spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngXây dựng Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững

Xây dựng Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững

Mới đây, đơn vị tư vấn đã báo cáo phương án phát triển không gian đô thị trong thực hiện lập Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và các sở, ban ngành thành phố. Đơn vị tư vấn đề xuất phát triển không gian đô thị Cần Thơ phù hợp với định hướng của phát triển vùng ĐBSCL và là đô thị văn minh, hiện đại, mang bản sắc sông nước.

Chia 3 vùng không gian phát triển

Định hướng phát triển đô thị Cần Thơ gắn với bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.

Định hướng phát triển đô thị Cần Thơ gắn với bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, Sở đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện quy hoạch phát triển cho thành phố. Việc định hướng phát triển không gian trong quy hoạch tích hợp của thành phố là một báo cáo thành phần rất quan trọng nhằm đưa ra các phương án tái cấu trúc và phân bổ không gian hiện hữu, khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội để Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, phương án phát triển không gian đô thị Cần Thơ phù hợp với định hướng phát triển của vùng ĐBSCL và địa phương, thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là phát triển thuận thiên, xem nước là tài nguyên chính, phát triển thủy sản, cây ăn trái và lúa. Cần Thơ là một đô thị, không nên phân làm đô thị và nông thôn; đô thị trung tâm vùng phải có những vùng và cấu trúc đặc biệt về cả quy mô và chất lượng cấp vùng; đô thị đối trọng với TP Hồ Chí Minh (cung cấp những gì TP Hồ Chí Minh không có); là đô thị sinh thái, bản sắc sông nước (dựa trên bảo tồn mạng lưới sông nước, cảnh quan nước và đa dạng sinh học); đô thị văn minh, hiện đại (có công năng và cấu trúc hiện đại). Phát triển không gian phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế là cải thiện mức hiện trạng, là đô thị đáng sống và trung tâm vùng ĐBSCL; các lĩnh vực kinh tế chủ đạo gồm: kinh tế nông nghiệp, năng lượng, logistics, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, tài chính…

Định hướng phát triển không gian thành phố được chia thành 3 vùng liên quận huyện: vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Phong Điền), vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc An Giang – Trần Đề. Riêng vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam định hướng gồm các khu chức năng: trung tâm đô thị cũ Ninh Kiều, trung tâm đô thị mới Cái Răng, trung tâm đô thị sân bay và cảng Trà Nóc, cụm công nghiệp cảng và đô thị cảng Cái Cui, trung tâm công nghệ cao Cái Răng, trung tâm đầu mối công nghệ nông nghiệp – Bình Thủy, trung tâm thương mại dịch vụ Cái Răng – Phong Điền, đô thị đại học…

Về cấu trúc không gian cho hoạt động kinh tế – xã hội đến năm 2030 chia làm 8 vùng: lõi trung tâm đô thị Ninh Kiều – Bình Thủy, Cái Răng mật độ cao; vành đai các công năng động lực kinh tế mới cấp vùng và quốc gia, công nghệ cao, sạch, mật độ trung bình, đan xen sinh thái cảnh quan; đô thị sinh thái cảnh quan (cao cấp, mật độ thấp, sinh thái cảnh quan là chính); vùng sinh thái cảnh quan ngập nước mới; vùng phát triển công nghiệp và đô thị mới; trục hành lang kết nối Bắc – Nam; vùng kết hợp phát triển năng lượng mặt trời và nông nghiệp; vùng nông nghiệp công nghệ cao và trung tâm đô thị nông nghiệp Thới Lai.

Bám sát định hướng quy hoạch

Các sở, ngành thành phố đã có những góp ý thiết thực cho phương án phát triển không gian đô thị Cần Thơ, phù hợp với tình hình địa phương. Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng: Với phương án tích hợp này chủ yếu là vấn đề phân vùng và cấu trúc không gian cho hoạt động kinh tế – xã hội, phát triển đô thị; từ căn cứ này thành phố còn có quy hoạch đô thị. Sở Xây dựng cơ bản đồng tình với phương án phát triển không gian đô thị đơn vị tư vấn đề xuất, nhất là đề xuất khu vực phát triển lõi của thành phố trong phạm vi hệ thống lưu vực sông Cần Thơ, tận dụng được tiềm năng của thành phố và thể hiện giá trị của hệ thống sông nước tự nhiên mà không phải thành phố nào cũng có, đúng với chiến lược phát triển đô thị sinh thái sông nước theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo ông Mai Như Toàn, nội dung phương án phát triển không gian đô thị thể hiện một chiến lược lâu dài hơn so với các vận động và phát triển kinh tế, vừa phải đáp ứng kịch bản kinh tế trong ngắn hạn, do đó phương án khi đưa ra đề xuất cũng cần làm rõ thêm về mối liên hệ này; từ đó làm cơ sở phát triển không gian phù hợp với giai đoạn lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, vừa đảm bảo tương lai phát triển lâu dài TP Cần Thơ và không tách rời thực tiễn trong giai đoạn ngắn. Ngoài ra, thực hiện sản phẩm quy hoạch tích hợp; thể hiện từ quá trình làm việc, tiếp cận, để tạo sản phẩm quy hoạch. Sở xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu và có đóng góp quan trọng cho phương án phát triển không gian đô thị.

Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, phương án phát triển không gian đô thị đã phác họa được bức tranh khá tổng thể cho TP Cần Thơ trong thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc xác định cấu trúc không gian cho hoạt động kinh tế – xã hội đến năm 2030 phải thể hiện sự kế thừa, để thành phố xác định phát triển đô thị cũng như phát triển văn hóa, đặc trưng về sông nước của Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần lưu ý thêm cho định hướng phát triển cụm đô thị công nghiệp logistics khu vực tuyến quốc lộ Nam sông Hậu và quy hoạch phát triển logistics hàng không (khu đô thị, logistics hai bên đường Võ Văn Kiệt, khu vực sân bay); nghiên cứu sâu hơn phát triển thương mại dịch vụ của TP Cần Thơ, có tích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để phát triển hài hòa.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá cao phương án phát triển không gian đô thị do đơn vị tư vấn đưa ra và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành tổng hợp nội dung góp ý gửi cho đơn vị tư vấn tích hợp vào quy hoạch, về từng lĩnh vực. Các sở, ngành thành phố và đơn vị tư vấn cần ngồi lại trực tuyến để phân tích các nội dung cụ thể, đi đến thống nhất chung; lĩnh vực nào cần đi thực tế cũng phải xây dựng kế hoạch đi thực tế. Quy hoạch tích hợp này phải bám sát Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL… Đến năm 2045 là thành phố thuộc nhóm phát triển khá ở châu Á và cũng là thành phố thông minh, thành phố đáng sống.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của thành phố mới đạt trên 70%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 76%, đến 2030 đạt khoảng 80%. Để đạt được mục tiêu này cũng cần phải tích hợp vấn đề này vào quy hoạch, gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch tích hợp phải làm sao đi vào cuộc sống, vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa phát triển đô thị.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới