Singapore được xem là “thương cảng” quốc tế, là thành viên của CPTPP nhưng nền kinh tế gần như không có ngành nông nghiệp, hầu hết sản phẩm nông, thủy sản phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam – thành viên của CPTPP giàu tiềm năng về sản xuất nông, thủy sản.

p/Doanh nghiệp Singapore tham gia Hội thảo Xúc tiến Đầu tư - Thương mại tại TP Cần Thơ vào tháng 10/2018.

Doanh nghiệp Singapore tham gia Hội thảo Xúc tiến Đầu tư – Thương mại tại TP Cần Thơ vào tháng 10/2018.

Thị trường tiềm năng

Gia nhập CPTPP, Singapore cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định. Lĩnh vực mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nói chung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng có nhiều dư địa xâm nhập thị trường này gồm: nông sản chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, hàng công nghiệp nhẹ và công nghiệp tiêu dùng. Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ Singapore mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện rất lớn với mức tăng trưởng từ 8-10% tính từ năm 2016-2018.

Cùng có mặt trong đoàn doanh nghiệp đến Cần Thơ giao dịch mua hàng lần này còn có nhiều doanh nghiệp của Malaysia – nền kinh tế lớn thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Thái Lan) và là nền kinh tế lớn thứ 38 trên thế giới với quy mô dân số đạt gần 32 triệu người.

Theo số liệu của Sở Công thương TP. Cần Thơ, 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore đạt 1,6 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 0,1 triệu USD; Đối với thị trường Malaysia: kim ngạch xuất khẩu 0,6 triệu USD, nhập khẩu 0,2 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, may mặc, lông vũ; nhập khẩu chủ yếu: nguyên dược liệu, hóa chất, nguyên liệu may, vật liệu khác…

Sản phẩm thế mạnh

Hiện TP.Cần Thơ đã thu hút được 10 dự án FDI Singapore với tổng vốn đăng ký gần 130 triệu USD trên các lĩnh vực và một dự án FDI Malaysia vốn đăng ký 285.000 USD trên lĩnh vực vật liệu xây dựng.

ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, nông sản, thực phẩm, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và vùng cây ăn trái nhiệt đới rộng lớn. Hàng năm vùng này đóng góp cho xuất khẩu: 80% lượng gạo, 60% lượng thủy sản và 50% lượng trái cây, với kim ngạch khoảng 3 tỉ USD, đóng góp khoảng 27% GDP cho cả nước.

Riêng TP.Cần Thơ hiện có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, trứng muối, giày – dép, da thuộc, lông vũ, sắt thép, đinh dây… Trong đó, hai mặt hàng chủ lực, chiếm tỉ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là gạo và thủy sản.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc CPA: Kỳ vọng tạo đột phá trong xuất khẩu cho ĐBSCL

Sự kiện đón đoàn doanh nghiệp nhập khẩu Singapore và các nước vào Việt Nam giao dịch mua hàng tại TP.Cần Thơ từ ngày 4-7/8 dự kiến có 300 đại biểu tham dự trong đó có khoảng 50 đại biểu là doanh nghiệp và nhà đầu tư Singapore và Malaysia đến tham dự. Đây được xem là cơ hội quan trọng để các địa phương trong vùng: xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá hình ảnh đến Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu, các nhà đầu tư của Singapore và các nước. Qua đó tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL.

Việc tổ chức sự kiện này sẽ giới thiệu được những tiềm năng thế mạnh của các bên, những ưu đãi, cơ chế chính sách liên quan đối với các mặt xuất nhập khẩu. Thông qua việc tham gia sự kiện này, doanh nghiệp các bên đã nắm được các thông tin thị trường, cơ chế chính sách của mỗi bên, thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa.

Huỳnh Khởi

Nguồn: https://enternews.vn