spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngDiễn đàn Mekong Connect 2022: Chủ động nâng chất lượng liên kết...

Diễn đàn Mekong Connect 2022: Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số, phát triển bền vững

Sáng ngày 24/11, tại khách sạn Mường Thanh, TP. Cần Thơ diễn ra Diễn đàn Mekong Connect 2022 với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”. Đây là lần thứ bảy diễn đàn được tổ chức do mạng lưới liên kết của các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP Cần Thơ (gọi tắt là ABCD Mekong) phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành của mạng lưới liên kết ABCD Mekong; cùng hơn 600 doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL, các chuyên gia, diễn giả, các DN trong và ngoài nước… tham dự.

Ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng OCOP Cần Thơ

Trong phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đánh giá cao diễn đàn năm nay với chủ đề Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững: “Tôi hy vọng, thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới”.

Tại phiên khai mạc, đại diện chủ nhà TP Cần Thơ đã trình bày về tầm quan trọng của “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Việc xây dựng trung tâm liên kết sẽ hình thành “một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: Nhà nông – nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Từ đó thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Hiện UBND TP Cần Thơ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Dự kiến đến năm 2050, quy mô của trung tâm này lên tới 3.300 ha tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Cụ thể, trung tâm sẽ có 2 phân khu. Phân khu 1 dự kiến có 50 ha với chức năng là khu hành chính, quản lý và dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ công, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Phân khu 2 dự kiến có diện tích 200 ha, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra tại diễn đàn, dựa trên thế mạnh của mình, từng địa phương đã đưa ra các chủ đề, thảo luận, đưa ra giải pháp đóng góp vào công cuộc tích hợp chung của vùng như: khai thác và phát triển kinh tế biên mậu (An Giang); chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm (Đồng Tháp); phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn (Bến Tre); xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế (TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh). “Đây là những chủ đề hết sức quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng và của vùng kinh tế nói chung hiện nay và trong thời gian tới, đặc biệt qua phần trình bày của từng địa phương với từng dự án liên kết cụ thể đang triển khai”, Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.

Theo Ban Tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2022, Diễn đàn năm nay có ba điểm mới so với Diễn đàn các năm trước: Thứ nhất, Diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp; Thứ hai, năm nay với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp ở các ngành, lĩnh vực, đoàn thể… trên cả nước; Thứ ba, thể hiện mới quan tâm lớn tới vần đề “Phát triển bền vững” mà chuyển đổi số là một yếu tố hết sức quan trọng, để có thể thúc đẩy công cuộc đổi mới nông nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh: Lễ ký kết trong khuôn khổ Mekong Connect năm 2022

Trong lễ Bế mạc Mekong Connect năm 2022, Sở Công Thương ở 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) đã ký kết hợp tác với đại diện Sàn thương mại điện tử Tiki về thúc đẩy thương mại điện tử. Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM ký kết hợp tác với 4 tỉnh về hợp tác xây dựng phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Cũng trong khuôn khổ này, các doanh nghiệp tại TP.HCM ký kết nhiều hợp tác với các doanh nghiệp địa phương Đồng Tháp, An Giang. Bộ KH&CN và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ký kết thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các doanh nghiệp tại TP.HCM, Trà Vinh, Đồng Tháp ký kết hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cho nông sản. Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng đã ký kết gia hạn hợp tác với các tỉnh ABCD Mekong và TP.HCM về nâng cao nâng cao năng lực cho doanh nông, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là những ký kết có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa kinh tế của địa phương các tỉnh ABCD Mekong và toàn vùng ĐBSCL tạo động lực mới, bứt phá trong thời gian tới./.

Gia Nguyên

Tin Mới