Chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ lớn: Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), Ngày Quốc tế lao động 1/5; Thực hiện Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 20/11/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần VIII năm 2019 diễn ra từ ngày 12 – 16/4/2019, với chủ đề “Hương sắc phương Nam”, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ.
Đây là một sự kiện văn hóa, lễ hội cấp quốc gia mang tính thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của Nam bộ với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam. Lễ hội năm nay được thành phố Cần Thơ tổ chức lần thứ 8 đã thực sự trở thành một nét đặc trưng của thành phố, là điểm nhấn văn hóa ẩm thực của vùng, vừa mang nét truyền thống dân gian vừa mang tính hiện đại; thông qua Lễ hội, thành phố quảng bá được hình ảnh về vùng đất, con người, văn hóa Nam bộ; giới thiệu các loại bánh đặc trưng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ, từng bước xây dựng thành thương hiệu quốc gia.
Lễ hội cũng nhằm thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến bánh dân gian Nam bộ trở thành đặc sản ẩm thực có thương hiệu vững vàng; tạo điều kiện hỗ trợ các nghệ nhân liên kết cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, để những chiếc bánh dân gian càng ngon hơn, đi xa hơn trong xu thế hội nhập và phát triển.
- Thông tin chung về Lễ hội:
– Tên gọi chính thức: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần VIII năm 2019
– Chủ đề: Hương sắc phương Nam.
– Thời gian tổ chức: Từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 4 năm 2019.
– Địa điểm tổ chức: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (số 108A đường Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
– Đơn vị chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; UBND thành phố Cần Thơ.
– Tổ chức thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA)
– Đơn vị bảo trợ thông tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
- Quy mô và sản phẩm bánh dân gian:
– Quy mô: Lễ hội đã thu hút trên 220 gian hàng trưng bày giới thiệu các loại bánh dân gian, ẩm thực dân gian, đặc sản vùng miền và nguyên liệu phụ trợ làm bánh,… của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và nghệ nhân đến từ các quận – huyện của thành phố Cần Thơ và 18 tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với sự tham dự các đơn vị doanh nghiệp, nhà hàng giới thiệu các món ăn, các sản phẩm của 08 quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ý, Pháp, Malaysia, Singapore, Thái Lan
– Các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia giới thiệu các loại bánh dân gian tiêu biểu như: bánh tằm cay, bánh tằm se tay, bánh khọt nhân tôm, củ cải tiều, bánh gừng, bánh ớt, bánh ống, bánh bầu, bánh lá mơ, cốm dẹp, bánh bò nướng, bánh đúc, bánh ú lá tre, bánh lọt, bánh khọt, bánh xèo, bánh tét, bánh ít, bánh lồng cô, bánh ít nhân tôm, bánh gừng, bánh chuối chiên, bánh nhúng, bánh lá dừa, bánh chuối, bánh nắn lá, xôi lá cẩm, bánh dừa, bánh ú, bánh ít nhân tôm, bánh tráng phơi sương, bánh xoài, bánh cốm, bánh rế, bánh phồng, bánh khoai cao, bánh in, bánh bao chỉ, bánh cốm nổ truyền thống, bánh ú nước tro gói lá tre, bánh canh cua bột xắt, bánh chưng, bánh dày, bánh cốm, … Và các món ẩm thực: bún mắm, hủ tiếu ngọt, bún suông, nem nướng và đặc sản vùng miền địa phương, …
– Nghệ nhân tham gia: Lễ hội thu hút nhiều nghệ nhân tham gia trình diễn bánh dân gian đến từ các tỉnh thành khu vực miền đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ tham gia đăng ký dự thi nhiều loại bánh và trình diễn nhiều loại bánh phục vụ du khách tại Lễ hội.
* Điểm nhấn tại Lễ hội:
– Hội thi làm bánh dân gian Nam Bộ: Với mong muốn phát hiện và giới thiệu những bí quyết làm bánh, những loại bánh ngon ở các địa phương trên cả nước.
