Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tháng 9-2021 cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam xuất siêu trở lại sau chuỗi nhập siêu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8.
Trong tháng 9-2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu 26,5 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, sau năm tháng liên tiếp nhập siêu, cán cân thương mại đã quay trở lại xuất siêu 500 triệu đô la Mỹ. Đây phần nào là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng 9 và là tín hiệu tương đối tích cực cho thấy khả năng phục hồi phần nào của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Xuất khẩu sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý IV
Cần lưu ý rằng xuất khẩu hàng hóa của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháng 9 chiếm 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực này chiếm 68,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Khu vực FDI xuất siêu hàng hóa 1,98 tỉ đô la Mỹ và khu vực trong nước như thường lệ nhập siêu 1,48 tỉ đô la Mỹ. Như vậy việc xuất siêu trong tháng 9 hoàn toàn do khu vực FDI mang lại. Vấn đề này chẳng mới mẻ gì, từ năm 2010-2020 đã thế và giờ vẫn thế!
Nếu chỉ hời hợt nhìn vào con số tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu để cho là điểm sáng là lạc quan tếu!
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (Research Center for Employment Relations), ở các khu vực áp dụng phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 chỉ có 34,7% số doanh nghiệp trong nước còn duy trì hoạt động. Trong khi đó, số doanh nghiệp FDI vẫn duy trì hoạt động trong thời gian này là 62,7%. Điều này cũng là hiểu được do các doanh nghiệp FDI có tiềm lực về vốn tốt hơn, quản trị tốt hơn và nhận được ưu ái nhiều hơn bởi chính quyền.
Khu vực FDI có ưu thế khoa học kỹ thuật, áp dụng quản lý tiên tiến, được ưu đãi nhiều về cơ chế, chính sách (về thuế, đất đai, lao động…), hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận cao tuy nhiên lại chỉ đóng góp vào ngân sách bằng 70% so với doanh nghiệp nhà nước.
Số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê cho thấy giá trị tăng thêm của khu vực FDI chiếm khoảng 20% GDP nhưng cũng có luồng tiền ra, thông qua chi trả sở hữu, tăng mạnh. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2020 so với 2010 tăng 2,9 lần thì mức tăng luồng tiền ra là 4, 4 lần trong cùng khoảng thời gian trên.
Tuy Việt Nam chưa tính và công bố GDP theo phương pháp thu nhập, nhưng tính qua “Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam 2020” có thể thấy các doanh nghiệp FDI chuyển trên 70% lợi nhuận về nước. Vì vậy, nếu chỉ hời hợt nhìn vào con số tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu để cho là điểm sáng là lạc quan tếu!
Con số xuất siêu có thể làm quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên, nhưng rõ ràng không có ý nghĩa với người dân Việt Nam. Xuất siêu và GDP có thể là tín hiệu vui với các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam nhiều hơn với người dân Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần tách bạch trong đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách nhà nước, bao nhiêu là thuế giá trị gia tăng (VAT), bao nhiêu là thuế thu nhập doanh nghiệp?
Thuế VAT về bản chất không phải tiền của khu vực FDI mà là tiền của người tiêu dùng Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua việc sử dụng sản phẩm của khu vực này. Để nhìn nhận công bằng chỉ nên xem khoản đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp là đóng góp thực sự của khu vực FDI.
Xét theo nguyên tắc thường trú thì sự lớn mạnh của khu vực FDI có thể làm tăng GDP nhưng lại làm nguồn lực của nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp thông qua chỉ tiêu GNI (thu nhập quốc gia), NDI (thu nhập quốc gia khả dụng) và Tiết kiệm (saving) của nền kinh tế, trong khi những chỉ tiêu này của nước chủ quản các doanh nghiệp FDI lại tăng. Về mặt bản chất tiết kiệm mới là nguồn lực thực sự của nền kinh tế.
Nhìn lại cách ưu ái của chính quyền với các doanh nghiệp FDI và các đoàn người “tháo chạy” khỏi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai trong mồ hôi, nước mắt khiến người ta thấy cay đắng. Các ưu ái đó dường như không đến được tay người lao động bao nhiêu!
Bùi Trinh
Nguồn: thesaigontimes.vn