spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngỨng dụng công nghệ tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

Khoa học công nghệ (KHCN) được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp. Vì vậy, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Nắm bắt xu thế trên, những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm đẩy mạnh phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân…

  Nông dân TP Cần Thơ tham quan mô hình sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất tại huyện Thới Lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, từ năm 2015 đến nay, An Giang đã đầu tư trên 90 tỉ đồng cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN các lĩnh vực, bao gồm 70 đề tài KHCN cấp tỉnh, 116 đề tài cấp cơ sở và 50 dự án ứng dụng tiến bộ KHCN. Trong đó khoảng 50% phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Trong lĩnh vực nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho các mặt hàng nông sản chủ lực: công nghệ sấy lạnh bảo quản xoài Ba Màu (Chợ Mới); công nghệ sấy năng lượng mặt trời cho bánh phồng (Phú Mỹ)… An Giang đã đầu tư kinh phí hỗ trợ nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp: điều khiển tưới nước từ xa cho các mô hình trồng nấm linh chi, trồng dưa lưới; máy đo quan trắc tự động trong nuôi trồng thủy sản (cá tra)… Bên cạnh đó, để giúp các cơ sở sản xuất, nông dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt tốt xu hướng thị trường, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo tập huấn, tuyên truyền thông tin, hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu thị trường thu mua: hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho các đối tượng rau (Mỹ Hòa Hưng, Châu Đốc, Long Xuyên); chứng nhận hữu cơ châu Âu và Mỹ cho cánh đồng lúa lớn tại Tri Tôn; chứng nhận hữu cơ cho mô hình lúa – cá (Thoại Sơn, Châu Phú)…

Tại TP Cần Thơ, công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số thành công nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn, đã hình thành được 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 84ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; các giống lúa đặc sản chất lượng cao như Jasmine 85 trong từng vụ đạt trên 80%. Thành phố phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã xây dựng được 31 vườn cây và 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống với năng lực cung ứng 65.000 cây giống/năm. Phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản hiệu quả, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn để cung cấp nguồn hàng hóa chất lượng cao… Cần Thơ có 5 mô hình nhân giống hoa đồng tiền, hoa cúc bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và sản xuất hoa hồng chịu nhiệt, hoa đồng tiền, hoa cúc chất lượng cao tại Hợp tác xã Bình An và Hợp tác xã hoa kiểng Phó Thọ; xây dựng quy trình sản xuất nước giải khát từ dâu Hạ Châu …

Ở Bến Tre, nhiều chính sách ban hành để huy động nguồn lực đầu tư phát triển KHCN thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh nghiên cứu KHCN theo chuỗi giá trị về cây dừa với 12 đề tài/dự án, bưởi da xanh 5 đề tài/dự án. Trong đó, các sản phẩm nổi bật: nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng ĐBSCL; chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt; ứng dụng tiên bộ KHCN chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Bến Tre… Các dự án đầu tư đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương, tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới có chất lượng và giá trị gia tăng cao: sữa dừa đóng lon; mặt nạ dừa; giấy dừa nghệ thuật; ống hút từ nước dừa…

 Ứng dụng công nghệ giúp kết nối chuỗi giá trị, giảm rủi ro cho nông sản, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bắt đầu từ đâu. Theo ông Riki Parmita, Quản lý cấp cao Công ty tư vấn Deloitte Pacific, cần sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn phải theo quy chuẩn và quy trình, minh bạch sản phẩm, từ đầu vô nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm. Nghĩa là sản xuất nông nghiệp như công nghiệp. Có thể phân chia áp dụng công nghệ vào nông nghiệp theo 3 mảng chính. Đó là, bắt đầu từ các trang trại, đưa công nghệ trong khâu đầu vào nhằm giảm giá thành, tăng giá trị nông sản. Tiếp đến là áp dụng khâu thu hoạch và sau cùng là quản lý chất lượng sản phẩm từ lưu kho nguyên liệu đến chế biến ra thành phẩm…

   Tham quan, tìm hiểu chế phẩm sinh học trong nông nghiệp tại một triển lãm ở Cần Thơ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, ứng dụng KHCN phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản cho vùng ĐBSCL là hướng đi tất yếu. Nhiều ý kiến cho rằng: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời và phù hợp để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đầu tư ứng dụng KHCN, liên kết với nông dân xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của vùng.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN tại địa phương, cần có sự liên kết để phát triển chuỗi giá trị nông sản của vùng. Theo ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, liên kết, ứng dụng KHCN phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng là yêu cầu và xu hướng tất yếu để phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, các địa phương  tiếp tục chia sẻ thông tin về các kết quả nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin về nhân lực KHCN của vùng làm cơ sở xúc tiến kết nối cung – cầu công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm mới, có giá trị gia tăng, phù hợp với lợi thế của từng địa phương trong vùng. Cùng với đó, tập trung các nhiệm vụ KHCN hướng tới xây dựng chuỗi sản phẩm chủ lực của vùng, mà trọng tâm là đầu tư xây dựng thương hiệu vùng…

Ở góc độ khác, kỹ sư Nguyễn Thể Hà, Công ty TNHH Cơ khí Công-Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, chia sẻ: KHCN là giải pháp tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Và vấn đề chính ở đây đó là đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực về cơ khí hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi những người làm cơ khí đã lớn tuổi, rất cần đào tạo lực lương kế cận. Tại các trường đại học, chương trình đào tạo còn thiếu, hoặc nếu có không đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, cần có chiến lược cơ giới hóa ngành nông nghiệp, chương trình đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí… Bởi chỉ có đưa cơ giới hóa, cơ khí vào mới tăng giá trị nông nghiệp, thực hiện mục tiêu làm giàu cho nông dân Việt Nam…

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Nguồn: https://baocantho.com.vn

 

 

 

Tin Mới