spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHội chợ Nông nghiệp 2022BỘ SƯU TẬP ÁO DÀI TRÌNH DIỄN TẠI LỄ KHAI MẠC HỘI...

BỘ SƯU TẬP ÁO DÀI TRÌNH DIỄN TẠI LỄ KHAI MẠC HỘI CHỢ NÔNG NGHIỆP QUỐC TẾ VIỆT NAM NĂM 2022

       Từ bao đời nay, trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc – là di sản văn hóa của Việt Nam. Sự thăng trầm và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài đã định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa Việt. Những giá trị lịch sử, văn hóa của áo dài đã từng bước được nhân dân Việt Nam khẳng định, được bạn bè thế giới ủng hộ và tôn vinh.

        Theo dòng lịch sử áo dài, chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt:

        Áo tứ thân ra đời vào thế kỷ 17. Thời này do khổ vải dệt chỉ từ 35 – 40 cm, nên thân áo trước là hai tà tách riêng, thân áo sau được khâu ghép lại với nhau. Ngày nay, áo dài tứ thân được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

        Thế kỷ 19, áo dài năm thân ra đời, áo gồm bốn khổ vải được may nối lại với nhau 1 cách kín đáo, bên cạnh đó có một thân phụ thứ 5 nằm bên trong về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người thương, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc.  Áo luôn có 5 cúc hay còn gọi là khuy cài thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là nhân – lễ – nghĩa – trí – tín.

        Áo dài vương triều nhà Nguyễn vào thế kỷ 19. Áo dài được thêu hay dệt những hoa văn trang trí hình chim phượng, con dơi, mặt trời, trái bầu, hoa trái và bát bửu, màu ngũ sắc… đây là những hoa văn đặc trưng dành riêng cho giới hoàng tộc. Bên trong thường mặc chiếc áo dài lụa lót màu trắng.

        Áo dài tân thời hay áo dài Lemur xuất hiện vào những năm 1930 do họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu. Ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn…

        Áo dài cổ cao xuất hiện vào những năm 1950. Áo dài được may chít eo, ôm sát vào người. Cổ áo rất cao, kiểu áo dài này tôn lên rất nhiều vẻ đẹp hình thể và dáng vóc của người mặc.

        Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc, bên cạnh đó, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng tình yêu áo dài đến đông đảo quần chúng nhân dân và giới thiệu với bè bạn quốc tế, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ và Bảo tàng áo dài Việt Nam trình diễn BST “Áo dài Quốc hoa ASEAN” trong đó có bộ áo dài Hoa sen của Việt Nam tại buổi lễ Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 02/11/2022.

Đại Nghĩa

Tin Mới