (FTA) của Việt Nam.

Hội nghị gồm 3 phiên thảo luận chính về một số xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế và tác động đối với Việt Nam; thực tiễn triển khai hội nhập kinh tế và bài học kinh nghiệm đối với địa phương, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL; giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực ĐBSCL.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – chia sẻ một số nhận định, đánh giá về các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó nhấn mạnh xu thế thúc đẩy thương mại gắn với phát triển bền vững, bao trùm và kinh tế số, cũng như quá trình tái cơ cấu và dịch chuyển chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Điều này đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với kinh tế Việt Nam.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông John Rockhold – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ và ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch Quỹ đầu tư FPT cho rằng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới như tại Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có xu thế điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tái định hình đầu tư theo hướng chú trọng các xu thế về đầu tư xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đầu tư vào khí hậu, y tế, cơ cở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững… nhằm thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam đang tập trung ưu tiên hoặc có thế mạnh.

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian đánh giá về thực tiễn triển khai hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong việc thực thi các FTA, thực tiễn hợp tác kinh doanh và đầu tư của các đối tác nước ngoài, cũng như các bài học kinh nghiệm đối với địa phương và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL. Các diễn giả cũng đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp nhằm thu hút đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh cho địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm khu vực ĐBSCL thông qua chuyển đổi số, triển khai thương mại điện tử đa kênh, hỗ trợ của chính phủ đối với nông nghiệp bền vững thích ứng với khí hậu, lựa chọn nguồn vốn đầu tư phù hợp, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Hà Vy

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/

Tin Mới