spot_img
spot_img
spot_img
Trang chủHoạt động địa phươngTầm nhìn mới cho đồng bằng sông Cửu Long

Tầm nhìn mới cho đồng bằng sông Cửu Long

Tại phiên họp toàn thể “Hội nghị Diên Hồng” ngày 27-9 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, nhiều ý kiến của đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cho rằng, một quyết sách mới cho ĐBSCL cần sớm được ban hành.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRUNG

“Nương” vào tự nhiên để phát triển

ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Thời gian qua, ĐBSCL đã đóng góp lớn cho quốc gia và giữ vai trò an ninh lương thực. Tuy nhiên, trong điều kiện BĐKH, sự phát triển nội tại của vùng đang đứng trước rất nhiều thách thức. “Hội nghị Diên Hồng” được xem là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay để bàn quyết sách mới cho ĐBSCL. Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị đều có chung nhận định, trong 30 năm đổi mới, rất nhiều quyết định, chính sách phát triển cho vùng, nhưng chưa mang tính tổng thể, chưa kết nối toàn vùng. Do vậy, cần nhìn ĐBSCL trong tương quan mới, dân đồng bằng không thắc mắc về lũ, mặn… mà họ tìm cách sống chung với lũ, mặn và khai thác lợi ích từ đó.

ĐBSCL đang cần cuộc chuyển đổi lớn và phải dựa vào từng tiểu vùng để có mô hình chuyển đổi phù hợp. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định: “Vấn đề nội tại của vùng phát triển còn thiếu bền vững, đê bao khép kín ở 2 vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã gián tiếp làm gia tăng ngập lụt ở vùng hạ lưu. Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Thách thức đến từ đập thủy điện và các công trình ngăn dòng chảy ở các quốc gia thượng nguồn gây ra hiện tượng “nước đói phù sa”, thay đổi dòng chảy gây sạt lở đất bờ sông, khô hạn càng trầm trọng hơn”. Do đó, cần phải tăng cường kết nối với các vùng còn lại, chia sẻ tài nguyên và thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cũng cho rằng: “BĐKH đã ảnh hưởng rồi, nên không thể sản xuất theo mô hình cũ, mà phải thay đổi. Nhưng mô hình nào, đầu ra ở đâu và cần đầu tư gì phải tính toán kỹ. Sóc Trăng có 3 vùng sản xuất: ngọt, lợ, mặn nhưng quy mô rất nhỏ, nên tỉnh chỉ có thể cầm cự trong tương lai ngắn. Còn 5-10 năm nữa, mặn đi qua khỏi Sóc Trăng và khi đó, tỉnh chỉ còn kinh tế nước mặn”. Ông Thể đề xuất các bộ, ngành cần điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất, quy hoạch cây con cho từng tiểu vùng, để các địa phương dựa vào đó sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. ĐBSCL nếu chỉ dựa vào nông nghiệp thì khó phát triển và không chuyển đổi, những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ không thể đảm bảo cuộc sống, ly hương là vấn đề khó tránh khỏi.

Với những trăn trở của vùng, lãnh đạo các địa phương đều chung nhận định cần quy hoạch lại ĐBSCL bằng tầm nhìn mới và rộng hơn. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nói: “Để đảm bảo thích ứng với BĐKH thì chúng ta không chống lại thiên nhiên mà phải cố gắng thích ứng các điều kiện đó để tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống cho phù hợp. BĐKH vừa là thách thức, vừa là cơ hội, cho nên các địa phương ở vùng ĐBSCL cố gắng phát huy những lợi thế, cơ hội này”.

Cùng quan điểm, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nói: “Gần 20 năm trước, ĐBSCL đã khẳng định phải “sống chung với lũ”. ĐBSCL đang chịu thách thức lớn về BĐKH, thời tiết cực đoan và suy thoái nguồn nước và cũng đang sống chung với những thách thức đó. Muốn vượt qua thách thức để phát triển, có những việc phải có sự đầu tư nguồn lực cần thiết, đủ lớn và kịp thời của Trung ương. Vượt qua thách thức cần sự tái cấu trúc ngành và lĩnh vực cả vùng. Nhưng cần thận trọng, tính toán kỹ để không can thiệp sâu bằng giải pháp công trình làm tác động biến đổi các hệ sinh thái như trong quá khứ đã từng làm”.

