spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCần Thơ sẽ giới thiệu gì tại APEC Đà Nẵng?

Cần Thơ sẽ giới thiệu gì tại APEC Đà Nẵng?

Ông Võ Thành Thống

(TBKTSG Online) – Diễn đàn APEC Việt Nam 2017 (từ 7 đến 11-11 tại Đà Nẵng), có Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam chuyên đề “Nông nghiệp bền vững” vào ngày 7-11. Trao đổi với TBKTSG Online, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, cho biết Cần Thơ sẽ giới thiệu với các đối tác lớn của APEC về việc quy hoạch và thực hiện các dự án nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu mà thành phố đang mời gọi hợp tác đầu tư.

TBKTSG Online: Thưa ông, thành phố Cần Thơ sẽ nhấn mạnh điều gì với đại diện 21 nền kinh tế APEC dự hội nghị này?

– Ông Võ Thành Thống: Đây là dịp để Cần Thơ quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách và tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch với các đối tác lớn trong khu vực. Đặc biệt tại hội nghị thượng đỉnh chuyên đề bàn về nông nghiệp bền vững, chúng tôi sẽ ưu tiên giới thiệu về công tác quy hoạch và một số dự án kêu gọi đầu tư về nông nghiệp tiêu biểu gắn với tình hình biến đổi khí hậu.

Đó là những quy hoạch gì, thưa ông?

– Thành phố Cần Thơ đã thực hiện tốt công tác quy hoạch kinh tế – xã hội, ngành và lĩnh vực. Vì nếu chưa quy hoạch thì các nhà đầu tư không an tâm. Trong nông nghiệp, chúng tôi sẽ giới thiệu 7 đề án đã quy hoạch. Đó là Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng năm 2030; Quy hoạch bố trí dân cư thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thưa ông, như vậy là nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ – đô thị loại 1 trực thuộc trung ương?

– Trong khối APEC, sản xuất nông nghiệp vẫn là một hoạt động mang tính toàn cầu, lấy trọng tâm là lợi ích con người làm trung tâm của sự phát triển. Thành phố Cần Thơ đã đưa ngành nông nghiệp vào mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Cần Thơ quan tâm đến việc đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ là đô thị trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng nông nghiệp chủ lực lớn nhất nước với hàng hóa phong phú như lúa gạo, thủy sản, rau, quả các loại. Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa cả năm của Cần Thơ trên 240.000 hec ta với sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn, trong đó, các giống lúa thơm đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích. Cần Thơ cũng đang phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; tích cực khôi phục vườn cây ăn trái với diện tích 16.000 ha, gồm các loại cây ăn trái chủ lực như vú sữa Phong Điền (950 hec ta), dâu Hạ châu (600 hec ta), xoài cát Hòa lộc, cam mật, nhãn (trên 120 hec ta).

Chúng tôi cũng phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản hiệu quả, theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hiện diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố hơn 11.400 hec ta; mở rộng 225 hec ta nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, SQF, BMP, ASC. Về phát triển giống cây trồng và vật nuôi thì Cần Thơ chú trọng đẩy mạnh phát triển các hệ thống sản xuất giống như lúa 3 cấp, các giống cây ăn trái đặc sản, chăn nuôi bò, heo, vịt và giống thủy sản.

Ngày 31-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt thực hiện các chương trình của Hội nghị Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu hồi cuối tháng 9 rồi. Cần Thơ có nhấn mạnh việc này tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng không, thưa ông?

– Quyết định mới này của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh đến hai hợp phần phải thực hiện là thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Thành phố Cần Thơ sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng này. Chúng tôi sẽ giới thiệu với quốc tế việc lồng ghép vấn đề này trong 7 giải pháp thực hiện các dự án đã quy hoạch. Đó là tăng cường liên kết với các địa phương và liên kết “bốn nhà”; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích phát triển trang trại, doanh nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả; đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất; và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

Còn việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này thì sao?

– Thành phố Cần Thơ sẽ giới thiệu với các nhà đầu tư của APEC 4 dự án cụ thể. Đó là dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 1, quy mô 20 hec ta ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ 244 hec ta ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ rộng 100 hecta và dự án Vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung rộng quy mô 100 hec ta, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

mobile.thesaigontimes.v

Tin Mới