spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngTiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp

Tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp

Sau 1 năm chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với tinh thần vượt khó, cộng đồng doanh nghiệp TP Cần Thơ đã nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường tìm kiếm khách hàng và đối tác kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng từng bước tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm…

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Hùng Phúc.

Nối nhịp cầu thông tin

Theo ông Trần Quốc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Tài, thời gian qua, công ty tập trung vào các sản phẩm gạo đóng túi nhỏ có giá trị gia tăng cao để đưa vào hệ thống siêu thị ở nước ngoài. Hiện nay, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang Philippines, Trung Ðông, châu Phi, châu Âu với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Dù lượng gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chỉ từ 1-2% so với tổng sản lượng xuất khẩu hằng năm song đây là thị trường có nhiều cơ hội để phát triển các sản phẩm gạo chất lượng cao, tận dụng được ưu đãi thuế suất từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Do đó, công ty cũng mong muốn các sở, ngành thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiềm năng này, nhằm tạo ra giá trị lớn hơn cho ngành hàng gạo xuất khẩu.

Doanh nghiệp TP Cần Thơ vẫn còn nhiều điểm yếu với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, qua khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp TP Cần Thơ vẫn chưa quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh nên hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Hiệp hội cũng đề xuất Sở Công Thương thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy hoạch mới và và loại bỏ kịp thời các cơ chế, chính sách, các quy hoạch không còn hiệu lực của ngành Công Thương trên website của sở nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin. Theo bà Thuận, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do và mở cửa nền kinh tế rất rộng nhưng làm thế nào để doanh nghiệp Cần Thơ có thể tiếp cận, tận dụng những ưu thế của các hiệp định thương mại tự do và nâng cao hiệu quả hoạt động là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Ngành Nông nghiệp đóng vai trò cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu nên có mối quan hệ không thể tách rời với ngành Công Thương. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp dự báo năm 2021 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Sở Công Thương hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, cần quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Ðơn cử như lĩnh vực nông nghiệp cung ứng đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến, sau đó tận dụng phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến để làm đầu vào cho ngành khác. Ví dụ như da cá tra dùng làm snack, chế collagen, gan cá tra nghiên cứu làm pate gan. Giải pháp đã có nhưng vấn đề còn lại là công nghệ, kêu gọi nhà đầu tư rất cần Sở Công Thương hỗ trợ thực hiện. Ðặc biệt ngành Nông nghiệp rất cần ngành Công Thương hỗ trợ thông tin kịp thời về các rào cản kỹ thuật. Bởi lẽ, các hiệp định thương mại tự do mở ra cánh cửa này nhưng cũng đóng lại cánh cửa khác; ngành Nông nghiệp nếu không nắm bắt thông tin để điều hành sản xuất sẽ có khả năng vướng hàng rào kỹ thuật và làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Năng động chuyển đổi số

Chuyển đổi số được xem là “từ khóa” nổi bật, thu hút sự quan tâm của các sở, ngành trong giai đoạn phát triển mới. Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ, chia sẻ: Năm qua, hoạt động nội thương của thành phố chịu ảnh hưởng rất nhiều do dịch COVID-19, song Cần Thơ vẫn là một trong những địa phương nổi lên ở mảng bán lẻ nhờ vào sự năng động chuyển đổi số, duy trì các hoạt động kết nối cung cầu. Do đó, vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số rất cần sự quan tâm của các sở, ngành thành phố để có những giải pháp tốt hơn. Ðây cũng là một nội dung trọng tâm trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra và cần có với giải pháp để làm thế nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ ý tưởng đến việc thực thi chuyển đổi số tốt hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông Tùng, bước sang năm mới 2021, doanh nghiệp đặc biệt kỳ vọng vào các hoạt động cải cách, đổi mới thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của thành phố. Trong đó, yêu cầu cải cách thể chế là quan trọng nhất, cải cách thể chế tốt, doanh nghiệp sẽ có những giải pháp tốt hơn để phát triển.

Cần Thơ còn thiếu doanh nghiệp quy mô lớn, mang tính chất dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, muốn có doanh nghiệp dẫn đầu dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp đi theo, 3 ngành Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ngồi lại với nhau và cùng tập trung nguồn lực cho một vài doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có tiềm năng, hỗ trợ về chuyển đổi sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm…, thay vì dàn trải nguồn lực cho nhiều đơn vị song hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, để thúc đẩy chuyển đổi số, Sở Khoa học và Công nghệ đang hỗ trợ Sở Công Thương xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của 9 quận, huyện và thực hiện thương mại điện tử trên cổng này. Phấn đấu đến cuối năm 2021 có thể thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua Cổng thông tin điện tử của các quận, huyện.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, chia sẻ: Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương của thành phố phần nào bị hạn chế và phải chuyển sang tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Ðể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, trong năm 2021, Sở Công Thương sẽ triển khai ứng dụng (app) thương mại điện tử hỗ trợ miễn phí cho 500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ðồng thời, xây dựng Ðề án triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử; phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cấp chất lượng quản lý và tính năng hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử TP Cần Thơ. Cũng theo ông Toại, Sở Công Thương cũng đang tham mưu cho UBND thành phố quy hoạch lại Trung tâm logistics hạng 2 tiểu vùng ÐBSCL tại cảng Cái Cui và chuyển thành Trung tâm logistics hạng 1 với diện tích 242ha và kết hợp với vấn đề kêu gọi nhà đầu tư nạo vét, mở rộng luồng cửa Ðịnh An để khơi thông luồng ra biển, đưa tàu trên 50.000 tấn ra vào không bị ảnh hưởng của thủy triều. Nếu Trung tâm logistics tại TP Cần Thơ phát triển sẽ tạo điều kiện giải quyết đầu ra nông sản, cho hàng hóa xuất khẩu của ÐBSCL.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới