Chiều 9-11, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, TP Cần Thơ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại vào TP Cần Thơ.
Dự hội thảo có ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp (DN) của TP Cần Thơ và DN Nhật Bản.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ (bìa trái), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hùng\
Trong chương trình xúc tiến đầu tư những năm gần đây, Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đã xác định Nhật Bản là đối tác hợp tác đầu tư chiến lược, trọng điểm. Riêng tại TP Cần Thơ hiện có 6 dự án có vốn đầu tư của Nhật Bản (thuộc lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến, sản xuất điện, công nghệ thông tin) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.348 triệu USD, xếp vị trí thứ nhất trên 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Cần Thơ. TP Cần Thơ đã có mối quan hệ hợp tác, giao thương với nhiều địa phương và đơn vị, DN Nhật Bản. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản là trên 169 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu là 11,36 triệu USD.
Quang cảnh hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại vào TP Cần Thơ tại Nhật Bản. Ảnh: Duy Tín
Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản là gần 154,3 triệu USD; Kim ngạch nhập khẩu là trên 12 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, may mặc, lông vũ, nông sản và nông sản chế biến, hóa chất… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, hóa chất, vải, vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị…
Lãnh đạo TP Cần Thơ chủ trì trực tiếp giải đáp các câu hỏi của DN Nhật Bản. Ảnh: Duy Tín
Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản, chính quyền TP Cần Thơ đã thành lập Văn phòng Japan Desk tại Cần Thơ và thành lập Văn phòng Japan Desk Cần Thơ tại Tokyo để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN Nhật Bản đang thực hiện đầu tư kinh doanh tại TP Cần Thơ; cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, các dự án, lĩnh vực thành phố mong muốn các DN, nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu đầu tư kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh đó, thành phố còn dành Khu Công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản với 30ha thuộc Khu Công nghiệp Hưng Phú 1 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư khai thác kinh doanh. Đồng thời mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào hoạt động tại KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 vừa được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10-2022 do đại diện Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư.
Hoạt động kết nối giao thương trực tiếp giữa DN TP Cần Thơ và DN Nhật Bản. Ảnh: Duy Tín
Các lĩnh vực thành phố bày tỏ mong muốn mời gọi, thu hút đầu tư từ các DN Nhật Bản bao gồm: công nghệ phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, logistics, các dự án về môi trường…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hiểu khẳng định: TP Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với tinh thần đồng hành cùng nhà đầu tư, DN, chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển, chính quyền Cần Thơ cam kết đồng hành cùng các DN, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, thực hiện đầu tư kinh doanh.
Đoàn công tác của TP Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Tổ chức JICA. Ảnh: Trần Hùng
Tại hội thảo, lãnh đạo TP Cần Thơ đã trực tiếp trao đổi, thảo luận, giới thiệu đến với các DN, nhà đầu tư Nhật Bản về các dự án thành phố đang tập trung mời gọi đầu tư, các trình tự, thủ tục có liên quan khi nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu và đầu tư vào các dự án này. Đồng thời khẳng định, với vị thế trung tâm vùng ĐBSCL, giao thông thuận lợi, nguồn lao động có trình độ tay nghề, kỹ năng ngày càng được nâng cao, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện, các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc cho người nước ngoài được quan tâm và ngày càng phát triển, thành phố sẵn sàng tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Dịp này, các DN TP Cần Thơ và DN Nhật Bản đã tham gia kết nối giao thương để chia sẻ về sản phẩm, dịch vụ hiện có và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trên lĩnh vực hai bên có thế mạnh.
Đoàn công tác của TP Cần Thơ trao đổi với Tổ chức JICA về 3 dự án ODA. Ảnh: Trần Hùng
* Trước đó, vào sáng 9-11, trong khuôn khổ chuyến công tác xúc tiến, hợp tác, đầu tư tại Nhật Bản, đoàn lãnh đạo TP Cần Thơ do ông Phạm Văn Hiểu làm Trưởng đoàn đã làm việc với ông Jun Saotome, Giám đốc cấp cao, Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Tổ chức JICA), xoay quanh các dự án ODA trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng của thành phố.
Tại buổi việc, TP Cần Thơ đề xuất Tổ chức JICA xem xét, hỗ trợ thực hiện các dự án sau từ nguồn viện trợ ODA của chính phủ Nhật Bản đối với dự án Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ (quy mô 200 giường) với tổng dự toán kinh phí 31.238.815USD bao gồm xây dựng và mua sắm trang thiết bị, từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đây là dự án này thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư sau năm 2020 tại Nghị định số 103/2028/NĐ-CP ngày 7-8-2018 của Chính phủ “Quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ”.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố (bìa trái), tặng quà lưu niệm đến ông Jun Saotome, Giám đốc cấp cao, Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tổ chức JICA. Ảnh: Trần Hùng
Đồng thời, thành phố cũng đề xuất 2 dự án về phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C đoạn đi qua địa phận TP Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đoạn qua địa phận TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư dự kiến là 211,621 triệu USD. Dự án đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp với tổng mức đầu tư dự kiến 335,349 triệu USD.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hiểu gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổ chức JICA đã hỗ trợ và đồng hành cùng TP Cần Thơ trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, thông qua các dự án JICA Việt Nam triển khai tại TP Cần Thơ không chỉ góp phần phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia mà còn hỗ trợ cho thành phố trong quá trình phát triển. Chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ luôn xác định: Nhật Bản là người bạn, là đối tác tin cậy và quan trọng. Ông Phạm Văn Hiểu hy vọng những dự án sắp tới được JICA triển khai tại Cần Thơ sẽ mang tính biểu tượng mới, ảnh hưởng sâu rộng và là động lực phát triển của cả vùng ĐBSCL, góp phần thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2023. Đồng thời nhấn mạnh: TP Cần Thơ luôn xem trọng mối quan hệ sâu sắc với Tổ chức JICA và sẽ cố gắng hết sức để cùng các đối tác Nhật Bản góp phần thiết thực xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản ngày càng tốt đẹp, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả” như lãnh đạo 2 nước đã thống nhất.
MINH HUYỀN
Nguồn: baocantho.com.vn