Đại diện Tổ chức IUCN cũng chỉ rõ: Quyết định liên kết vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL chưa giải quyết được vấn đề liên kết vùng của ĐBSCL. Tầm nhìn trong 30 năm gần đây cho vùng chưa mang tính toàn diện đã làm cản trở sự phát triển của vùng. Chương trình nghiên cứu về đồng bằng của Hà Lan có thể học tập được để xây dựng kế hoạch tổng thể cho toàn ĐBSCL. Nương theo tự nhiên của từng tiểu vùng để có quy hoạch phù hợp. Người đồng bằng “sống chung với lũ”, mặn và họ biết cách tận dụng những điểm này để mưu sinh. IUNC sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên tiếp cận vốn từ chương trình sáng kiến xanh để phát triển bền vững.

Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, truyền cảm hứng

Sự kỳ vọng của đồng bằng vào một Chính phủ kiến tạo được đặt ra thẳng thắn tại hội nghị. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khẳng định, ĐBSCL đặt nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào những quyết sách lớn của một Chính phủ kiến tạo. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ dẫn dắt, truyền cảm hứng, tạo những điều kiện để kiến tạo nên một vùng ĐBSCL phát triển bền vững. ĐBSCL phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “Chuyển đổi tư duy độc canh và tăng sản lượng lúa gạo, giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ”. Phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, lấy doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với sự tác động của BĐKH và suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước”.

Theo ông Hoan, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Tháp cùng với Long An và Tiền Giang đang xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười” dựa trên phát huy giá trị tài nguyên, văn hóa bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước. Tinh thần cốt lõi của liên kết không phải là để “chia chiếc bánh” mà làm sao cho “chiếc bánh lớn hơn”. Đề án cũng xác định biến những giá trị vô hình trở thành giá trị hữu hình, biến những thách thức do tác động của BĐKH thành cơ hội và trở thành “đặc sản” để liên kết phát triển bền vững.

Mô hình sản xuất xen canh giữa lúa và hoa màu giúp tiết kiệm nước tưới và thích ứng biến đổi khí hậu đang được nhiều nông dân tại ĐBSCL quan tâm ứng dụng. Trong ảnh: Mô hình sản xuất mè trên nền đất lúa tại TP Cần Thơ. ảnh: Khánh Trung

Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ cần có những chính sách đồng bộ hỗ trợ hình thành các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng. Chính phủ xác định rõ hơn về tầm quan trọng sống còn của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL. Bởi không có kinh tế hợp tác, sẽ không triển khai được các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ. Kinh tế hợp tác cũng là cấp chủ động thích ứng với tác động của BĐKH ngay trên từng cánh đồng. Đồng thời, cho các địa phương mạnh dạn thí điểm sắp xếp các tổ chức thuộc ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng chuyển từ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất sang hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị và các hoạt động hỗ trợ năng lực thích ứng với kinh tế thị trường cho nông dân. Ưu tiên các nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư công cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, sinh kế của người dân.

Tại “Hội nghị Diên Hồng”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khẳng định: “WB sẽ có ưu đãi và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện kế hoạch ứng phó BĐKH. Ngoài ra, ĐBSCL cần tìm kiếm nguồn lực tài chính cho sự thích ứng, phát triển trong tương lai”. Các tổ chức quốc tế cũng đồng tình ủng hộ ĐBSCL xây dựng kế hoạch phát triển bền vững và hỗ trợ huy động các nguồn vốn nước ngoài, tư nhân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Neinke Trooster, Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản đều khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết những thách thức BĐKH.

“Phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì của mình đang có, không thể thụ động chờ thượng nguồn. Phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp cho từng tiểu vùng. Không cần thiết sản xuất lúa vụ 3. Mạnh dạn bỏ hạn điền, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thu hút nông dân vào hợp tác xã kiểu mới”- GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

KHÁNH TRUNG- HÀ VĂN-GIA BẢO

Nguồn: baocantho.com.vn

Tin Mới