– Không gian trình diễn chế biến bánh dân gian: Tái hiện lại không gian ngày xưa với các dụng cụ cùng nghệ nhân trực tiếp thực hiện và giới thiệu cách làm loại bánh dân gian có tính đặc trưng vùng miền.
– Không gian “Chè Nam bộ”: Với hình thức giới thiệu và mua bán với trên 15 loại chè và thức uống dân gian (từ truyền thống đến sáng tạo).
– Không gian “Bánh dân gian Nam Bộ và tuổi thơ”: Góp phần kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống bánh dân gian Nam bộ.
– Khách mời danh dự: Làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp): Giới thiệu các loại bánh ngon và trình diễn chế biến bánh đặc trưng Đồng Tháp, như: bánh phồng tôm và các loại gạo được chế biến thành bột khô làm bánh
– Dạ hội “Đẹp mãi Áo Bà Ba”: Nhằm tôn vinh vẽ đẹp, nét duyên dáng truyền thống của chiếc áo bà ba – trang phục đặc trưng và gắn liền với sinh hoạt của người dân Nam bộ qua các thời kỳ.
- Các hoạt động hưởng ứng Lễ hội:
3.1. Chương trình Lễ Khai mạc (có kịch bản riêng):
– Chương trình Lễ Khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2019 được tổ chức vào lúc 19h00 ngày 12 tháng 4 năm 2019 (nhằm Mùng 8/3 âm lịch), tại sân khấu chính – Khu vực Lễ hội, được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh Truyền hình thành phố Cần Thơ.
– Nội dung chính: Nghi thức Lễ và chương trình nghệ thuật minh họa với nhiều tiết mục biểu diễn giao lưu văn nghệ về sự hình thành, phát triển và những nét đặc trưng độc đáo của bánh dân gian trong không gian văn hóa ẩm thực truyền thống, mang đậm màu sắc văn hóa đặc trưng của vùng Nam bộ.
– Đơn vị thực hiện: CPA; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ.
3.2. Lễ dâng bánh Đình Tân An
– Thời gian: Vào lúc 8h00 ngày 12 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Đình Tân An
– Đơn vị thực hiện: CPA; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều; Ban quản lý Đình Tân An.
3.3. Tổ chức các gian hàng ẩm thực
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Khu vực Lễ hội
– Quy mô: 220 gian hàng, gồm: bánh dân gian truyền thống, bánh dân gian phát triển, ẩm thực dân gian và đặc sản vùng miền và các nước, công nghiệp phụ trợ làm bánh, dịch vụ du lịch…
– Đơn vị thực hiện: CPA
3.4. Chương trình “Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ”:
– Thời gian: Từ ngày 13 – 16 tháng 4 năm 2019.
– Địa điểm: Khu vực Lễ hội
– Nội dung chính: Đây là hoạt động nhằm giới thiệu đặc sản, tài hoa thông qua nghệ thuật làm bánh dân gian; kế thừa bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực về các loại bánh truyền thống của người dân Nam bộ; tạo điều kiện cho nhân dân và du khách được thưởng thức, tham gia các hoạt động làm bánh và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Nam bộ và góp phần trong việc xây dựng thương hiệu Bánh dân gian Nam bộ trở thành thương hiệu quốc gia.
– Hội thi hút các nghệ nhân tham gia dự thi chế biến các loại bánh dân gian, đến từ các tỉnh thành khu vực miền đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và 09 quận huyện của thành phố Cần Thơ. Không gian thi gồm: 10 gian bếp dành cho các nghệ nhân thao tác chế biến. Dự kiến số lượng bánh tham gia thi trên 60 loại.
– Cơ cấu giải thưởng: Ban Tổ chức sẽ cấp chứng nhận Huy chương Vàng, Huy chương Bạc kèm theo hiện vật cho các sản phẩm bánh đạt giải.
