spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủTin mớiSắp diễn ra hội thảo "Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt...

Sắp diễn ra hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”

Trong bối cảnh mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng cao và khủng hoảng lương thực đang ngày càng lan rộng, liệu hạt gạo Việt Nam có biến lợi thế thành cơ hội lớn hơn nữa để khẳng định thương hiệu, nâng tầm giá trị, từ đó nâng cao đời sống cho người nông dân?
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong lúc giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu … tăng cao chưa từng có như hiện nay, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn phải bám ruộng để làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng là “Đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia”.

Hạ được giá thành sản xuất để tăng thu nhập cho người nông dân

Tuy nhiên, điều bất lợi của bà con là giá thành sản xuất tăng cao nhưng giá bán lúa hầu như không tăng. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp là để đảm bảo thu nhập cho người nông dân phải hạ được giá thành sản xuất.

Như vậy, trước nhất phải giảm được chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu… và đưa công nghệ tiên tiến vào các khâu sấy lúa, tồn trữ, chế biến để giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao và bảo vệ chất lượng hạt gạo, đồng nghĩa sẽ tăng được giá xuất khẩu.

Thứ hai, phải đưa gạo vào được những thị trường cao cấp, khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo giá cao sẽ nâng giá mua lúa của nông dân.

Gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ và xuất khẩu trên dưới 6,3 triệu tấn gạo/năm, nhưng hầu hết là gạo trắng thường.

Báo cáo của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 ở ĐBSCL các giống lúa: Thơm, đặc sản chiếm 33,29%, lúa chất lượng cao chiếm 49,64%, lúa chất lượng trung bình chiếm 7,12%, nếp 8,93% và giống khác 1,02%.

Qua đó cho thấy, cơ cấu giống lúa đã dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là rất rõ. Câu chuyện là làm thế nào để chinh phục thị trường cao cấp?

Gạo Việt Nam còn “khiêm tốn” tại Mỹ và EU

Năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt 58.855 tấn. Từ ngày 1/8/2021, Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt và trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 65.000 tấn gạo vào thị trường này.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường EU đạt trên 30.000 tấn, trị giá 23 triệu USD. Riêng quý 1/2022, lượng gạo xuất khẩu sang EU tăng gần 4 lần về lượng và 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ 2021. Dự báo xuất khẩu gạo sang EU còn tăng khá, đặc biệt khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Theo cam kết EVFTA mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

Mặc dù lượng gạo xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng tăng nhưng so với lượng gạo Việt Nam đang xuất khẩu vẫn chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn 1,58%.

Năm 2021, gạo Thái Lan bán được 573.786 tấn, trong khi gạo Việt Nam bán chỉ được 15.235 tấn (chiếm 1/37 so với Thái Lan). Trong khi Mỹ là thị trường có giá gạo xuất khẩu cao nhất.

Nâng tầm thương hiệu để nâng giá trị

Là cường quốc xuất khẩu gạo, thương hiệu gạo Việt Nam đã ghi danh tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cái yếu nhất của lúa gạo cũng là vấn đề thương hiệu.

Tại sao doanh nghiệp Thái Lan khai thác thương hiệu gạo ngon thế giới ST25 hiệu quả hơn cả doanh nghiệp Việt Nam? Đây là một câu hỏi lớn.

Như vậy, có phải gạo xuất từ Thái Lan có uy tín hơn từ Việt Nam? Cũng như hàng made in Thailand vì sao đã thành công hơn hàng made in Vietnam.

Đó là niềm tin của người tiêu dùng, của thị trường. Khi người tiêu dùng có niềm tin với một nhãn hàng nào thì nhãn hàng đó sẽ trở thành thương hiệu, từ thương hiệu của doanh nghiệp sau thời gian dài sẽ nâng tầm thành thương hiệu quốc gia. Các nhãn hàng của Mỹ, Nhật Bản, Anh,… đứng vững trên thị trường toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua là nhờ vậy.

Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bằng chính nhãn hiệu của doanh nghiệp mình, như thương hiệu gạo A An của tập đoàn Tân Long là một điển hình. Sau một thời gian xây dựng nhãn hiệu gạo A An tại thị trường nội địa, thành công tại thị trường trong nước đã chấp cánh cho gạo A An vươn ra thị trường thế giới, và mới đây gạo A An đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và Đức,… sắp tới đây gạo A An sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị ở châu Âu.

Giải mã những điểm nghẽn của lúa gạo

“Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” là chủ đề của hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 22/6/2022, tại khách sạn Mường Thanh, TP Cần Thơ, do Nhịp sống doanh nghiệp (Tạp chí Lao động và Công đoàn) tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ.

Hội thảo sẽ bao gồm 2 phiên:

Phiên 1: Sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Phiên 2: Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nâng giá trị cho hạt gạo Việt Nam.

Với sự tham gia của các diễn giả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Viện lúa ĐBSCL, các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu sẽ cùng ngồi lại, trao đổi, thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn, đồng thời tìm kiếm những những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường quốc tế, người nông dân an tâm với đồng ruộng, ngành lúa gạo phát triển theo hướng bền vững.

Thông tin thêm, xin liên hệ: Phóng viên Nguyễn Huyền 091.8420635
Đăng ký dự hội thảo: Ms. Trần Hoà 098.9138129.

Nguyễn Huyền

Nguồn: nhipsongkinhdoanh.vn

Tin Mới