spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngXây dựng chợ truyền thống văn minh, hiện đại

Xây dựng chợ truyền thống văn minh, hiện đại

Những năm gần đây, mặc dù các kênh mua sắm hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại nở rộ, song chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức tổ chức thương mại phổ biến nhất ở vùng ĐBSCL.Theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2017, ĐBSCL có 1.653 chợ, chiếm khoảng 19,4% tổng số chợ trên cả nước. Trong đó có 36 chợ hạng I, 176 chợ hạng II, 1.393 chợ hạng III  và 48 chợ chưa phân hạng.

Tiểu thương buôn bán tại chợ Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Xác định tầm quan trọng của hệ thống chợ truyền thống trong chuỗi phát triển thương mại, các địa phương trong khu vực đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ nông thôn và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đơn cử như, tỉnh Đồng Tháp quy hoạch đến năm 2020, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh phát triển từ 201 đến 220 chợ. Tại Hậu Giang, trong số 72 chợ thì có tới 59 chợ hạng III và chợ tạm nên tỉnh đang từng bước nâng cấp các chợ hạng III bằng việc thực hiện nghiêm túc 10 tiêu chuẩn về xây dựng hình ảnh chợ văn minh. Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp… cũng đang đẩy mạnh cải thiện hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống qua việc tuyên truyền, vận động và phổ biến những kiến thức về an toàn vệ sinh tại chợ; đồng thời phân bổ ngân sách để làm mới một số chợ điển hình…

Không thể phủ nhận việc phát triển nhanh và đồng bộ mạng lưới chợ, nhất là các chợ nông thôn sẽ là đòn bẩy phát huy tối đa vai trò thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, chợ nông thôn cũng gặp một số khó khăn trong xây dựng phát triển vì hầu hết có quy mô nhỏ, còn một số chợ tạm chưa có nhà lồng; điều kiện cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng cháy chữa cháy chưa được chú trọng. Phần lớn các chợ chưa có quỹ đất công nên việc thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi hoàn, giải tỏa tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác xây dựng phát triển chợ…

Để chợ nông thôn mới vùng ĐBSCL trở nên sạch đẹp, văn minh, hiện đại, thực sự góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trong tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế, Bộ Công thương yêu cầu các địa phương trong vùng thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch; vốn đầu tư; cơ chế chính sách; quản lý nhà nước… Trong đó, về công tác quy hoạch, kế hoạch, các địa phương triển khai thực hiện và kịp thời cập nhật bổ sung các dự án đầu tư chợ theo Quy hoạch, Kế hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2025 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới… Về vốn đầu tư, cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu và đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa. Trong công tác quản lý, Nhà nước quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; không để tình trạng hình thành chợ tự phát, lấn chiếm lòng đường làm mất an toàn giao thông, mỹ quan, vệ sinh môi trường,…  Đồng thời, có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ để nâng cao kiến thức về quản lý chợ, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Bài, ảnh: QUẾ LIM

Nguồn: https://baocantho.com.vn/xay-dung-cho-truyen-thong-van-minh-hien-dai-a114427.html

 

 

Tin Mới