spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủThông tin Đồng bằngTúi nước khổng lồ ở Tứ giác Long Xuyên

Túi nước khổng lồ ở Tứ giác Long Xuyên

Nhờ khối nước khổng lồ tạm trữ trong Tứ giác Long Xuyên nên khi dòng sông đến vùng dưới như Cần Thơ, Vĩnh Long lại càng trở nên hiền hòa hơn.

Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên gần 600.000 ha là vùng trọng điểm sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên gần 600.000 ha là vùng trọng điểm sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tạo không gian hấp thu và tạm trữ lũ

Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên gần 600.000ha, là vùng trọng điểm sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Hiện Tứ giác Long Xuyên đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng sản lượng đạt gần 5 triệu tấn/năm.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết: Nhờ khối nước khổng lồ tạm trữ trong Tứ giác Long Xuyên nên khi dòng sông đến vùng dưới như Cần Thơ, Vĩnh Long lại càng trở nên hiền hòa hơn. Phía tả ngạn sông Tiền thì có một cánh đồng trũng nữa là Đồng Tháp Mười, rộng khoảng 700.000ha, ngập sâu 3 – 4m vào mùa nước lũ, sẽ hấp thu nước được khoảng 10 tỷ m3 nước, và sông Tiền về tới Cao Lãnh, Sa Đéc (Đồng Tháp) và tỉnh Vĩnh Long cũng hiền hòa.

Đến mùa khô, khi nước sông Mekong từ trên đổ về yếu đi thì nước từ ba “túi nước” này (Tonle Sap, Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười) chảy ra, góp cùng dòng sông Cửu Long cân bằng mặn-ngọt ở vùng ven biển.

Sản xuất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, trong thời gian qua, do nền nông nghiệp tập trung vào tối đa hóa sản lượng lúa, để canh tác được ba vụ lúa trong năm ở vùng ngập lũ sâu, hệ thống các ô đê bao khép kín, hơn 250.000ha, đã được xây dựng ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không cho nước vào.

Dòng sông Cửu Long bị mất không gian trong mùa nước nổi thì nước phải tìm không gian nơi khác, làm tăng ngập cho làng mạc, đô thị ở bên dưới. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ô đê bao đã làm tăng mực nước đỉnh lũ khoảng 13cm ở TP Cần Thơ và 8cm ở Mỹ Thuận (Vĩnh Long) vào năm 2011. Nước không vào tạm trữ được trong đồng sẽ thoát ra biển trong mùa nước, và đến mùa khô thì xâm nhập mặn sẽ càng sâu hơn vào các cửa sông. Từ đó gia tăng nhu cầu xây dựng công trình kiểm soát mặn.

Các công trình kiểm soát mặn cắt đứt liên lạc sông biển, làm cho sinh thái biển suy thoái, thủy sản biển suy giảm, còn bên trong thì sông ngòi tù đọng, không còn tôm cá, nước không còn sử dụng được cho sinh hoạt, gây gia tăng sử dụng nước ngầm, gia tăng tốc độ sụt lún đồng bằng.

Như vậy, chìa khóa trung tâm của vấn đề là cần cải cách nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm thâm canh ba vụ lúa, giảm đê bao khép kín. Phát triển sinh kế khác trong mùa lũ để tái tạo không gian hấp thu lũ, mang lại phù sa, phục hồi nguồn lợi thủy sản mùa lũ, thủy sản sông và cả thủy sản biển, phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún cho đồng bằng.

Vào mùa lũ, vùng Tứ giác Long Xuyên ngập tự nhiên sâu đến 3m. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vào mùa lũ, vùng Tứ giác Long Xuyên ngập tự nhiên sâu đến 3m. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cùng với Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên có chức năng điều tiết thủy văn quan trọng ở ĐBSCL. Vào mùa lũ, vùng Tứ giác Long Xuyên ngập tự nhiên sâu đến 3m, hấp thu một khối lượng lớn nước lũ, phù sa, tài nguyên thủy sản, giúp giảm ngập lụt cho các vùng phía hạ lưu. Đến mùa khô, nước lũ trong vùng trũng này bổ sung cho dòng chảy, giúp cân bằng ranh giới mặn – ngọt cho các tỉnh ven biển.

Thời gian qua, UBND hai tỉnh An Giang và Kiên Giang ký thỏa thuận hợp tác quản lý nước vùng Tứ giác Long Xuyên bao gồm tài nguyên nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn, cấp nước sản xuất nông nghiệp và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện thỏa thuận hợp tác.

Trên cơ sở này, hai tỉnh cùng nhau quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hài hòa và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt của nhân dân, các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển bền vững vùng Tứ giác Long Xuyên.

Hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng được đầu tư và vận hành tốt, điều tiết lũ, kiểm soát mặn đã mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nước tưới tiêu, giao thông thủy và dân sinh. Tính đến nay trong vùng Tứ giác Long Xuyên đã gieo trồng hơn 100.000ha lúa làm 3 vụ và trên 20.000ha trồng rau màu các loại.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết: Trong ngôn ngữ của người miền Tây trước đây không có từ “mùa lũ” mà chỉ có từ “mùa nước nổi” là vì người ta thấy nước dâng lên từ từ, một cách hiền hòa. Đó là vì ĐBSCL được thiên nhiên ban tặng cho ba túi hấp thu, điều hòa nước là hồ Tonle Sap (Biển Hồ) ở Campuchia, Tứ giác Long Xuyên, và Đồng Tháp Mười.

Vào mùa mưa, khi nước sông Mekong dâng cao, đổ về từ thượng nguồn, một phần dòng nước chảy xuôi về hạ lưu còn một phần rẽ phải chảy ngược vào dòng Tonle Sap dài 120km đổ vào hồ Tonle Sap.

Hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng được đầu tư và vận hành tốt, điều tiết lũ, kiểm soát mặn đã mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nước tưới tiêu, giao thông thủy và dân sinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng được đầu tư và vận hành tốt, điều tiết lũ, kiểm soát mặn đã mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nước tưới tiêu, giao thông thủy và dân sinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kích thước của hồ này trong mùa khô chỉ khoảng 2.500km2, thể tích khoảng 1tỷ m3, nhưng vào mùa mưa nó nở ra đến 12.000km2, chứa được 60 tỷ m3. Trong đó hơn hơn 50% là nước từ sông Mekong chảy vào, tức khoảng 30 tỷ m3. Nhờ hồ Tonle Sap hấp thu và tạm trữ bớt một khối lượng nước khổng lồ nên dòng sông Mekong trở nên hiền hòa hơn.

Sông Mekong vào Việt Nam bằng hai nhánh, sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc. Phía hữu ngạn sông Hậu có một cánh đồng trũng rộng lớn khoảng 600.000 ha gọi là Tứ giác Long Xuyên. Khi nước sông Mekong tràn đồng từ Campuchia sang và từ sông Hậu lên, cánh đồng ngập khoảng 2,5m. Khoảng hơn 9 tỷ m3 nước được tạm trữ trong cánh đồng này. Nước sông Mekong mang theo phù sa, trứng cá và cá con của sông Mekong.

Đề xuất xây hồ trữ nước ngọt tự nhiên

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Bình quân mỗi vụ lúa An Giang sản xuất từ 180.000 – 220.000ha trên tổng số 643 tiểu vùng, trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000ha.

Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề và đặc biệt mùa lũ ở ĐBSCL không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên nữa, nhưng An Giang không chủ quan mà vẫn đưa ra kịch bản nước lũ ở mức báo động 2, để các địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó và thích nghi nhằm đảm bảo vụ lúa vẹn toàn thắng lợi.

Hiện nay, An Giang đang đề xuất trung ương hỗ trợ xây hồ trữ nước ngọt và cấp nước ngọt Trà Sư – Tri Tôn nằm trong Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc hạ lưu sông Mekong nơi đây là vùng đầu nguồn giáp với nước bạn Campuchia khi lũ về thì nước dâng cao, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Còn vào những tháng mùa khô thì nơi đây nhiều vùng bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.

Đánh bắt thủy sản trong mùa lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đánh bắt thủy sản trong mùa lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vì vậy, việc xây dựng hồ trữ ngọt tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL. Theo dự án ban đầu, hồ có tổng diện tích 3.050ha, tổng chiều dài bờ bao 37,4km, phục vụ tưới 30.000 ha đất nông nghiệp. Hồ chứa có 6 cửa vận hành, sử dụng máy bơm và cửa cống thay thế cho các đập cao su.

Theo ông Thư, làm sao trữ lũ để điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường và có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp quanh năm ở An Giang là rất cần thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

An Giang đang triển khai xây dựng thêm từng khu trữ nước ngọt lớn nhỏ khác nhau trong giai đoạn 10 năm sắp tới. Trước mắt tỉnh chia thành 2 giải pháp căn cơ để thực hiện trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô.

An Giang đang triển khai xây dựng thêm từng khu trữ nước ngọt lớn nhỏ khác nhau trong giai đoạn 10 năm sắp tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang đang triển khai xây dựng thêm từng khu trữ nước ngọt lớn nhỏ khác nhau trong giai đoạn 10 năm sắp tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giải pháp thứ nhất là thực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh một cách căn cơ, giảm đi diện tích sản xuất lúa, đặc biệt lúa hè thu vì lúa là cây sử dụng nhiều nước. Vì vậy cần chuyển sang các đối tượng cây trồng cạn mà sử dụng ít nước nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: cây xoài, chuối, hoa màu các loại, trong đó có cây cao lương đang được triển khai trên địa bàn.

Giải pháp thứ 2, là  tưới tiết kiệm nước, hiện nay tỉnh An Giang đang khuyến khích nông dân, HTX và cả doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nên ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước vừa đảm bảo cây trồng mà đem lại năng suất tốt.

LÊ HOÀNG VŨ – NGỌC THẮNG

Nguồn: nongnghiep.vn

Tin Mới