spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủTin mớiXuất khẩu cá tra kỳ vọng phục hồi nhờ Mỹ và Trung...

Xuất khẩu cá tra kỳ vọng phục hồi nhờ Mỹ và Trung Quốc

Trong đà giảm của xuất khẩu thủy sản, cá tra là mặt hàng có nhiều triển vọng phục hồi nhờ tín hiệu tích cực từ Mỹ và Trung Quốc.

Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), tính đến hết tháng 1, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực, bạch tuộc và các loài cá biển khác nhích nhẹ nhưng cá tra, tôm, cá ngừ đều giảm sâu ở mức hai con số, riêng cá tra giảm 50%. Tín hiệu đi xuống của tiêu thụ cá tra đã rõ nét từ quý cuối năm 2022, với kim ngạch 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2021.

Tuy vậy, theo phân tích của Vasep, so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Năm ngoái, đây là hai bạn hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lần lượt 30% và 23% của xuất khẩu cá tra.

Dây chuyền phi lê cá để xuất khẩu tại Đồng Tháp. Ảnh:Xuyên Mộc

Dây chuyền phi lê cá để xuất khẩu tại Đồng Tháp. Ảnh: Xuyên Mộc

Với Trung Quốc, việc thị trường này mở cửa đầu tháng trước sẽ giúp phục hồi niềm tin của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy thương mại giữa nước này và khu vực Đông Nam Á, theo nhận định gần đây của đồng Tổng giám đốc điều hành HSBC châu Á – Thái Bình Dương David Liao.

Quyết định mở cửa giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất bán sang thị trường này được khai thông, trong đó có cá tra. Năm ngoái, Trung Quốc chi 712 triệu USD mua cá tra, đưa nó trở thành mặt hàng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (40%) của Việt Nam mà nước này tiêu thụ.

Theo Vasep, việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với chống dịch dù chưa mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản ngay tháng đầu năm, sau một vài tháng, thị trường này sẽ thích ứng và bùng nổ mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ.

“Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Xuất nhập khẩu thủy sản giờ đây dễ dàng hơn. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại”, bà Lê Hằng, Chuyên gia của Vasep nhận định.

Đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường này trong năm nay.

Vasep đánh giá, hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Đặc biệt, vào mùa Chay của những người theo Kitô giáo (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu tiêu thụ cá các loại sẽ tăng.

Trong khi đó, cá tra phần nào lợi thế khi lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Ngoài ra, cá rô phi từ Trung Quốc xuất sang Mỹ vẫn còn phần nào hạn chế.

Thực tế, trong ngày làm việc đầu năm mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Hùng Cá đã chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu 21 container cá tra phi lê. Hay tại Vĩnh Hoàn, gần 10.000 người lao động cũng trở lại sản xuất cho những đơn hàng mới.

Đối với ngành xuất khẩu thủy sản nói chung, Vasep đánh giá xuất khẩu sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay những tháng đầu năm nhưng đây vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu không thể sụt giảm quá mạnh.

Chứng khoán SSI cũng cho rằng, nửa cuối năm có thể là thời điểm xán lạn hơn cho ngành thủy sản. Cụ thể, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành, với doanh thu từ thị trường này sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, lạm phát tại các thị trường tiêu thụ và bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm có thể vẫn là thách thức trong ít tháng tới. SSI không cho rằng các sự kiện mang tính thời vụ như Super Bowl và Lễ Phục sinh ở Mỹ sẽ giúp giảm nhiều lượng hàng tồn kho. Do vậy, nhóm phân tích của công ty dự báo phải đến quý III, hàng tồn kho mới được xử lý hoàn toàn để có nhiều đơn hàng mới.

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 6% so với 2022, tương đương 393-394 tỷ USD. Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá đây là mức tăng “nhiều thách thức khi cầu thế giới giảm, thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn”.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU… lạm phát tăng cao, sức mua người tiêu dùng giảm và cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên vật liệu tăng khiến giá hàng hoá ở mức cao.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng,Việt Nam cũng có nhiều lợi thế với nền kinh tế độ mở lớn, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, có hiệu lực… Nếu tận dụng tốt những cơ hội này, Thứ trưởng Hải nhìn nhận sẽ là điểm mạnh cho xuất khẩu trong năm được dự báo nhiều khó khăn này.

Dỹ Tùng – Hồng Châu – Anh Minh

Nguồn: vnexpress.net

Tin Mới