spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHội NghịNhiều nổi bật trong thu hút đầu tư ở ĐBSCL

Nhiều nổi bật trong thu hút đầu tư ở ĐBSCL

Từ năm 2017 đến nay, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện các cuộc xúc tiến đầu tư quy mô lớn, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cùng các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Tại những hội nghị này, nhiều Giấy chứng nhận đầu tư của các dự án có quy mô lớn được lãnh đạo tỉnh trao trực tiếp cho nhà đầu tư. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, các địa phương khu vực ĐBSCL đang có sự đầu tư chuyển từ số lượng sang chất lượng và dự án mời gọi mang tính khả thi, có khả năng tạo sức lan tỏa vùng. Đồng thời dự án mời gọi cũng bám sát vào tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương có xét yếu tố tương quan từng tiểu vùng. Đây là cơ sở để ĐBSCL tạo nên những thay đổi mới trong phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2018, vùng ĐBSCL có 4.600 DN thành lập mới, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký 44.900 tỉ đồng, tăng 45,8% so với cùng kỳ. Ngoài tiềm lực phát triển của vùng thì kết quả này cũng phản ánh sự thay đổi nhanh trong việc xây dựng hình ảnh, môi trường đầu tư của các địa phương để tạo điểm nhấn, hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều địa phương đã chủ động thực hiện rất nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy cải cách hành chính công ở các cơ quan công quyền, chuyển dần sang tư duy phục vụ DN, đồng hành cùng DN trước, trong và sau quá trình cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó là quá trình kết nối với các DN đang hoạt động để thúc đẩy giao thương, kết nối đầu tư cũng đang tạo ra những hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh thu hút đầu tư trong nước, các địa phương vùng ĐBSCL đã có nhiều cuộc xúc tiến ra nước ngoài, kết nối với các DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại địa phương để mời gọi thêm các dự án mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn vùng có 7/13 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới (47 dự án FDI mới, vốn đăng ký hơn 800 triệu USD). Và nổi bật nhất là tỉnh Bạc Liêu, dù chỉ có 2 dự án đầu tư mới nhưng vốn đăng ký lên đến 365,76 triệu USD và tạo sự bứt phá mạnh mẽ về vốn FDI đầu tư vào địa bàn (tính đến cuối tháng 3-2018, tỉnh chỉ thu hút hơn 71,51 triệu USD). Kế đó là tỉnh Bến Tre, với 2 dự án vốn đăng ký 162,85 triệu USD, đưa vốn thu hút FDI của tỉnh đạt mốc 1,021 tỉ USD. Tính đến 20-6-2018, toàn vùng ĐBSCL có 1.467 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20,67 tỉ USD. Có thể thấy với những nỗ lực của hiện tại và kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm đã chứng tỏ vùng ĐBSCL đang ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Không chỉ đầu tư trong nước,  nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến thế mạnh về phát triển nông nghiệp, du lịch của vùng. Các địa phương cũng chú trọng kết nối đầu tư ở những thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thì có 45% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; chỉ 17,4% số DN đánh giá gặp khó khăn và 37,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự báo quý III so với quý II năm nay, có 52,5% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; chỉ 11,5% số DN dự báo khó khăn hơn và 36% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định… Điều này cũng khẳng định môi trường kinh doanh của các địa phương cả nước và môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia đang tạo nên những chuyển biến mới, mức độ DN hài lòng về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương đang tăng lên. Và với những điểm mới, nổi bật trong thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận cho DN, kỳ vọng ĐBSCL sẽ có cuộc bứt phá mới.

GIA BẢO

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới