spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủTin mớiTiêu thụ nông sản miền Tây Nam bộ khởi sắc sau ‘nới...

Tiêu thụ nông sản miền Tây Nam bộ khởi sắc sau ‘nới lỏng’ di chuyển

Sau khi các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TPHCM thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, việc đi lại thu mua nông sản, vận chuyển hàng hoá xuất khẩu cũng thuận lợi hơn. Điều này đã giúp việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản có chuyển biến tích cực.

Từ sau ngày 1-10, song song với việc nới lỏng giãn cách xã hội, đa số các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện đi lại mua bán cho người dân, doanh nghiệp.

Việc các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy được hết vai trò, kể cả việc tổ chức thu mua hàng nông sản. Ảnh minh họa: Bích Loan

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Văn Vẹn, tài xế xe luồng xanh của Công ty TNHH Sang Thùy (TP Cần Thơ) – đơn vị thường xuyên vận chuyển hàng hoá từ TP Cần Thơ đi TPHCM – xác nhận, việc di chuyển hiện nay đã thông thoáng hơn rất nhiều so với trước khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. “Trước đây, họ yêu cầu giấy tờ rắc rối lắm, nhưng giờ chỉ cần có giấy test âm tính còn hiệu lực là cho qua chốt ”, ông Vẹn nói.

Theo ông Lê Thanh Duy, một thương lái mua lúa, ngụ ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hiện việc đi lại của thương lái thu mua nông sản đã được nới lỏng rất nhiều, giờ chỉ cần có giấy đi đường do doanh nghiệp nơi thương lái bán gạo cấp và có giấy test âm tính là được “thông chốt”. Riêng khi vào địa bàn tỉnh Kiên Giang, thì địa phương này bắt phải test lại (miễn phí), chứ không chấp nhận giấy test của nơi khác cấp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho rằng việc bỏ yêu cầu phải cách ly 14 ngày khi thương lái di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác đã giúp tháo gỡ được nút thắt trong khâu thu gom nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng cho nông dân vùng ĐBSCL.

Theo ông, đối với vận chuyển hàng hoá xuất khẩu từ ĐBSCL lên TPHCM cũng đã thuận tiện hơn trước rất nhiều. “Vận chuyển hàng hoá lên TPHCM đi xuất khẩu đã bình thường, toàn bộ xe, sà lan có luồng xanh đều đi được”, ông nói và cho rằng việc mở luồng xanh hiện nay cũng chỉ mất 5-10 phút là được duyệt.

Ông Thành cho biết thêm, một số cảng ở TPHCM nếu trước đó phải đóng cửa, không nhận hàng xuất khẩu vì dịch bệnh, thiếu công nhân lao động do phải phải thực hiện giãn cách, thì hiện nay cũng đã khôi phục hoạt động trở lại. “Nhưng, cái khó là giá thuê container chưa giảm, cước vận chuyển tăng cao khiến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh so với đối thủ”, ông nói.

Sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, việc tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo cũng đã khởi sắc hơn, khách hàng quốc tế đã quay trở lại. “Kế đến nữa, nhu cầu đi làm lại của công nhân cũng khá, trong khi các doanh nghiệp đã mở cửa thu mua trở lại. Từ đó, giúp giá lúa trong dân cũng tăng trở lại 700-800 đồng/kg, thậm chí 1.000 đồng/kg trong vòng hai tuần nay”, ông Thành cho biết và dự báo vụ lúa thu đông 2021 bắt đầu thu hoạch cũng sẽ thuận lợi hơn.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cũng xác nhận tình hình đi lại thu mua nông sản đã thuận lợi hơn rất nhiều sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, bà Vy có đề xuất đối với việc di chuyển của cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp, cần thiết phải có cơ chế riêng biệt để lực lượng này đi lại thuận tiện hơn, không bị cách ly khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine và có giấy test âm tính Covid. “Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường, phát huy năng lực cạnh tranh hơn”, bà nói.

Theo bà Vy, mùa cao điểm xuất khẩu đối với các mặt hàng trái cây là từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022, cho nên, việc các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội cũng như việc Chính phủ sớm có quyết sách mới về thông thương, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy được hết vai trò của họ, kể cả việc tổ chức thu mua hàng nông sản từ các vùng cũng sẽ thuận lợi hơn.

Trung Chánh

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin Mới