spot_img
spot_img
spot_img

Trợ lực cho nông sản Việt

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng nông sản gặp khó đầu ra, nhà vườn đã rơi vào cảnh điêu đứng. Chung tay hỗ trợ nông dân, một số hệ thống bán lẻ đã nỗ lực kích cầu tiêu thụ nông sản cho bà con và cũng là để người tiêu dùng có được sản phẩm ngon, chất lượng, giá tốt.

Khách hàng mua vải thiều Lục Ngạn tại siêu thị Big C Cần Thơ.

Suốt trong những tháng qua, do tác động của dịch COVID-19, hệ thống siêu thị Big C & GO!- một thành viên của Tập đoàn Central Retail đã liên tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân với các chương trình bán hàng. Theo đó, tháng 2, Big C & GO!, triển khai chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long”, áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu với mức tiêu thụ khoảng 40 tấn trái cây mỗi loại/ngày. Mới đây, ngày 6-6, trong khuôn khổ của Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2020, đoàn gồm 5 xe container 20 feet chở vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất hành đến hệ thống Siêu thị Big C & GO! tại khu vực miền Nam, miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Đây là hoạt động mở màn cho các chương trình quảng bá nhằm giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ trái vải thiều năm 2020 trên toàn bộ hệ thống siêu thị Big C & GO! và LanChi Mart thuộc Tập đoàn Central Retail.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, mấy tháng qua, đội ngũ mua hàng của doanh nghiệp đã đến thăm vườn vải của các hộ nông dân và hợp tác xã tại huyện Lục Ngạn để cùng lên kế hoạch thu mua và phân phối. Sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP 4 sao, có đầy đủ chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn, có tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP… Ước tính, mùa vải năm 2020, hệ thống Big C & GO! trên toàn quốc sẽ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải Lục Ngạn, gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ năm ngoái. Để đạt được mục tiêu trên, Central Retail dành những vị trí đẹp nhất trong siêu thị, đồng thời áp dụng hàng loạt chương trình kích cầu mua với các chương trình khuyến mãi, giới thiệu tới khách hàng một số món ăn và thức uống chế biến từ trái vải: chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, bánh flan vải, nước trái vải, vải chiên xù và bánh rán mặn nhân vải… Ngoài ra, Central Retail tiếp tục xuất khẩu trái vải thiều Lục Ngạn sang Thái Lan. Sản phẩm sẽ được trưng bày lên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group) để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Sau 2 năm xuất khẩu sang Thái Lan và Singapore, năm 2020, Công ty MM Mega Market Việt Nam sẽ nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu và đặt mục tiêu tăng sản lượng gấp 5 lần. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất sang 2 thị trường trên gồm: khoai lang, ớt chuông, củ dền Đà Lạt, thanh long…Trong kế hoạch mở rộng thị trường và đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản, MM Mega Market cho biết, đang tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới tại nhiều địa phương. Theo đó, đơn vị đã thành lập bộ phận kinh doanh xuất khẩu, cùng phối hợp với bộ phận thu mua, quản lý chất lượng làm việc trực tiếp với nông dân để đảm bảo chất lượng nguồn hàng. Song song với chiến lược mở rộng thị trường, MM Mega Market đã và đang đẩy mạnh  tiêu thụ nông sản Việt tại 20 siêu thị trên toàn quốc.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) không ngừng góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt. Tại sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển (tháng 7-2019), Saigon Co.op vừa thiết lập một kỷ lục về giá cho 6 loại nông sản Việt. Theo đó, 6 trái mãng cầu ta Chi Lăng đã được khách mua với giá 100 triệu đồng, 6 trái xoài cát giá 100 triệu đồng, một bó nhãn lồng cổ Hưng Yên giá 100 triệu đồng, 2 trái bưởi da xanh giá 120 triệu đồng, 6 trái thanh long giá 100 triệu đồng và một chùm 8 trái bưởi đường lá cam cũng được khách sẵn sàng chi trả 130 triệu đồng. Những vị khách trả giá cao nhất để sở hữu các nông sản này cho biết, việc quyết tâm trả giá thật cao các sản vật thứ nhất là số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích từ thiện, thứ hai là có thể góp phần vào việc tôn vinh những sản vật Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op luôn trăn trở vấn đề đầu ra của các sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh việc nỗ lực liên kết bao tiêu đầu ra và đi đầu trong việc giải cứu nông sản khi “được mùa, mất giá và được giá, mất mùa”, Saigon Co.op cũng kiên trì bằng nhiều cách đi đầu trong việc nâng cao giá trị nông sản.

Mùa vải thiều năm nay, Saigon Co.op dự kiến tiêu thụ lượng vải thiều tăng hơn 20% so với mùa vụ năm ngoái. Vải thiều được thu hoạch trực tiếp từ vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang); Thanh Hà (Hải Dương) và đều đạt chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận trái cây an toàn. Điểm mới của mùa vụ năm nay là Saigon Co.op thực hiện chương trình “ủng hộ nông sản Việt” bằng việc đưa một số mặt hàng nông sản Việt, trong đó có vải thiều, gạo ST Xuân Hồng kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Khách hàng có thể dễ dàng đặt mua với giá ưu đãi ngay trên ví điện tử MoMo, sau đó sẽ được siêu thị giao hàng tận nơi. Saigon Co.op cho biết, chỉ sau 8 giờ ra mắt, trên ví điện tử MoMo đã có hàng trăm giao dịch đặt hàng thành công với hơn 8 tấn trái vải, 200kg gạo ST Xuân Hồng. Đây được xem là một kỷ lục mới của giao dịch bán lẻ kết hợp nền tảng công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt với mặt hàng trái vải. Không dừng lại ở sản phẩm vải thiều tươi, Saigon Co.op cũng tiêu thụ sản phẩm trái vải tươi đóng hộp có thể bảo quản và sử dụng trong khoảng thời gian dài, với giá trung bình khoảng 40.000 đồng/1hộp.

Qua những hoạt động của nhà phân phối cũng như hỗ trợ của người tiêu dùng có thể thấy, thị trường tiêu thụ nội địa là rất lớn. Người tiêu dùng luôn ủng hộ và ưu tiên sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng đòi hỏi hàng hóa phải đảm bảo an toàn, chất lượng, cùng đó là cần phải có hệ thống phân phối uy tín để chắc rằng sản phẩm mình đang sử dụng là hàng đúng nguồn gốc và được “bảo hành” về chất lượng.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Nguồn: baocantho.com.vn

 

Tin Mới