spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngCần Thơ: Tạo đột phá để nâng cao tỉ lệ lao động...

Cần Thơ: Tạo đột phá để nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo

Với quyết tâm phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tạo mục tiêu tạo đột phá nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế quốc dân, thời gian qua TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Hệ thống các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng được củng cố, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Năm 2017, TP Cần Thơ đã tuyển mới và đào tạo cho 41.520 thí sinh, đạt 101,2% kế hoạch đề ra, tăng 6,4% so với kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo so với lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt hơn 69%.

Cơ cấu ngành nghề tuyển sinh chuyển hướng mạnh theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, tập trung vào các lĩnh vực thành phố đang cần như: Nhóm ngành công nghệ thông tin (18,3%), nhóm ngành kĩ thuật (12,2%), nhóm ngành giao thông (10,6%), nghề du lịch, khách sạn, nhà hàng (9,3%)…

Trong đó riêng tổng số nghề tuyển sinh đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố là 92 nghề. Cao đẳng nghề có 18 nghề, Trung cấp nghề có 25 nghề, Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 49 nghề.

Công tác tuyên truyền đối với đào tạo nghề được TP Cần Thơ quan tâm thực hiện, thông qua nhiều hình thức. Từng bước nâng cao nhận thức cho đông đảo người dân hiểu được giá trị, lợi ích thiết thực của việc học nghề.

Mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục được củng cố, tăng cường đầu tư và phát triển, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động.

Tính đến tháng 11/2017, trên địa bàn TP Cần Thơ có 81 cơ sở GDNN. Trong đó, có 10 trường Cao đẳng (3 phân hiệu), 14 trường Trung cấp (1 phân hiệu), 9 trung tâm GDNN-GDTX quận – huyện, 16 Trung tâm GDNN tư thục và 32 cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp.

Đội ngũ giáo viên trong hệ thống GDNN đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ và kĩ năng nghề của nhà giáo không ngừng được cải thiện và từng bước được chuẩn hóa.

Tính đến năm 2017 toàn thành phố có 942 giáo viên có trình độ sau đại học và đại học (chiếm hơn 65,20%), đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chiếm tỷ lệ 86,19%.

Các chương trình giảng dạy trình độ cao đẳng và trung cấp được các cơ sở GDNN tổ chức xây dựng và ban hành trên cơ sở chương trình khung của Bộ LĐTBXH ban hành.

Đặc biệt, có sự điều chỉnh với sự tham gia của doanh nghiệp để lựa chọn những kiến thức, kĩ năng, thái độ cơ bản, cần thiết đưa vào chương trình cho phù hợp.

Cấu trúc chương trình được xây dựng theo mô đun tích hợp kiến thức chuyên môn, kĩ năng thực hành, kĩ năng mềm, kĩ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp… đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo.

Chương trình giảng dạy trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cũng từng bước được các cơ sở dạy nghề quan tâm điều chỉnh, biên soạn mới cho phù hợp với nhu cầu của người học và các yêu cầu thực tế của đời sống.

Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên (kể cả kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn) theo kế hoạch từ đầu năm Sở đã xây dựng.

Đồng thời, Sở LĐTBXH cũng báo cáo kịp thời đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở dạy nghề tiến hành tự kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định.

Trong năm 2017, đã tiến hành kiểm tra 2 trường có tổ chức hoạt động dạy nghề và đào tạo nghề trọng điểm, 10 cơ sở GDNN và  9 quận, huyện trên 80 lớp dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Qua kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở khắc phục các hạn chế về các điều kiện dạy và học, công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật đi vào nề nếp.

Đồng thời hỗ trợ địa phương tháo gỡ các khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhất là việc xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với việc làm, xây dựng mô hình giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

Đến nay, các cơ sở GDNN có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh nhiều lần trong năm. Tập trung vào hướng đào tạo theo tín chỉ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, đào tạo, dạy và học trong các cơ sở GDNN.

Bên cạnh đó, TP Cần Thơ luôn quan tâm đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động trong phát triển mạng lưới GDNN.

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong các lĩnh vực của GDNN như: nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, quản trị nhà trường…

Theo Sở LĐTBXH Cần Thơ, năm 2018, thành phố phấn đấu tuyển mới và đào tạo cho 46.000 học viên (Cao đẳng 6.000, Trung cấp 2.500, Sơ cấp và dưới 3 tháng 37.500).

Theo đó, hướng đến nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo so với lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 72%, tỉ lệ lao động qua đào tạo 56,5% so với lao động trong cả nước góp phần vào các chương trình, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuấn Quang

http://daidoanket.vn

Tin Mới