– Đơn vị thực hiện: Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; CPA.
3.5. Không gian trình diễn chế biến bánh dân gian:
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019. (Sáng: từ 9h00 -11h00; chiều: từ 14h00 – 16h00)
– Địa điểm: Khu vực Lễ hội
– Nội dung: Tái hiện lại không gian ngày xưa với các dụng cụ làm bánh xưa như: Giàn cối đá xay bột, bàn chà bánh lọt, cối đâm cốm dẹp, bàn nạo dừa, thau, diệm, hủ, khạp, xững, các bếp lò đất; cùng giới thiệu các loại trái, loại cây, lá phụ liệu,… cùng các nghệ nhân trực tiếp thực hiện và giới thiệu cách làm loại bánh dân gian có tính đặc trưng vùng miền. Đặc biệt, giới thiệu trình diễn, chế biến nhiều loại bánh xưa và bánh được cải tiến làm mới qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, sáng tạo của người thợ bánh thạo nghề, tiêu biểu của một số tỉnh thành như:
+ Tỉnh Bến Tre: Trình diễn quy trình quết, cán, phơi bánh phồng Sơn Đốc, với các nguyên liệu chính là: nếp, mì, chuối,…
+ Tỉnh Bạc Liêu: Thực hiện se bánh tằm, giới thiệu món bánh tằm bì lá mơ, bánh tằm xíu mại Ngan Dừa
+ Tỉnh An Giang: – Lò đường Thốt Nốt (huyện Tịnh Biên): Giới thiệu quy trình chế biến bánh bò, bánh gói với các phụ gia, phụ liệu: Đường Thốt Nốt, hương và màu trái Thốt Nốt, làm bánh gói, bằng lá Thốt Nốt.
+ Tỉnh Sóc Trăng: Chế biến tại chổ các loại bánh: Bánh củ cải (dân tộc Hoa), bánh chuối, bánh gan, bánh lá (dân tộc Kinh) được làm mới, cùng với bánh bầu (dân tộc Khmer).
+ Riêng thành phố Cần Thơ biểu diễn và giới thiệu nhiều loại bánh như: Các nghệ nhân làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), biểu diễn tráng, phơi bánh tráng và giới thiệu bánh tráng dừa, bánh ướt ngọt; Nghệ nhân huyện Vĩnh Thạnh trình diễn cách làm bánh bò cơm rượu độc đáo, lạ miệng; các lò bánh tét, bánh canh cũng giới thiệu quy trình chế biến bánh tét (2 màu): lá cẩm, lá dứa và bánh canh xắt chai…
– Đơn vị thực hiện: CPA.
3.6. Không gian “Chè Nam Bộ”:
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Khu vực Lễ hội
– Nội dung: Trưng bày, giới thiệu mô hình cung cách bán chè xưa; chế biến – nấu chè – bán chè; trải nghiệm và giải trí cùng các MC (diễn viên) biểu diễn rao chè, hò đối đáp về chè, cùng các trò chơi hoạt náo có thưởng. Hoạt động góp phần tạo nên không khí vui tươi, phong phú, đa dạng tại Lễ hội, tạo điều kiện các bạn sinh viên giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm trong việc chế biến các loại bánh, chè và thức uống dân gian; đồng thời giới thiệu với du khách về nét văn hóa ẩm thực, hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của thành phố Cần Thơ.
– Sản phẩm: Giới thiệu trên 15 loại chè và thức uống dân gian Nam bộ.
– Đơn vị thực hiện: Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ
3.7. Không gian “Bánh dân gian Nam Bộ và tuổi thơ”
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Sân khấu chính Khu Lễ hội.
– Nội dung: Tạo điều kiện cho học sinh trên địa bàn thành phố giao lưu, học hỏi cách làm bánh dân gian cùng nghệ nhân; Giáo dục truyền thống giúp các em thiếu nhi mến thích Bánh Dân Gian Nam Bộ, am hiểu và cảm nhận được nét văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đất phương Nam – Cần Thơ; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống bánh dân gian Nam bộ.
– Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ.
3.8. Khách mời danh dự: Làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp):
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019.
– Địa điểm: Khu vực Lễ hội
– Nội dung: Tổ chức không gian giới thiệu các loại bánh dân gian đặc sắc và hình ảnh văn hóa, du lịch đặc trưng của địa phương được mời tham gia gian hàng danh dự trong Lễ hội bánh dân gian. Tại Lễ hội, Làng bột Sa Đéc tham gia giới thiệu các loại bánh ngon và trình diễn chế biến bánh đặc trưng Đồng Tháp, như: bánh phồng tôm và các loại gạo được chế biến thành bột khô làm bánh.
– Đơn vị thực hiện: Làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp).
3.9. Dạ hội “Đẹp mãi Áo Bà Ba”
– Thời gian: Từ 19h00 ngày 13 tháng 4 năm 2019.
– Địa điểm: Sân khấu chính Lễ hội
– Nội dung: Nhằm tôn vinh vẽ đẹp, nét duyên dáng truyền thống của chiếc áo bà ba – trang phục đặc trưng và gắn liền với sinh hoạt của người dân Nam bộ qua các thời kỳ. Chương trình sẽ trình diễn 100 bộ áo bà ba Nam bộ qua các thời kỳ và phát động du khách mặc trang phục áo bà ba khi đến tham quan và thưởng thức bánh dân gian tại Lễ hội.
– Đơn vị thực hiện: CPA; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3.10. Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian”
– Thời gian: 8 giờ 30, ngày 16 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Hội trường Trung tâm
– Nội dung: Góp phần tìm thị trường cho các sản phẩm bánh dân gian Nam bộ; bảo tồn nghề truyền thống và nâng cao thu nhập của nghệ nhân làm bánh.
– Đơn vị thực hiện: CPA, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
3.11. Khu Buffet bánh dân gian Nam Bộ:
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Khu vực Lễ hội
– Nội dung: Trưng bày, giới thiệu và phục vụ du khách gần 100 loại bánh dân gian và được bố trí trong không gian tái hiện phong cảnh làng quê Nam bộ; Khu Buffet có sức chứa và phục vụ khoảng 200 lượt khách đến thưởng thức.
– Đơn vị thực hiện: Công ty Tư vấn Việt Nam – VCG
3.12. Chương trình kết nối “Tuyến du lịch Phong Điền”:
– Thời gian: Từ ngày 12 – 16 tháng 4 năm 2019
– Địa điểm: Trên địa bàn huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ)
– Quy mô: Liên kết các khu du lịch trên địa bàn huyện Phong Điền giới thiệu các loại bánh dân gian ở địa phương và các hoạt động văn hóa du lịch phục vụ du khách
– Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3.13. Đêm tổng kết bế mạc (có kịch bản riêng):
– Nội dung: Tổ chức chương trình nghệ thuật; tổng kết, trao giải các cuộc thi và bế mạc Lễ hội
– Thời gian: Từ 19 giờ 00 giờ ngày 16 tháng 4 năm 2019.
– Địa điểm: Sân khấu chính CPA.
– Đơn vị thực hiện: CPA; Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ là điều kiện cần thiết để bảo tồn và phát huy các loại bánh dân gian, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân làm bánh dân gian. Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ sẽ giới thiệu được những tinh hoa và giá trị bánh dân gian Nam Bộ vươn ra thế giới, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa ẩm thực truyền thống, đặc biệt là các loại bánh dân gian của người dân Nam bộ, tiếp tục tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, vùng đất Nam Bộ nói riêng, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
*Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ
108A đường Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ.
– Tel: 0292 3 821 977 – 3 733585 Fax: 0292 3 830354
– Email: hoicho.ct@gmail.com; thongtin.ct@gmail.com;
– Website: http://banhdangian.canthopromotion.vn;
– Fb/LHBDGNB;